Cảnh báo sự "suy đồi về đạo đức xã hội" thông qua thực tế các vụ xâm hại trẻ em

(PLVN) - Tại phiên thảo luận sáng nay về về Báo cáo giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, điều khiến các đại biểu Quốc hội trăn trở nhất là trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bởi bất kỳ ai, cho thấy sự "suy đồi về đạo đức xã hội".
Trẻ em là "miếng mồi ngon" cho các hành vi xâm hại. Ảnh: UNICEF
Trẻ em là "miếng mồi ngon" cho các hành vi xâm hại. Ảnh: UNICEF

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) phản ánh, “những nơi thật sự an toàn nhất đối với trẻ em như gia đình, trường học, cơ sở bảo trợ xã hội… lại là những nơi có nguy cơ xâm hại trẻ em xảy ra, sự suy bại về đạo đức xã hội đến cùng cực khi bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ…”.

Cùng nỗi niềm, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%. Có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ công chức viên chức người cao tuổi…

"Rất nhiều trường hợp kẻ xâm hại trẻ em lại là người thân trong gia đình nên việc tố cáo không dễ dàng gì, những điều này đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Có trường hợp, trẻ em đã tự tử" - Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế.

Không chỉ có vậy, những số liệu trong Báo cáo giám sát đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng cho xã hội về sự mất an toàn của trẻ em. 

Theo Báo cáo, năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, xâm hại tình dục chiếm 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Một số địa phương tỷ lệ này chiếm trên 90%.

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 trong nhiều địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất trên cả nước. "Và rất đau xót khi Hà Nội là địa phương có số trẻ em xâm hại dẫn đến tử vong cao nhất 12 em, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu về số trẻ em mang thai do xâm hại tình dục là 86 em" - Đại biểu Trần Thị Hiền bày tỏ.

Còn Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhận thất, “Những con số đau lòng sau đây cho thấy "mảng tối" của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là đáng báo động. Khi mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai".

Nghiêm trọng hơn nữa là tình trạng, nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa đầy đủ xử lý nhất là các hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ những người thân gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ em.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” để phân tích làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em; chỉ rõ những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, qua đó đề xuất các biện pháp khắc phục để thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Đọc thêm