Cặp “bồ câu” già đơn độc giữa đại ngàn nhưng... quyết không xa rừng

(PLO) - Giữa đại ngàn hoang vu, bên sườn ngọn núi cao chót vót là ngôi nhà nhỏ chắp vá của hai vợ chồng già. Căn nhà xơ xác được dựng lên bằng vải bạt, cành cây và những tấm phên lợp cũ nát. Đồ đạc trong nhà chẳng có thứ gì giá trị, ngoài chiếc chõng tre cũ kĩ đã gắn bó với họ hơn nửa thế kỉ, chiếc xoong nhôm méo mó, vài cái bát sứt mẻ... 
Vợ chồng cụ kênh, cụ Tiến chia sẻ với PV.
Vợ chồng cụ kênh, cụ Tiến chia sẻ với PV.

Chỉ có vậy nhưng cũng đủ giúp họ sống giữa nơi “rừng thiêng nước độc” qua bao mùa mưa rừng, bão gió. Và dù chính quyền người dân tạo điều kiện giúp hai cụ xuống núi sinh sống cho bớt cơ cực, họ vẫn quyết bám trụ trong căn nhà nhỏ, quyết không xa rừng…Đặc biệt, dù cả hai đã ở tuổi ngoài 90, nhưng đến nay da dẻ vẫn hồng hào khỏe mạnh, đôi mắt tinh tường và sống hạnh phúc dù không có mụn con. 

Nửa đời sống tha hương

Nằm sâu trong rừng quốc gia Xuân Sơn, con đường vào bản Cỏi (xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) lượn quanh những quả núi cheo leo. Khi nhắc tới câu chuyện về gia đình cụ Đặng Văn Kên (90 tuổi) và cụ Đặng Thị Tiến (92 tuổi) người dân nơi đây ai cũng tỏ ra cảm phục. Họ không chỉ phục hai cụ vì có thể sống được nơi hoang vu, rừng núi, mà còn vì tình cảm đáng trân trọng giữa hai vợ chồng. 

“Mặc dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng khi chính quyền vận động, người dân giúp đỡ nhưng không hiểu sao hai cụ nhất quyết không về xuôi sinh sống. Cụ ông nói, vợ chồng cụ đã lang thang khắp nơi nửa cuộc đời rồi nên giờ không muốn chuyển đi đâu nữa. Giờ họ quyết tâm sống ở đây và chết cũng chết ở đây”, trưởng bản Đặng Vĩnh Phúc cho biết.

Mặc dù đã được người dân chỉ dẫn tận tình nhưng phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm tới được ngôi nhà nơi hai cụ đang sinh sống. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một túp lều tạm đơn sơ nằm ven rừng, chẳng có đồ đạc gì quý giá ngoài chiếc chõng tre đặt giữa. Hiện tại, chính quyền địa phương đang xây dựng cho hai vợ chồng già một căn nhà mới vững vàng và đầy đủ tiện nghi hơn ở ngay phía trên.

Mặc dù ngôi nhà mới còn dang dở, nhưng khi chúng tôi tới nơi cũng là lúc hai vợ chồng cụ Kênh chuyển đồ từ túp lều lên nhà mới. Hồ hởi và không giấu nổi cảm xúc vui mừng, cụ Kênh cho biết: “Cả cuộc đời, sống tới từng này tuổi rồi mà chưa khi nào tôi được ở căn nhà là của mình mà lại chắc chắn, và đẹp như này các cô chú ạ”. Rồi cụ ông cứ ríu rít chuyện với chúng tôi, như thể đã lâu lắm rồi vợ chồng già mới lại được gặp nhiều người đến như vậy.

Anh Bàn Xuân Lâm - Chủ tịch xã Xuân Sơn cho biết: “Gia đình cụ Đặng Văn Kênh là một trong những hộ khó khăn trên địa bàn xã. Hằng năm, gia đình cụ Kênh vẫn được hưởng mọi trợ cấp cho hộ nghèo và các ban, ngành địa phương cũng thường xuyên thăm hỏi. Ngoài các khoản trợ cấp ấy thì nhiều nhóm tình nguyện, người dân đi du lịch cũng thường đến thăm hỏi và hỗ trợ hai cụ.

