Cảm động một chuyện tình “đũa lệch”

(PLO) - Cách đây gần 30 năm, một đám cưới đặc biệt khiến làng quê xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) xôn xao. Bởi cô dâu trong đám cưới ấy là thiếu nữ lành lặn, khoẻ mạnh Nguyễn Thị Thanh (SN 1963), trong khi chú rể Trần Thường (SN 1964) bị bại liệt, phải đi lại bằng đôi bàn tay. 
Cảm động một chuyện tình “đũa lệch”

Chuyện tình “đũa lệch”

Khi mới sinh anh Thường cũng khoẻ mạnh như bao người khác. Nhưng trận ốm liệt giường vì bệnh sởi năm 14 tuổi đã đẩy cuộc đời anh sang ngã rẽ mới, đầy đau thương. Nhớ lại chuyện buồn, giọng anh trầm xuống: “Năm 1978, tôi không may mắc phải bệnh sởi. Vì hoàn cảnh cộng thêm hiểu biết hạn chế của người thân nên tôi không được chữa trị kịp thời. Ít ngày sau, tôi lên cơn co giật, hai chân teo lại, không cử động được”.

Từ một cậu thiếu niên khoẻ mạnh, lanh lợi, chỉ trong phút chốc Thường phải nằm một chỗ. Đó là cú sốc lớn đối với anh. “Nằm nhìn bạn bè chạy nhảy, vui đùa ngoài sân tôi chỉ biết rơi nước mắt. Cảm giác bất lực khiến tôi càng đau đớn, chán nản hơn”, anh tâm sự.

Cú sốc lớn khiến anh chán nản, sống thu mình với mọi người. Thương con, cha mẹ anh chỉ biết động viên, chấp nhận số phận. Nhưng với anh, để chấp nhận nó là điều không hề dễ dàng. Suốt thời gian dài, cuộc sống của anh Thường chỉ quanh quẩn trên chiếc giường nhỏ. Không vận động khiến thân xác anh càng tiều tuỵ. Nguy hiểm hơn, phần thịt ở lưng, mông anh bắt đầu có dấu hiệu lở loét do nằm lâu một chỗ.

Nhìn đứa con 20 tuổi ngày càng héo hon, phờ phạc, người cha tiếp tục động viên. Lần này, những mong muốn của người thân đã lay chuyển được suy nghĩ chàng trai “cứng đầu”. Anh bắt đầu tập lết đi bằng hai tay và chân. “Vì đầu gối không thể đứng lên được nên tôi phải tập đi bằng tư thế ngồi xổm. Lúc đầu, tôi phải dùng lực của hai bàn tay để đẩy người về phía trước.

Sau đó, tôi cố đi bằng hai chân, song song với đó là chống một bàn tay xuống đất để việc di chuyển dễ dàng hơn”, anh chia sẻ. Việc đi bằng chân và tay khiến bàn tay của anh Thường bị chai sần, nứt nẻ. Anh tâm sự, vất vả nhất là mỗi lúc trời mưa, đường bẩn bàn tay anh lấm lem đất bùn.

Người dân nơi đây càng nể phục hơn khi thấy anh Thường bắt đầu bươn chải bằng nhiều nghề. Lúc đầu là đặt vó tôm, tép ở cánh đồng gần nhà, sau là đánh trúm lươn. Đã không ít lần, anh Thường trở về nhà trong bộ đồ ướt sũng vì bị nước ngập hết người. “Cực nhất là vào mùa đông, do tôi chỉ có một tư thế đi lại nên thường xuyên bị ướt người, rét cóng”, anh nhớ lại.

Siêng năng làm việc, được nhiều người mến phục, nhưng chưa bao giờ chàng trai trẻ dám mong về mái ấm nhỏ. Thế nhưng, chuyện tình cổ tích đã đến với anh khi cô thôn nữ Nguyễn Thị Thanh tự nguyện yêu thương và đến với anh.

Chị Thanh sinh ra trong một gia đình nghèo, phải đi ở đợ khi chưa đầy 10 tuổi. Không lâu sau, bố mẹ qua đời khiến cuộc sống chị càng vất vả, đơn độc hơn. 

