"Cần câu cơm" tài hoa ở Chợ Thủ

(PLO) - Nghề mộc và chạm khắc gỗ ở Chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang là nghề truyền thống, trở thành “cần câu cơm” của người dân địa phương từ nhiều đời nay. Chợ Thủ là nơi tập trung nhiều thợ mộc thủ công khéo tay nổi tiếng cả nước. 
Nhân công trạm, khắc gỗ tại  làng nghề Chợ Thủ
Nhân công trạm, khắc gỗ tại làng nghề Chợ Thủ
Những người thợ ở Chợ Thủ phần đông được học nghề từ nhỏ theo lối cha truyền con nối. Với tinh thần cần cù, đôi bàn tay khéo léo, trí thông minh, sáng tạo tuyệt vời,... người dân Long Điền đã hãnh diện về các mặt hàng gỗ do chính bàn tay mình sản xuất. 
Trước đây đã có một thời các trại mộc bị đình đốn, phần vì không có gỗ, phần vì cung cách quản lý không tốt nên phải đóng cửa và những người thợ mộc đã kéo nhau đi TP HCM, Bình Dương và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để làm ăn... 
Từ năm 1990 đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ thiết thực của Đảng và Nhà nước ta nên một số cơ sở có quy mô sản xuất lớn, được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại đã hình thành và phát triển. Vả lại, lúc bấy giờ nền kinh tế phát triển ổn định, nhu cầu của người tiêu dùng sử dụng hàng trang trí nội thất tăng cao… 
Từ đó, nhiều trại mộc lớn - nhỏ được hình thành trở lại, thu hút nhiều thợ lành nghề làm việc để đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Nghệ nhân chạm khắc gỗ Ba Hiệp ở làng nghề Chợ Thủ cho biết: Nghề mộc ở Chợ Thủ, xã Long Điền A đã và đang khôi phục và phát triển thật nhanh chóng. Nguyên liệu chính là cây gỗ, người sản xuất tự mua theo khả năng hoặc mua từ TP HCM hay mua ngay chính gốc ở các rừng cây cho phép khai thác... 
Các hộ làm nghề mộc cũng tự lập những trại cưa riêng để chế biến gỗ theo yêu cầu của từng cơ sở cho phù hợp với việc làm của mình tuỳ theo kích thước sản phẩm. Các xã khác trong huyện Chợ Mới cũng lần lượt khôi phục nghề mộc với nhiều sản phẩm dồi dào, cung cấp một khối lượng khá lớn cho xã hội. Do đó, thị trường tiêu thụ đồ mộc ở Chợ Mới tương đối rộng lớn.
Huyện Chợ Mới hiện có 13 làng nghề được công nhận theo tiêu chí của UBND tỉnh An Giang, trong đó có 8 làng nghề truyền thống và 5 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Thủ đã được công nhận từ năm 2006 và từ làng nghề này đã sản sinh ra nhiều nhân tài và những nghệ nhân tiêu biểu như nghệ nhân Trần Văn Lai (thường gọi là ông Tư Chia). 
Làng nghề mộc Chợ Thủ có hơn 1.000 hộ tham gia, với trên 2.500 lao động và trên 200 cơ sở lớn, nhỏ. Đầu ra tốt, lao động có việc làm quanh năm và thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ giải quyết được rất nhiều lao động cho địa phương nên làng nghề mộc Chợ Thủ được quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi. 
Tỉnh An Giang đã đầu tư 500 triệu đồng kéo điện 3 pha cho làng nghề hoạt động; huyện Chợ Mới hỗ trợ cho 17 hộ vay 340 triệu đồng thay đổi máy móc, thiết bị; chương trình khuyến công và ứng dụng khoa học - kỹ thuật của tỉnh hỗ trợ gần 70 triệu đồng vốn cho 4 hộ và thành lập tổ hợp tác sản xuất đồ gỗ… Những người mới vào học nghề được chủ cơ sở và các nghệ nhân chỉ dạy tận tình mà không phải tốn một khoản học phí nào…
Thợ mộc nơi đây hăng say làm việc.
Thợ mộc nơi đây hăng say làm việc. 
Để trụ vững và phát triển, các cơ sở mộc không ngừng thay đổi cách làm, đầu tư máy cưa xẻ gỗ, sử dụng chủ yếu là nhóm gỗ tốt như: giáng hương, cẩm lai, bên, trắc, thao lao… để làm ra sản phẩm cao cấp có giá từ 2,5 - 50 triệu đồng/sản phẩm. 