Mới đây, một nhóm tình nguyện đã đến xin phép được phối hợp với chính quyền xã để đưa hai cụ ra ngoài khu đông dân cư nhưng hai cụ không chịu, nhất định phải ở lại ngôi nhà cũ. Sau nhiều lần thuyết phục không được, chúng tôi mới cố gắng xây dựng căn nhà mới cho hai cụ, dù gặp rất nhiều khó khăn".

Cụ Tiến ngó trân trân vào những người khách xa lạ, mặc dù đã 92 tuổi nhưng nhìn cụ vẫn khỏe mạnh, nhất là đôi mắt cụ vẫn còn rất tinh tường. Cụ bảo: “Lần đầu có nhà báo đến thăm nên hơi run. Cụ chẳng biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu”.

Do các cụ nói không sõi tiếng Kinh nên chúng tôi phải nhờ những người dân quanh đó phiên dịch thêm. Qua những mảnh kí ức chắp vá từ lời kể của cụ Kênh và cụ Tiến, cuộc đời của hai vợ chồng như được tái hiện lại, dù không đầy đủ nhưng chúng tôi cũng có thể cảm nhận được những khó khăn, bất hạnh họ đã phải chịu đựng.

Trầm ngâm hồi lâu trên chiếc chõng tre, cụ Tiến mới chậm rãi kể, hai cụ sinh ra và lớn lên ở xã Minh Đài (huyện Tân Sơn). Cụ Tiến cho biết, hai người nên duyện vợ chồng từ rất sớm, bởi “Các cụ ngày xưa vấn quan niệm “gái hơn hai trai hơn một”, vậy nên việc cụ hơn chồng hai tuổi, được gia đình hai bên ưng ý”. 

Hai cụ cưới nhau xong, gia cảnh quá nghèo đành dắt nhau đi tha hương cầu thực. Đặt chân tới đất Hòa Bình để tính kế mưu sinh, họ dựng lán trên một mảnh đất nhỏ ven rừng để tìm chỗ trú chân. Cuộc sống nghèo khó không làm nản lòng hai người, thậm chí khiến họ yêu thương nhau hơn.

Hằng ngày, họ đi làm thuê làm mướn cho người dân xung quanh, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, không hề có một lời cãi vã. Chỉ duy nhất một nỗi buồn, đó là sau nhiều năm chung sống, họ vẫn chưa có con. 

“Ngày ấy, do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện chạy chữa thuốc thang, chúng tôi cứ ôm nỗi buồn ấy mà sống cho đến hàng chục năm sau.Tôi biết ông không nói gì, nhưng ông rất buồn”, cụ Tiến kể. Cho đến khi cụ bà ngỏ ý muốn nhận một đứa con nuôi, cụ Kênh đồng ý ngay và nhận một cậu bé của gia đình đông con ở xã Minh Đài (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) về nuôi từ khi họ còn mang thai. Còn cô con gái thứ hai thì hai cụ nhận của một người đàn bà chửa hoang có ý định bỏ con (cũng ở xã Minh Đài).

Có thêm nhân khẩu, hai vợ chồng làm việc càng chăm chỉ hơn để kiếm cái ăn. Khi hai người con trưởng thành, có gia đình riêng, hai cụ lại dắt nhau về quê cũ ở vùng Xuân Sơn, Phú Thọ sinh sống. Do xa quê đã lâu, “mảnh đất cắm dùi” không có nên hai người dắt díu nhau vào rừng dựng lán, lấy việc hái củi, làm nương để làm kế sinh nhai.

Chỉ tay xuống túp lều tạm bợ, cụ Tiến lắc đầu ái ngại: “Vợ chồng tôi trước ở túp lều này khổ lắm. Cứ bão lần nào là bị gió rừng quật tan tành lần ấy, rồi chúng tôi lại dựng lại nhưng sức già chẳng lần nào gia cố được túp lều chắc chắn hơn cả. Khổ nhất là những đêm mưa rừng dầm dề, ngồi trong lều cũng như ngoài bãi vợ chồng tôi ướt nhẹp. Những lúc ấy, vợ chồng tôi chỉ biết ngồi sát cạnh nhau chờ trời sáng”.

