Cám cảnh cựu chiến binh mang di chứng chiến tranh nuôi vợ tâm thần

(PLO) -Dù biết bà Phạm Thị Sơn (SN 1972) bị bệnh tâm thần nhưng ông Phạm Văn Vậy (SN 1940, ngụ thôn 14A, xã Ya T’Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) vẫn đem lòng yêu thương. Sống trong cảnh nghèo khó, lại thêm di chứng chiến tranh hành hạ thể xác, ông Vậy phải oằn mình nuôi hai đứa con nhỏ và chăm sóc người vợ có “sở thích” bỏ nhà đi.
Căn nhà tranh lụp xụp của ông Vậy
Căn nhà tranh lụp xụp của ông Vậy

Chuyện tình đôi đũa lệch 

Ông Vậy sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, ông cùng các thanh niên trong làng xung phong ra trận, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Vậy quyết định không về quê mà ở lại huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) lập nghiệp. Cũng tại nơi đây, ông trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên, nhưng được một thời gian vì đã “hết duyên” nên hai người đành chấp nhận kết cục “đường ai nấy đi”. 

Sau đó, ông Vậy quen biết bà Sơn, người phụ nữ có số phận éo le bởi cả cha mẹ đã qua đời trong chiến tranh. Một thân một mình, không nơi nương tựa, bà Sơn phải tự bươn trải kiếm sống qua ngày. 

Thấu hiểu được hoàn cảnh đáng thương của bà Sơn nên ông Vậy đã đem lòng yêu thương và ngỏ ý muốn chăm sóc cho bà. Sau một thời gian tìm hiểu, ông mới biết người phụ nữ này có dấu hiệu về bệnh thần kinh. Dù vậy, ông Vậy không những không xa lánh mà còn dành nhiều tình cảm và quan tâm hơn tới bà Sơn. 

Mối tình “đũa lệch” của hai người bị gia đình và người thân phản đối kịch liệt. Tuy nhiên, họ đã vượt qua mọi rào cản của dư luận để đến với nhau. Năm 2005, hạnh phúc vỡ òa khi đứa con gái đầu lòng của hai vợ chồng chào đời.

Năm 2008, ông Vậy quyết định bán hết đất đai đưa vợ con tới xã Ya T’mốt (huyện Ea Súp) sinh sống. Tại đây, đôi vợ chồng già mua một mảnh đất nho nhỏ, trên đó dựng căn nhà tranh vẻn vẹn 15m2. Phần còn lại, ông Vậy cải tạo thành vườn để trồng rau và mấy cây thuốc Nam sống qua ngày.

Năm 2010, ông bà vui mừng đón đứa con thứ hai. Thêm một thành viên, niềm hạnh phúc được nhân lên, nhưng cũng đồng nghĩa với nỗi lo về cơm áo gạo tiền trở nên nặng nề hơn. Cũng chính lúc này dấu hiệu tâm thần của bà Sơn trở nặng.

Lo lắng, ông Vậy đưa vợ đi khám chữa. Bao nhiêu tiền tích góp được, ông đổ vào các khoản thuốc Tây thuốc ta. Dù đã chữa trị khắp nơi, nhiều thuốc nhiều thầy nhưng đáng buồn là căn bệnh của bà Sơn không có dấu hiệu thuyên giảm. Từ đó, tâm lý bà càng trở nên thất thường, hay đi lang thang, nói nhảm rồi cười một mình. 

Theo ông Vậy, bà Sơn bị mắc bệnh tâm thần là do chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam thời chiến tranh. Trước đây đã có thời gian bố vợ ông hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên, tuy nhiên sau khi ông qua đời, mọi giấy tờ theo đó đã bị thiêu hủy nên bà không được hưởng chế độ chính sách gì.

Ông Vậy buồn bã tâm sự về cuộc đời mình
Ông Vậy buồn bã tâm sự về cuộc đời mình

Vợ tâm thần, con côi cút 

Từ khi hai vợ chồng ông Vậy chuyển đến nơi ở mới, hàng xóm láng giềng ai nấy đều quý mến. Ông Vậy gia nhập vào Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi của thôn. Biết hoàn cảnh khó khăn của hai vợ chồng, khi nhà nước có chương trình hỗ trợ như xây nhà tình nghĩa chính quyền địa phương đều ưu tiên cho gia đình ông nhưng ông Vậy đã hai lần từ chối.

Đến năm 2015 bà Sơn bỗng dưng bỏ nhà ra đi. Phải vất vả lắm, ông Vậy mới biết vợ mình “lang thang” ở làng bên. Mặc dù đã rất nhiều lần ông tới khuyên bảo bà quay về nhưng tới nay bà vẫn không chịu nghe. Ông Vậy đành thu xếp cho đứa con gái 10 tuổi qua ở cùng để tiện chăm sóc mẹ lúc ốm đau.

Ông Vậy tâm sự: “Vì tôi không làm được ngôi nhà cho đàng hoàng, tử tế như người ta nên vợ tôi mới chán nản rồi bỏ đi. Do bà ấy bị bệnh tâm thần từ trước nên tôi không trách, chỉ trách số phận mình hẩm hiu không lo được cho vợ con cuộc sống no đủ”.