Bà Trần Thị Thu - chủ cơ sở mộc Thu Thanh cho biết: “Sản phẩm trang trí nội thất của các cơ sở do tự nghệ nhân vẽ, chạm khắc nhập tâm, thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng nhát búa, động tác đục, đẽo, gọt... Mỗi sản phẩm mộc trang trí qua chạm khắc tô đậm thêm vẻ đẹp và tạo “hồn” cho khúc gỗ vô tri. Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở mộc ở đây ngày càng khẳng định thương hiệu, nổi tiếng nhờ sự chạm khắc khéo léo, sắc sảo, phong phú và đa dạng, phục vụ trang trí nội thất, như: Tủ, giường, bàn, ghế, khung hình, bao lam, thành vọng, đế thờ, khánh thờ, chân đèn, tượng Phật và những bức phù điêu theo trường phái mỹ thuật Tây Âu như: các bé hài đồng nghịch ngợm, tượng Thần Vệ Nữ và các danh nhân trong lịch sử…”. 
Theo thống kê, làng nghề Long Điền B hiện có hơn 20 cơ sở chạm trổ với trên 45 lao động, nghề tiện gỗ có gần 10 cơ sở, thu hút khoảng 30 lao động. Nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, đẹp mắt nên đã thu hút được nhiều khách hàng, mở rộng thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP HCM, Campuchia. Ở đây sản phẩm làm ra không đủ bán. Bình quân mỗi năm doanh thu làng nghề khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Những dịp lễ, tết... các mặt hàng gỗ cẩn, hoành phi, câu đối được tỏa đi khắp nơi trong nước. Ngoài số khách hàng trực tiếp đến tận nơi mua, sản phẩm mộc ở huyện Chợ Mới còn theo đường xe đi Long Xuyên, Châu Đốc..., theo đường thủy xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu xa xôi hoặc ngược lên TP HCM, Tây Ninh, Bình Dương hay ra tận miền Trung, miền Bắc... 
Mặc dù sản phẩm mộc sản xuất hiện nay có rất nhiều nhưng vẫn còn thiếu cung cấp cho các nơi khác. Bởi hàng mộc mà người thợ Long Điền làm ra gửi gắm cả tâm hồn họ vào sản phẩm nên bao giờ họ cũng chọn những danh mộc quý, những đôi bàn tay chạm trổ của người thợ thủ công Long Điền càng làm cho những khúc gỗ tăng giá trị gấp bội, với những đề tài đa dạng, phong phú thông qua sự rung động của tâm hồn như những nghệ sĩ tài hoa. 
Thông thường, người nghệ sĩ này dùng những đề tài: Bát tiên hoặc Tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng), Hồng Lâu Mộng hoặc chạm trổ các hình Rồng ẩn trong mây (Long ẩn) hay hai con rồng tranh nhau một viên ngọc quý (Lưỡng Long tranh châu)... Ngày nay, cũng có những đề tài hiện đại, dân tộc hơn với nhiều loại hoa văn đẹp mắt, được nhiều khách hàng chiếu cố ngay cả người nước ngoài cũng rất ưa thích... 
Huyện Chợ Mới nằm trên một địa bàn thuận lợi cho đường thuỷ, bao bọc bởi ba cù lao: cù lao Gieng, cù lao Ông Chưởng và cù lao Sông Tiền với nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt... cho nên đường thuỷ phát triển rất sớm. Từ những chiếc ghe chài cỡ lớn đến những chếc xuồng nhỏ xinh xắn được ra đời cũng từ các trại mộc Chợ Thủ - Long Điền.
 Nhưng, những sản phẩm nổi tiếng được bày bán dồi dào nhất là các mặt hàng: tủ áo, tủ thờ, tủ ly, salong, đivăng, giường ngủ, bàn, ghế... với kiểu dáng đẹp đẽ, trang nhã, sang trọng mà không cầu kỳ. Từ những khúc gỗ sù sì, qua bàn tay người thợ hình thành biết bao tác phẩm mới với những nét hoa văn, nhiều dáng vẻ bất ngờ đến ngạc nhiên, đẹp mắt... được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Sau những năm tháng quanh co, thăng trầm, bầm giập, khúc khuỷu... ngành mộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã khôi phục và cố gắng vươn lên xứng danh là chiếc nôi Cách mạng đầu tiên của tỉnh An Giang với một lịch sử truyền thống sáng ngời... 
Tuy nhiên, một số người tâm huyết với làng nghề mộc và chạm khắc gỗ Chợ Thủ, Long Điền, Chợ Mới, An Giang đang trăn trở bởi nhiều chủ cơ sở đã quen với cung cách sản xuất hộ gia đình nhỏ, lẻ theo kiểu “tự sản tự tiêu”. 
Sản phẩm tuy đẹp, chất lượng… nhưng chưa có thương hiệu riêng nên không đủ sức cạnh tranh thật sự trên thị trường trong và ngoài nước. Để mãi mãi xứng danh trong nhóm “đệ nhất làng mộc và chạm khắc gỗ vùng đất miền Tây Nam bộ”, rất cần sự vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ và kịp thời từ nhiều phía tỉnh, huyện, xã và các ban ngành, đoàn thể cùng sự chung tay của các nghệ nhân đầy tâm huyết... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn./.

Đọc thêm