Túp lều chắp vá, tạm bợ trong rừng của vợ chồng cụ Kênh.
 Túp lều chắp vá, tạm bợ trong rừng của vợ chồng cụ Kênh.

Sống chết bám rừng không về xuôi

Cuộc sống của đôi vợ chồng già cô độc vẫn cứ thế êm đềm trôi qua cho đến tháng 3/2014, trong một lần đi hái nấm trong rừng để cải thiện bữa ăn, cụ Tiến không may bị ngã. Do không chữa trị kịp thời, vết thương ngày càng nặng khiến hai chân cụ bà bị liệt. 

“Ngày tôi bị ngã không đi được, ông ấy cứ khóc ròng vì thương tôi. Hàng tháng liền ông ấy lặn lội vào tận rừng sâu hái lá thuốc về giã ra đắp chân cho tôi nên giờ nó mới được như này, nếu không tôi đã phải cắt bỏ cả hai chân rồi”, cụ Tiến chia sẻ. 

Tuy nhiên, từ ngày đó gánh nặng đổ dồn lên vai cụ ông, mỗi ngày cụ Kênh vượt qua quãng đường gồ ghề của rừng núi để lấy nước suối về dùng. Ở cái tuổi 90, thần trí đôi khi lơ đễnh, bệnh hen suyễn dày vò nên con đường đi lấy nước, kiếm rau rừng với cụ ông quả là rất khó khăn.

Tuổi già, không ai thuê mướn nên hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng già đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Nhà nước.“Mỗi tháng hai vợ chồng tôi được hỗ trợ 500 nghìn đồng và thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của bà con bản Cỏi. Thỉnh thoảng lại có người thân trong họ, người dân xung quanh lên hỏi thăm sức khỏe và đôi khi họ còn mang theo gạo, muối lên cho hai vợ chồng”.

Tuy nhiên, suốt câu chuyện dài của hai cụ, từ khi hai cụ về Phú Thọ sinh sống chúng tôi không hề nghe họ nhắc tới hai người con nuôi. Khi chúng tôi thắc mắc, chỉ nghe tiếng cụ Tiến thở dài buồn bã. Cụ nhìn ông, như muốn sẻ chia sự cảm thông, sẻ chia nỗi buồn thường trực bấy lâu nay. 

“Số vợ chồng tôi khổ đường con cái, ngày trẻ không sinh được mụn con nào. Ngày nhận con nuôi, mong muốn chúng chăm sóc khi tuổi về già. Nhưng giờ đứa nào cũng có cuộc sống riêng, cũng khó khăn lại xa xôi, nên ít qua lại với vợ chồng tôi. Thú thực, từ ngày vợ chồng tôi trở về rừng Xuân Sơn, các con nuôi biệt tăm chưa quay lại thăm chúng tôi ngày nào”, nói tới đây cụ Tiến nghẹn ngào.

Trước đây, đã có nhiều lần bà con dân bản muốn giúp hai cụ dựng một căn nhà nhỏ ở gần khu nhiều người sinh sống hơn nhưng hai cụ nhất định không chịu, vì cụ Kênh cho rằng: “Chúng tôi đã quen với cuộc sống của rừng và không muốn phiền hà đến người khác”. 

Cho mãi tới gần đây, khi một số nhóm từ thiện phối hợp với chính quyền địa phương ngỏ ý muốn dựng cho hai cụ căn nhà nhỏ để tránh mưa bão, hai vợ chồng già mới đồng ý nhưng căn nhà vẫn được xây gần túp lều cũ ở gần cửa rừng nơi họ đã từng ở. Bởi họ muốn giữ những kỉ niệm ngày sống gian khó ở bên cạnh mình.