Nói về lý do đã hai lần từ chối nhận chương trình hỗ trợ xây nhà tình nghĩa của địa phương, ông Vậy chia sẻ: “Tôi nghĩ gia đình mình khó khăn thật nhưng còn nhiều hộ gia đình khác khó khăn hơn nên tôi nhường những hộ gia đình khác trong thôn được làm nhà trước”.

Từ khi người vợ dở chứng bỏ nhà đi, ông Vậy một mình lo cho con ăn học. Căn nhà nhỏ của hai cha con lúc nào cũng đóng cửa im ỉm. Những lúc con trai đi học ông chỉ ngồi im trong nhà, không nói chuyện với ai. Thi thoảng, có bạn trong Hội Cựu chiến binh tới thăm hỏi ông mới mở cửa tiếp chuyện. 

Vì tuổi tác đã cao, lại mắc chứng bệnh nặng tai càng làm ông ngại tiếp xúc với xóm giềng. Sống thu hẹp một mình, ông Vậy hàng ngày chỉ bầu bạn với mấy cây thuốc Nam trong vườn. Những lúc rảnh rỗi ông lại gỡ những tấm ảnh, huân chương kháng chiến của mình xuống lau thật sạch sẽ. Có lẽ ngoài vợ và hai con ra thì những thứ đó mới đem lại cho ông Vậy niềm vui sống qua những ngày tháng khó khăn này.

Một số hình ảnh, bằng khen được ông Vậy treo trong nhà
Một số hình ảnh, bằng khen được ông Vậy treo trong nhà

Nỗi lo tuổi xế chiều

Trải qua bao sóng gió, thăng trầm trong cuộc sống, bản thân đã bước vào tuổi xế chiều. Dù vậy, điều làm ông lo lắng nhất bây giờ không phải là cái chết. Sống bấy nhiêu năm, đối với ông đã là quá đủ, cái chết chỉ là sớm hay muộn.

Điều duy nhất ông còn vương vấn, day dứt là hai đứa con nhỏ, nếu lỡ ông có qua đời thì các cháu biết nương tựa vào ai trong khi mẹ của chúng lại mang trong mình căn bệnh quái ác như vậy? 

Mong muốn lớn nhất của ông lúc này là làm được căn nhà, không cần quá khang trang nhưng có thể an tâm trong những ngày mưa bão, xua đi cái lạnh lẽo trong căn nhà dột nát hiện tại. Khi đó, ông sẽ đón người vợ tâm thần của mình về sống chung để tiện bề chăm sóc cho nhau và cho các con.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Đài, Chi hội Trưởng Hội Cựu chiến binh và Chi hội Trưởng Hội Người cao tuổi thôn 14A (xã Ya T’mốt) cho biết: “Đồng chí Vậy là một trong những hội viên rất nhiệt tình, tiền bạc quyên góp ông không có nhưng mỗi lần hội tổ chức thu cân cây thuốc Nam để ủng hộ cho hội Đông y, ông luôn đi đầu”. 

Mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông vào đồng lương ít ỏi của Hội Cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi, không những thế, hàng tháng ông phải chia đôi khoản tiền nhỏ đó cho người vợ một nửa, nửa còn lại lo cho con cái ăn học. Bữa ăn của hai cha con chẳng có gì ngoài vài con ốc, rau rừng, khi thì mì tôm, cá khô hay quả trứng ăn cho qua bữa.

“Hoàn cảnh của ông Vậy có phần khó khăn nên nhiều khi ông tự ti, ít tiếp xúc với ai. Ông là người có công trong kháng chiến. Vừa là đại diện bên hội Người cao tuổi cũng là bạn bè nên tôi vẫn hay đến động viên, thăm hỏi ông ấy. Hiện nay, chúng tôi đang đề nghị cấp trên sớm có chính sách hỗ trợ gia đình đồng chí Vậy được xây dựng căn nhà khang trang hơn nhưng tiếc là vẫn chưa có kết quả”, ông Đài cho hay.

Còn bà Nguyễn Thị Thơm, Thôn Trưởng thôn 14A chia sẻ: “Gia đình ông Vậy thuộc diện hộ nghèo trong thôn. Mỗi dịp lễ Tết, chúng tôi có đến động viên thăm hỏi, tặng quà. Mặc dù trong thôn còn nhiều hộ khó khăn, nhưng ai cũng xót xa cho hoàn cảnh hai cha con ông Vậy.

Bản thân già cả không lao động được, hơn nữa còn mắc chứng bệnh nặng tai, vợ thì tâm thần rồi bỏ đi. Người thân, anh em chẳng còn ai, con nhỏ dại không người chăm sóc rất tội nghiệp. Rất mong các nhà hảo tâm có tấm lòng nhân ái giúp đỡ hai cha con ông Vậy”.

Bạn đọc có tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ nhân vật xin liên hệ với ông Phạm Văn Vậy. Địa chỉ: Thôn 14A, xã Ya T’mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Điện thoại: 01687827554. 

Đọc thêm