Cảnh ngộ đau lòng của nạn nhân sau khi bị xâm hại tình dục

(PLO) - Mấy ngày nay, câu chuyện về xâm hại tình dục trẻ em tràn ngập truyền thông. Nhiều khía cạnh liên quan đến vấn đề này đều được đề cập. Nhưng có một khía cạnh ít được nhắc đến đó là làm thế nào để bảo vệ nạn nhân giai đoạn hậu xâm hại tình dục.
Khơi gợi, đề cập nhiều về xâm hại tình dục có thể khiến nạn nhân thêm tổn thương.
Khơi gợi, đề cập nhiều về xâm hại tình dục có thể khiến nạn nhân thêm tổn thương.

Bởi không ít nạn nhân đã chọn cái chết vì không thể chịu được điều tiếng hoặc do không được chữa trị tâm lý nên khi trưởng thành chính nạn nhân lại “nối gót” lặp lại hành vi này đối với trẻ nhỏ khác. 

“Bạn bè trêu con là đồ bị hiếp dâm”

Gọi điện đến Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 một bà mẹ ở Cà Mau nức nở cho biết chị là mẹ của nạn nhân bị xâm hại tình dục. Con chị mới 15 tuổi và đã tự tử bởi quá uất ức vì bị hàng xóm xâm hại nhiều lần, nhưng kẻ phạm tội không được trừng trị.

Trong khi đó, gia đình thì cũng không có kiến thức để chăm sóc về mặt tâm lý cho con mà chủ yếu chỉ muốn theo đuổi vụ kiện, giành công lý cho con mình. Sự mặc cảm do những lời chỉ chỏ, dèm pha của mọi người khiến nạn nhân uất ức phải uống thuốc tự tử. 

Bé gái 11 tuổi ở Bình Thuận cũng là nạn nhân bị gã hàng xóm hiếp dâm. Sau tai nạn đau lòng, em vẫn được mẹ chở đến trường mỗi ngày. Nhưng giờ đây thay vì chạy chơi cùng bạn bè, xuống xe, em đi thẳng vào lớp, ngồi đó cho tới giờ ra về. “Từ lúc sự việc xảy ra, bạn bè biết hết, thầy cô biết hết. Hồi xưa con nhiều bạn bè lắm, giờ tự nhiên nhiều bạn nghỉ chơi. Trong lớp giờ ai cũng ghét con. Bạn bè trêu con là đồ bị hiếp dâm. Những lúc đó, con buồn, con đi vào lớp chứ không biết nói gì” – bé gái cho biết. 

Đối với nạn nhân bị xâm hại tình dục, bên cạnh việc đòi công lý cho nạn nhân thì vấn đề hỗ trợ tâm lý giai đoạn hậu xâm hại là rất quan trọng. Theo chuyên gia tâm lý trẻ em Hằng Nguyễn khi trẻ bị xâm hại tình dục chúng thường trải qua một nỗi sợ hãi mặc cảm khủng khiếp với bạn bè, cha mẹ. Trẻ nhỏ tuổi bị xâm hại thường có những biểu hiện hoảng loạn, sợ tiếp xúc với người khác, sợ đi học, sợ khi bị cởi quần áo, trẻ thường giật mình ngủ mơ khóc trong đêm.

Trẻ lớn hơn bị xâm hại thường có biểu hiện trầm tĩnh ít nói hay hoảng hốt và giật mình, trẻ mặc cảm vào bản thân và có nhiều biểu hiện bất thường khác. “Đó là những biểu hiện có thể nhìn thấy được. Nhưng một tác hại nguy hiểm hơn cả mà các bé phải gánh chịu đó là những ám ảnh, chấn thương tâm lý lâu dài cả đời.

Vì thực tế dù có điều trị tâm lý tốt tới mức nào thì những vết thương tâm lý khi bị xâm hại vẫn tồn tại không bao giờ xóa nhòa được. Từng có những đứa trẻ, vì không thể tự vượt qua được sang chấn tâm lý đó mà bị trầm cảm và tự tử vì nghĩ rằng đó là cách duy nhất để tự giải thoát cho chính mình” - chuyên gia tâm lý cho biết. 

Tương tự, Giáo sư, bác sĩ tâm lý Jo Woodiwiss (University of Huddersfield) cũng từng công bố trong quyển sách “Kiểm nghiệm những câu chuyện về xâm hại tình dục thời thơ ấu” cho thấy nhiều trường hợp nạn nhân gặp vấn đề tâm lý không hề có một chút kí ức nào về hành vi của kẻ thủ ác mà chỉ có những trải nghiệm đau đớn về việc họ đã bị gia đình, xã hội, trị liệu viên đối xử như thế nào giai đoạn hậu xâm hại.

Sự ám ảnh khiến nạn nhân biến thành… thủ phạm

Cũng bàn về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Phước Sang, chuyên viên tư vấn cao cấp các dự án đầu tư phát triển y tế và các mô hình xã hội hóa nhận định, nhiều đứa trẻ bị xâm hại tình dục thời gian dài không được điều trị tâm lý có thể bị ám ảnh nghiêm trọng. Các em thường sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ hãi, xấu xa, cọc cằn thô lỗ... “Sự ám ảnh đó có thể khiến chúng khi lớn lên lại là người đi xâm hại tình dục trẻ em khác” - bác sĩ Sang nhấn mạnh. 

Theo nghiên cứu của chuyên gia tội phạm học của Mỹ, những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đều có quá khứ là nạn nhân của xâm hại tình dục. Khoảng 50% số người bị tù về tội hoạt động tình dục với trẻ em đã từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Nhiều người mắc chứng loạn dục trẻ em ở Mỹ khi được nghiên cứu cho biết, hồi nhỏ, mối quan hệ cha mẹ - con cái của họ đã bị tổn thương và/hoặc họ đã bị lạm dụng tình dục. 

Bảo vệ nạn nhân giai đoạn hậu xâm hại tình dục quan trọng là vậy, tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chưa có trung tâm xử lý khủng hoảng sau khi bị cưỡng dâm, bị tấn công tình dục.

Theo bà Nguyễn Vân Anh – Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành viên CSAGA tại Việt Nam hiện có Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 của Cục Bảo vệ  và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH giải đáp mọi vấn đề của trẻ em và ngay CSAGA cũng chỉ có tổng đài 04.37759339 xử lý bạo lực chung, chứ không riêng cho trẻ em.

Đọc thêm