Khuôn mặt rúm ró vì tuổi già, nhưng trong câu chuyện kể đầy chắp nối vợ kể, cụ Kênh chốc chốc lại nhíu mày rồi lại mỉm cười như cuộc đời không hề có chút khổ đau. Ngồi gần vợ, thi thoảng cụ Kênh lại thêm vào câu chuyện một vài chi tiết cụ bà kể thiếu. Vẫn nụ cười và ánh mắt nheo nheo ấy, hai vợ chồng già như đang cùng ôn lại những kỉ niệm vui, buồn mà họ cùng nhau trải qua.

Trong ngôi nhà mới còn dang dở, sực mùi vôi vữa, chỉ có vài chiếc nồi nhôm, vài chiếc bát mẻ cũ xỉn, họ vẫn sống cùng nhau một cách hạnh phúc. Anh Ỏn, người dẫn tôi lên nhà hai cụ, cũng là người “phiên dịch” cho câu chuyện của chúng tôi, cho biết: “Tôi biết hai ông bà lâu rồi nhưng chẳng thấy họ cãi nhau bao giờ. Giờ có tuổi rồi, không còn đi làm thuê được, nhưng hàng ngày cụ vẫn đi hàng chục km vào rừng sâu kiếm vủi, lấy rau dại bình thường”.

Ở cái tuổi gần đất xa trời, sống đã gần một thế kỷ, không biết hai vợ chồng già có thể chia sẻ với nhau bao năm tháng nữa. Nhắc tới đây, cụ Kênh thổn thức: “Giờ đây dù được ngủ những đêm yên giấc trong ngôi nhà mới những đêm mưa bão, vợ chồng tôi không cho phá túp lều rách nát đi. Vì túp lều gắn với những ngày tháng vợ chồng tôi khó khắn nhất, nhưng nó càng giúp vợ chồng tôi biết thương yêu nhau hơn. Giờ có nhà mới rồi, chúng tôi không lỡ “phụ” nó”.

Sống tới tuổi 90, hai cụ mới được chính quyền cùng người dân giúp đỡ xây căn nhà theo đúng nghĩa.
Sống tới tuổi 90, hai cụ mới được chính quyền cùng người dân giúp đỡ xây căn nhà theo đúng nghĩa.

Duy trì thói quen uống rượu

Mặc dù điều kiện sống cơ hàn, khó khăn và không chút tiện nghi, nhưng cụ Kênh và cụ Tiến vẫn sống và quyết bám trụ nơi rừng già. Không những vậy, bằng tình yêu thương và những tặng phẩm của núi rừng hai cụ vẫn sống tốt, sống khỏe mạnh và dẻo dai hơn bao giờ hết. Lân la hỏi chuyện, chúng tôi ngỏ ý hỏi bí quyết sống  thọ, các cụ bật mí “bí mật” là do “phúc trời ban”.

Trò chuyện đến quá trưa thì cụ ông lấy nửa bát gạo, bắc bếp nấu cơm. Gọi là bếp nhưng đó là một góc ngay trong nhà. Khi cơm chín, cụ Kênh dọn cơm ra ngay góc nhà, bữa cơm không thể đạm bạc hơn được nữa, không có mâm, cũng chẳng có thức ăn. Chỉ có bát nước mắm đặt cạnh bắt cơm trắng và bát nước đun sôi dùng thay canh. Cụ Kênh lấy cơm cho vợ ăn trước, rồi ngồi bệt dưới nền đất ăn hết phần cơm còn lại ăn ngon lành.

Khi tôi hỏi cụ Tiến vì sao cụ chỉ ăn mỗi thìa cơm, cụ trả lời: “Bình thường tôi cũng ăn ít rồi, mấy bữa nay mưa quá ông ấy không đi hái được rau rừng. không có nước canh lên khó nuốt”. Dù chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhưng tình cảm bát cơm sẻ nửa của đôi vợ chồng già khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Tuy nhiên, suốt bữa ăn đạm bạc của hai cụ, chúng tôi thấy hai cụ rót từ một chiếc bình nhỏ để ở góc nhà một thứ nước trong như nước suối, nhưng tỏa hương thơm khắp nhà. 