Trong những tháng ngày sống kiếp ở đợ, vô tình chị lại giúp việc cho một người thân, ở sát nhà anh Thường. Từ đó, hai người dần có tình cảm với nhau. Tình cảm của họ nhanh chóng được người thân biết tới. Không muốn chị Thanh thêm gánh nặng, chính người thân của anh Thường đã đánh tiếng khuyên chị nên dừng lại. Thế nhưng, cô gái trẻ vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Cuối cùng hai bên gia đình đều phải chấp nhận tình yêu của đôi bạn trẻ. 

Nỗi lo chưa dứt

Sau đám cưới, vì hai bên gia đình đều nghèo đói nên vợ chồng chị Thanh phải tự bươn chải bằng đôi tay của mình. Anh Thường quyết định khai hoang vùng đất chua phèn gần nhà để trồng trọt, chăn nuôi. 

Để cáng đáng gia đình, chị Thanh ngoài công việc đồng áng còn làm thêm nghề gói bánh lá đi bán dạo. Nhiều người vì thương gia cảnh đã không ngần ngại mua ủng hộ chị. Hình ảnh người phụ nữ nhỏ thó đội thúng trên đầu đi bán hàng đã không còn xa lạ với người dân nơi đây.

Một năm sau ngày cưới, đôi vợ chồng ấy đón nhận đứa con đầu lòng. Nhưng niềm vui ấy lại ngắn ngủi khi đứa con đó đã mãi mãi ra đi sau một trận ốm. Đến năm 1994, họ có với nhau đứa con khác là cháu Trần Chiên. Để có tiền nuôi vợ con, anh Thường làm việc nhiều hơn để kiếm thêm con tép, con cua đồng. Mãi đến năm 2000, thông qua một hội từ thiện, gia đình anh mới có được gian nhà cấp bốn nho nhỏ. Chính tình thương, sự đùm bọc của bà con chòm xóm đã tiếp thêm động lực để gia đình nghèo sống lạc quan hơn.

Mấy năm trở lại đây, khi cánh đồng lúa gần nhà được người dân chuyển đổi sang nuôi tôm nước mặn thì cuộc sống của gia đình này càng vất vả. Không những không có nơi đặt vó để bắt tôm, cá mà việc bị nước mặn rỉ vào đồng ruộng càng khiến việc trồng lúa khó khăn hơn. Do vậy, mọi chi tiêu trong gia đình đành phải trông chờ vào những đồng tiền từ việc làm thuê của chị Thanh. Nhưng, công việc bấp bênh khiến cuộc sống của họ luôn khó khăn.

Làm lụng cật lực khiến sức khoẻ chị Thanh suy giảm nhanh. Hơn 2 năm trở lại đây, chị phát hiện trong bàng quang có một cục u. Dù đã được các bác sỹ khuyến cáo nên mổ sớm nếu không sẽ chuyển sang ung thư, nhưng vì không có tiền, chị buộc phải từ chối. Người phụ nữ ấy tâm sự: “Đợt gần đây, khối u ấy khiến tôi đau nhiều hơn. Dù rất muốn được phẫu thuật nhưng tiền không có tôi đành cắn răng chịu đựng”.

Nhưng đó chưa phải là nỗi lo duy nhất của đôi vợ chồng ấy. Bởi, gian nhà tình thương làm bằng vôi sau gần 20 năm đã xuống cấp do mối mọt. Ngước nhìn ngôi nhà nhỏ, anh Thường trầm ngâm: “Hiện nay, hàng tháng tôi được nhận hơn 500 nghìn tiền trợ cấp xã hội. Nhưng nói thật, số tiền đó vừa đủ để tôi lo thuốc men lúc trái gió trở trời. Nhiều tháng còn phải đi xin ăn bà con chòm xóm. Do vậy, việc sửa gian nhà đối với gia đình tôi là điều không thể. Tôi chỉ sợ gian nhà nhỏ sẽ sập khi chúng tôi không kịp trở tay”.

Vợ chồng anh cho hay, giờ đây tài sản duy nhất của gia đình là đàn chó nhỏ 4 con. “Bao nhiêu dự định giờ chỉ biết trông chờ vào mấy chú chó này. Tôi định bụng nuôi nó thêm ít tháng bán để đưa vợ đi chữa bệnh, chứ nhìn vợ cắn răng chịu đựng bệnh tật mà xót lòng lắm”.

Đọc thêm