Cần có “tấm khiên” bảo vệ trẻ em trước nạn bạo lực trong gia đình

(PLVN) - Trong 3 tháng đầu năm 2019 đã có thêm 325 trẻ bị bạo lực, xâm hại, trong đó, nhiều trẻ phải chịu trừng phạt hà khắc ngay trong chính gia đình của mình. Đó là một thực tế đau lòng bởi gia đình không còn là môi trường an toàn tuyệt đối với trẻ nữa. Làm gì để những đứa trẻ không còn phải sợ hãi chính những người thân của mình?
Đừng để trẻ em lo lắng vì bị bạo lực ngay trong gia đình.
Đừng để trẻ em lo lắng vì bị bạo lực ngay trong gia đình.

Trẻ đang lo lắng vì bạo lực trong gia đình

Mới đây, Công an thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Vũ Đăng Dưỡng (31 tuổi, trú tại tổ 34, phường Hoàng Diệu) để điều tra về hành vi "Cố ý gây thương tích". Đáng chú ý, nạn nhân trong vụ việc này chính là 2 con trai ruột của Dưỡng tên Vũ Lâm Ph. (6 tuổi) và Vũ Gia Kh. (2 tuổi).

Trước đó, người dân tại tổ dân phố 34, phường Hoàng Diệu nghe tiếng kêu cứu phát ra từ căn nhà của Dưỡng. Khi chạy đến nơi thấy chị Trịnh Thị G. (24 tuổi, vợ Dưỡng) tinh thần hoảng loạn cho biết, Dưỡng dùng then cửa đánh vào đầu 2 cháu Kh. và Ph. khiến 2 cháu bị thương rất nặng. Chứng kiến sự việc, người dân tìm cách phá cổng đưa 2 cháu nhỏ đi cấp cứu, đồng thời, báo cáo vụ việc cho cơ quan chức năng.

Những tin tức về việc cha mẹ bạo hành con như thế này xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo. Cuối tuần trước, tại hội thảo “Sự tham gia của truyền thông, báo chí trong công tác bảo vệ trẻ em” do Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, bà Nguyễn Hải Anh - Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) chia sẻ cho biết từng khảo sát về các vấn đề bảo vệ trẻ em nổi cộm tại một xã thuộc huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vào tháng 8/2018, thì  có tới 94/123 trẻ - chiếm 77% trong tổng số trẻ em tham gia khảo sát - khẳng định các em đang phải chịu một số loại hình bạo lực tại gia đình như bị cha mẹ, người lớn trong nhà quát mắng, đánh đòn.

Trong đó, nhiều phụ huynh thừa nhận quan niệm về việc trẻ em trai phải chịu các hình thức kỷ luật như bị bố mẹ đánh mắng, tát nhiều hơn; một số trẻ tâm sự rằng thường bị bố đánh đòn khi say, hoặc bị dọa đánh gẫy chân, nát mông… “Đây là con số rất đáng buồn khi trẻ phải lo lắng về bạo lực ngay trong chính gia đình của mình” – bà Hải Anh nói.

Còn theo ông Nguyễn Công Hiệu, phụ trách Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì trong năm 2018, tổng đài đã can thiệp khoảng 357 ca trẻ em bị bạo lực, tăng 140 ca so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài vấn đề bạo lực của giáo viên đối với học sinh nổi cộm trong năm vừa qua, trẻ còn thường xuyên bị ngăn cản tiếp xúc với cha, mẹ hay bị sử dụng như một công cụ trả thù đối phương khi ly hôn, gây ra tổn hại cho trẻ. 

Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là rất cần thiết

Theo bà Nguyễn Hải Anh - Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thì gia đình là tế bào của xã hội, góp phần rất lớn giáo dục trẻ nên người. Trong khi đó, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, trẻ sẽ bị ảnh hưởng cả về thể chất và tinh thần.

Trẻ có thể phải chịu những vết thương nặng nề, trí não bị ảnh hưởng, đòn đánh nặng có thể khiến trẻ bị tàn tật hoặc nguy hiểm tới tính mạng. Về tâm lý, tinh thần, đòn roi không có tác dụng giáo dục mà còn khiến trẻ thấy lẫn lộn, không hiểu rõ về sự việc, có tâm lý lo lắng, bẽ mặt, nhục nhã; hạ thấp lòng tự trọng, tự tin của trẻ; làm trẻ tức giận và mong muốn trả đũa hoặc tìm cách lừa dối người lớn…

 “Cần thay đổi tâm lý trừng phạt trẻ của các bậc cha mẹ bằng cách chỉ rõ hậu quả tác hại của việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, đồng thời, ủng hộ, đề cao những quan điểm tiến bộ trong giáo dục”  - bà Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia cũng cần phải có một bộ tiêu chí ứng xử để các thành viên trong gia đình lấy đó làm cơ sở học và làm theo. 

Ngày 8/12/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã ký Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ban hành thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Theo đó, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VH-TT&DL xây dựng với bốn tiêu chí ứng xử trong gia đình gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em.

Đối tượng áp dụng là các thành viên trong gia đình đã được quy định theo Luật Hôn nhân và Gia đình, bao gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng, con đẻ, con nuôi…

Trong buổi làm việc với Vụ Gia đình - Bộ VH-TT&DL để quyết định áp dụng triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại một số tỉnh, thành, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thuỷ đã nhấn mạnh tới mục đích quan trọng của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội… 

Hiện nay, khi được hỏi không ít phụ huynh vẫn thừa nhận sẽ phạt thật nặng khi trẻ mắc lỗi, hoặc bướng bỉnh cho rằng “con tôi, tôi có quyền phạt”. Tâm lý “thương cho roi cho vọt” và “đòn roi giúp trẻ nên người” vẫn còn phổ biến khiến trẻ phải chịu sự trừng phạt, bạo lực ngay từ trong gia đình. 

Đọc thêm