Thấy chúng tôi thắc mắc, cụ Kênh giải thích: “Đó chính là món rượu ngô trứ danh của người dân bản Cỏi. Cũng chính là thứ “thần dược” đưa cơm, rồi giúp vợ chồng tôi ấm bụng những ngày mưa dầm dề. Nhất là mùa đông, không có nó chắc chúng tôi không sống nổi qua những mùa đông lạnh “cắt da cắt thịt” nơi thâm sơn cùng cốc này rồi”. 

Lại nhắc tới bí quyết sống thọ và hạnh phúc của hai cụ, cụ Tiến cười dí dỏm: “Chắc đó là trời ban phúc thôi, chẳng có bí quyết gì gọi là bí mật cả. Người dân bản chúng tôi, quanh năm nghèo đói. Ngày còn trẻ khỏe thì đi nương, đi rẫy, chúng tôi quen lao động mà chỉ có lao động thì mới có sức khỏe dẻo dai. Hơn nữa, 60 năm nay vợ chồng tôi giữ thói quen uống 2, 3 bát rượu vào mỗi bữa ăn. Không biết đó có phải là một trong những nguyên nhân, giúp vợ chồng tôi sống khỏe mạnh được đến tuổi này không nữa”.

Hỏi về bí quyết vì sao hai cụ sống với nhau hơn nửa đời người mà tình cảm vẫn mặn mà hạnh phúc, trong khi ngày nay nhiều đôi vợ chồng trẻ lấy nhau được dăm bữa nửa tháng là xích mích, đánh chửi thậm chí là hãm hại nhau để kẻ tù người tội. Nhắc đến chuyện đó, cụ Kênh chỉ cười rồi nói: “Có lẽ thời chúng tôi và bây giờ khác nhau nhiều quá. Chúng tôi nghèo khó, nhưng sống với nhau chân thành và tình cảm. vậy nên sắp “hai năm mươi” rồi nhưng chúng tôi “cơm vẫn lành canh vẫn ngọt” đấy thôi. 

Chen ngang lời chồng, cụ Tiến tiếp chuyện: “Nghèo thì nghèo là vậy, nhưng từ khi lấy nhau tới giờ tôi chưa từng thấy ông nhà to tiếng với tôi. Mà ông cũng là người hiền lành, chẳng mấy khi ông trách móc, than phiền bao giờ”. Rồi cụ Tiến chìa ra đôi bàn tay chai sần như chứng thực cuộc đời đã trải qua bao khó khăn, nhưng ở ngón áp úp của cụ vẫn sáng loáng chiếc nhẫn bạc nhỏ xinh.

Cụ Tiến hạnh phúc nói: “Ngày dưới Hòa Bình, dù nghèo khó nhưng những ngày đi chặt mía thuê, ông nhà tôi cũng đã cố gắng dành tiền mua cho tôi chiếc nhẫn coi như quà sau đám cưới. Quả thực bao năm sống chung với ông ấy, dù nghèo khó nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy hối hận vì đã lấy và đi lang thang khắp nơi cùng chồng, dù tới cái tuổi này, chúng tôi mới có một mái nhà đúng nghĩa”.

Đối với hai cụ,dù không sinh được con, phải nhận con nuôi nhưng khi nào hai cụ cũng sống lạc quan, vui vẻ. Họ luôn cho rằng: “Trời không lấy không của ai cái gì bao giờ. Dù chúng tôi nghèo khó, và không có con nhưng trời lại cho chúng tôi sức khỏe, để sống với nhau tình nghĩa, chỉ vậy thôi là tôi cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi”, cụ Tiến chia sẻ.

Bây giờ, dù đã cao tuổi, nhưng hai cụ vẫn sống với nhau rất tình cảm. Nhìn hai cụ ngồi bên nhau nắm tay như thời còn son trẻ, khiến nhiều người chứng kiến đều rất vui mừng. Cuộc đời này mấy người hạnh phúc được như hai cụ, chỉ bởi hai cụ biết giữ gìn mà thôi. 

Đọc thêm