Cám cảnh con tâm thần, mẹ già liệt giường nương tựa vào nhau

(PLO) - Gần 30 năm qua, cụ Đào Thị Loan (78 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh) tảo tần đủ nghề để nuôi con trai bệnh tâm thần. Hiện nay, đôi chân đã không còn, sức khỏe ngày một kém nên cụ rất lo lắng cho tương lai đứa con bệnh tật của mình không biết sẽ về đâu?.
Lo lắng về tương lai của hai mẹ con
Lo lắng về tương lai của hai mẹ con

Hai mẹ con họ chỉ biết nhìn nhau mà rưng rưng nước mắt trước cảnh khốn cùng của gia đình mình.

Tuổi trẻ cơ cực

Nằm một chỗ, toàn thân lở loét nhưng đầu óc cụ Loan vẫn còn rất minh mẫn. Cụ cho biết mọi sinh hoạt hằng ngày của mình đều do con trai là ông Lê Văn Sơn (57 tuổi) một tay chăm sóc.

Mang trong mình căn bệnh tâm thần phân liệt, ông Sơn phải thường xuyên uống thuốc điều trị mới có thể tỉnh táo mà chăm nom mẹ trong những ngày nằm viện. Khi được hỏi về cuộc đời không mấy may mắn của mình, nước mắt cụ Loan cứ rơm rớm rơi theo suốt câu chuyện.

Cụ Loan quê ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 16 tuổi, cụ theo gia đình rời quê hương vào Sài Gòn kiếm chén cơm manh áo. Không lâu sau, cụ Loan lập gia đình với một người đàn ông làm nghề bốc xếp ở cảng Sài Gòn.

Đến lúc cuộc sống ổn định, nhà được tí của ăn của để thì người chồng sinh ham mê cờ bạc, bỏ bê công việc mưu sinh. Bao vốn liếng dành dụm được, ông ấy đều nướng sạch vào những ván bài đen đỏ. 

Đã vậy, người chồng còn mang thêm thói nghiện rượu, mỗi khi say xỉn lại lôi vợ con ra đánh. Không thể chịu đựng được, cụ Loan đã nhiều lần bồng bế đứa con thơ dại trốn đi nơi khác làm thuê làm mướn kiếm sống. Thế nhưng đi đâu ông ấy cũng tìm đến với dáng vẻ hối hận, nài nỉ vợ xin được sum hợp. 

Vì thương chồng nên cụ Loan chấp nhận nhưng rồi người chồng lại “chứng nào tật ấy”, ông vẫn không bỏ được máu đỏ đen, rượu chè lại thêm bồ bịch với những cô gái làng chơi. Năm ông Sơn được 6 tuổi, người cha bạc nghĩa ấy lén đánh cắp hết số tiền dành dụm của vợ bỏ trốn theo nhân tình biệt tăm suốt 50 năm qua. 

Từ ngày chồng giũ áo ra đi, bao nhiêu hy vọng về tương lai, cụ Loan đều đặt hết vào con trai. Cuộc sống túng quẫn luôn bị áp lực bởi chuyện cơm áo gạo tiền nhưng cụ vẫn còng lưng làm việc quần quật đêm ngày để lo cho con được ăn học đến nơi đến chốn.

Thời trai trẻ, ông Sơn khỏe mạnh bình thường, gánh vác hết mọi việc nặng nhẹ trong nhà đỡ đần mẹ. ông từng tốt nghiệp kỹ sư cơ khí và làm việc cho một công ty nhà nước gần 10 năm.

Thấy con khôn lớn, thành đạt đã có công ăn việc làm ổn định, cụ Loan rất vui mừng và nghĩ rằng tuổi già của mình sau này sẽ là những tháng ngày an lạc. Nào ngờ, biến cố không may lại một lần nữa ập xuống đời cụ.

Sau khi mối tình đầu tan vỡ vì gia thế hai bên không “môn đăng, hộ đối”, ông Sơn u uất trong lòng, rồi mắc phải bệnh tâm thần phân liệt, đầu óc cứ khi mê, khi tỉnh, suốt ngày cứ đi lang thang lang thang ngoài đường. 

Từ một người thanh niên hiền lành, thân thiện, ông Sơn trở nên cáu gắt, bạo lực, hay động tay động chân mỗi khi phật lòng. Bạn bè, đồng nghiệp ít ai buồn tiếp rồi dần xa lánh. Bệnh tình ngày càng nặng thêm khiến ông hay cười nói lảm nhảm một mình, không ra khỏi nhà mà nằm mình trong phòng tối la hét inh ỏi.

Thương con, cụ Loan bán cả căn nhà nhỏ che mưa che nắng đang ở để lấy tiền đưa ông Sơn điều trị nhiều nơi nên bệnh tình cũng có phần thuyên giảm. Dẫu vậy, từ năm 1989 đến nay, không ai dám thuê mướn ông làm việc. Người con trai vẫn bó gối sống bám víu vào mẹ già tóc bạc, da mồi thường xuyên đau ốm. 

ông Sơn đang đút cơm cho mẹ
ông Sơn đang đút cơm cho mẹ

Tuổi già chịu khổ

Từ ngày con bệnh tật, cụ Loan vừa là trụ cột chính về kinh tế, vừa đảm đương luôn việc chăm sóc cho con trai như hồi còn thơ dại. Bà vừa bươn chải đủ nghề để kiếm tiền đong gạo hằng ngày vừa mua thuốc men điều trị cho con. Những khi con trai phát bệnh la hét, đập phá đồ đạc cũng là những lần bà khóc con đến cạn nước mắt.

Vì con, cụ Loan không ngại vất vả, đổ biết bao mồ hôi và nước mắt. Khi còn sức khỏe, cụ vất đủ nghề từ việc bán báo, bán vé số, xem bói. 

Cụ Loan thành thực, nhiều lúc túng quá nên làm liều vậy thôi ông thật sự cụ không hề đoán biết được vận mệnh tương lai gì cả. Về việc xem bói, cụ ông yếu hỏi đoán theo tâm lý của khách hàng rồi cứ phán ra những điều lành để được lòng khách. Cứ nói về tương lai sắp tới, họ sẽ gặp vận may mắn, có nhiều tiền tài thì ai cũng vui vẻ không tiếc tiền mà thưởng hậu hĩnh cho mình. 

Về sau, thấy việc làm ấy sai trái và thất đức quá nên cụ Loan “bỏ nghề”. Từ đó, ai mướn gì, cụ cũng làm từ việc lau nhà, rửa bát cho đến giữ trẻ thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống qua ngày. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn chật vật nhưng mẹ con họ vẫn lay lắt rau cháo qua ngày.

Sau nhiều năm vất vả nuôi con, cộng thêm tuổi già sức yếu, cụ Loan mắc hàng loạt các bệnh tật mãn tính như rối loạn tiền đình, nhồi máu cơ tim, suy tim, ghẻ chàm lở loét khắp người và nguy hiểm nhất là căn bệnh tiểu đường khiến bà phải cắt bỏ đôi chân bị hoại tử trầm trọng vào tháng 3 năm nay để giữ lại tính mạng. 

Từ khi chuyển qua điều trị ở Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng quận 8 gần 3 tháng nay, sức khỏe cụ Loan đã dần ổn định. Cụ mừng vì nhiều tháng qua, con trai đã tỉnh táo hơn, chăm sóc cho mẹ từ việc ăn uống đến vệ sinh hằng ngày.

Dẫu vậy, ông Sơn vẫn phải uống thuốc liên tục để hạn chế những cơn đau đầu và ảo giác không làm ông được bản thân do di chứng ảnh hưởng từ căn bệnh cũ cách vài hôm lại tái phát.  

Hiện giờ, trong lòng cụ Loan lúc nào cũng canh cánh nỗi âu lo về chuyện cơm áo, gạo tiền, tiền viện phí và những khoản nợ nần vừa qua.

Hằng ngày, tiền viện phí và ăn uống của hai mẹ con tiêu tốn hơn 300 ngàn đồng, ônga kể đến tiền thuê phòng trọ tại quận Phú Nhuận mỗi tháng gần 1,5 triệu đồng. Con số này vượt quá xa so với khoản trợ cấp xã hội 1, 5 triệu đồng mỗi tháng của hai mẹ con họ. 

Những lúc tỉnh, ông Sơn phải đi vay mượn khắp họ hàng và những người quen biết để lo điều trị cho mẹ và trang trải mỗi ngày. Cuộc sống còn quá nhiều lo toan, nợ nần cứ chồng chất mà sức khỏe yếu kém, đôi chân cũng đã mất đi rồi nên cụ Loan lo lắng không biết làm gì để kiếm tiền lo ôngyện cơm áo cho mình và đứa con bất hạnh . 

Cụ Loan chia sẻ: “Giờ chân tôi đã không còn, tôi lo lắng không biết làm cách nào để đi lại mưu sinh kiếm cái ăn hàng ngày cho hai mẹ con đây, còn tiền nhà trọ nữa. Rủi không may tôi có mệnh hệ nào không biết ai sẽ nuôi thằng Sơn con tôi đây?. Cả đời tôi luôn khao khát một lần được nhìn thấy nó lập gia đình, có đôi bạn như bao người nhưng tôi biết điều đó sẽ không bao giờ có thể”.

Mong rằng được sự tương trợ giúp đỡ của cộng đồng, gánh nặng cuộc đời trên vai bà cụ tuổi gần đất xa trời này sẽ nhẹ bớt đi phần nào. Gia đình họ sẽ có được những tháng ngày an nhàn ngắn ngủi.

Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ mẹ con cụ Loan xin liên hệ theo địa chỉ: phòng số 19, khoa Ngoại chỉnh hình, cổng số 3, bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Quận 8 (số 313 Âu Dương Lân, Phường 2, Quận 8). Số điện thoại: 01277  527  494.

Đọc thêm