Cặp U90 “đầu bạc răng long” nhưng tình vẫn nồng nàn khiến con cháu ngưỡng mộ

(PLO) -Vợ chồng hai cụ Nguyễn Tam Khôi (SN 1928) và Lê Thị Tú Anh (SN 1933, ở phố Hàng Chuối, TP Hà Nội) đã có hơn nửa thế kỷ sống hạnh phúc bên nhau. Câu chuyện tình yêu của họ khiến không chỉ con cháu mà nhiều người cũng phải thán phục.
Vợ chồng ông Khôi, bà Tú Anh có hơn 62 năm hạnh phúc
Vợ chồng ông Khôi, bà Tú Anh có hơn 62 năm hạnh phúc

Vẹn lời “thề non hẹn ước”

Câu chuyện đại gia đình 3 thế hệ nhà cụ Khôi luôn sống hòa thuận dưới một mái nhà, ăn cùng nồi, nấu cùng bếp không còn quá xa lạ với người dân ở phố cổ Hàng Chuối. 

Sở dĩ, gia đình cụ vẫn giữ được nếp nhà, có được sự êm ấm, hạnh phúc ấy như cụ  Khôi nói là “nhờ phúc đức của tổ tiên”. Nhưng chính đức hi sinh, lòng chung thủy, thấu hiểu và chia sẻ mà hai cụ có được trong suốt thời gian chung sống với nhau mới là chất nuôi dưỡng, giữ lửa cho ngôi nhà.

Cụ ông Nguyễn Tam Khôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nghệ An. Khi vừa 16 tuổi, nghe lời kêu gọi cứu quốc, cụ  đã nhập ngũ lên chiến khu theo kháng chiến. Thời kỳ đầu kháng chiến, giặc Pháp càn quét vùng tự do, cô thiếu nữ Lê Thị Tú Anh cũng theo gia đình tản cư lên Phú Thọ. 

Trong những lần đi công tác, tìm hiểu đời sống của đồng bào tản cư, chàng thanh niên Tam Khôi đã lọt vào mắt xanh của cô gái Hà Thành. Như đã định duyên, sợi dây tình cảm vô hình gắn hai người với nhau như 1 cặp trời sinh. 

Cụ Khôi kể, thời bấy giờ đang chiến tranh khói lửa, vì nhiệm vụ, hoàn cảnh không cho phép nên 2 người gặp nhau rất ít, mọi liên lạc chỉ qua những cánh thư tay. Song, hễ có cơ hội thì “mấy núi cũng qua, mấy sông cũng lội” chỉ để gặp, nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của nhau.

“Từ chỗ tôi muốn sang chỗ bà ấy khoảng 15km, phải vượt qua sông Hồng. Những hôm đi thăm bà, nắng thì không sao chứ mưa lụt, tụt xuống ruộng rồi lại leo lên đường, đến nhà người yêu ướt như chuột. Có lần, tôi không mang quần áo đi theo nên bị dính mưa ướt hết, đành giặt sạch vắt kiệt nước rồi mặc lại quần áo ướt ngồi nói chuyện với nhau”, cụ Khôi nhớ lại.

Tình yêu của hai cụ “giữ vẹn lời thề” khi kháng chiến thắng lợi sẽ đoàn viên tại Hà Nội để tính chuyện trăm năm. Thế nhưng, lúc mới giải phóng, việc kết hôn không dễ dàng, cần được “xét duyệt” khá cẩn thận. Mặc dù vậy bằng tình yêu, sự quyết tâm đi đến vẹn con đường, cuối cùng một đám cưới đầm ấm, giản dị cũng được tổ chức trong sự chúc phúc của bạn bè, họ hàng hai bên. 

Nhớ lại khoảnh khắc đó, cụ Khôi kể, khi nghe tin được “xét duyệt” cho phép kết hôn, vì quá vui sướng, một mình cụ đạp xe mấy trăm cây số về quê báo tin mừng mà quên đi cả sự mệt mỏi đường xa.

Hai cụ cùng con cháu
Hai cụ cùng con cháu

Tình yêu không có tuổi già

Cũng như bao cặp vợ chồng khác thời đó, tình yêu, hạnh phúc lứa đôi, gia đình và công tác gắn liền với vận mệnh của đất nước. Sống trong khó khăn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần nhưng sợi dây tình yêu vẫn luôn kết nối, hai cụ động viên nhau vượt qua mọi khó khăn. Khi hòa bình lặp lại, hai cụ lại hòa mình vào công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước. 

Bát đũa còn có lúc xô, lúc lệch, trong cuộc sống không tránh được có những lúc mâu thuẫn nhau về lời ăn tiếng nói, nếp sinh hoạt hàng ngày, thay vì coi đó là khó khăn, trở ngại, hai cụ chấp nhận đó là “gia vị” của tình yêu. Người này luôn biết đặt vào vị trí của người kia để hướng tới mục tiêu cao hơn, lớn hơn đó là hạnh phúc của gia đình. 

Cụ Tú Anh cười nói: “Ông ấy giận, tôi phải nhún và chủ động làm lành trước. Người ta nói: “chồng nóng thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa biết đời nào khê”. Có như vậy gia đình mới êm ấm được…”. 

Chính vì vậy, đến nay, hai cụ vẫn luôn là cái máy “điều hòa 2 chiều”, giữ cho cuộc sống gia đình 3 thế hệ, cùng ăn, cùng ở trong 1 mái nhà, tuy con cháu mỗi người 1 tính cách nhưng hiếm khi xảy ra mâu thuẫn to tiếng, trái lại các thành viên rất đoàn kết, hòa thuận, trên dưới 1 lòng với nhau.  

Cụ Khôi cho biết, khi dạy dỗ các con cần nghiêm khắc, tạo cho con cháu tính tự lập ngay từ bé. Còn cụ Tú Anh bày tỏ, bây giờ giới trẻ tiếp xúc với văn hóa phương Tây nhiều nên cũng bị ảnh hưởng ít nhiều từ phong cách sống, tiếng nói, cử chỉ… nhưng dù sao vẫn phải giữ được những nét đẹp của người Việt Nam để văn hóa không bị mai một. Vậy là, Đông - Tây kết hợp, hai cụ “đá cặp” với nhau dạy dỗ, uốn nắn con cái đến nay đều là những người thành đạt.

Cụ Khôi nói thêm, cách tốt nhất để gia đình sống vui vẻ hạnh phúc là bằng lòng với cuộc sống của mình. Trong gia đình nếu ai có điều gì chưa đúng thì mọi người sẽ cùng góp ý cho nhau. Chính vì vậy, dù chung sống với nhau nhiều năm nay nhưng chưa một người con nào phải phàn nàn về gia đình. Trái lại, người ta vẫn thấy gia đình của hai cụ thật lý tưởng bởi sau những giờ làm việc các con, cháu tất bật nổi lửa nấu cơm cho gia đình rồi ăn quây quần và trò chuyện rôm rả.

Hiện tại, để thuận tiện cho công việc, con cháu phân tán nhiều nơi nhưng để giữ được nếp nhà, cứ đến cuối tuần, các con cháu lại “đến hẹn” quây quần vui vầy đông đủ bên hai cụ. Những buổi gặp gỡ đại gia đình, ông bà thường nhắc nhở con cháu phải biết trọng lễ nghĩa, chung sống hòa thuận với nhau. Đặc biệt, với xã hội phức tạp, các thành viên trong gia đình phải luôn quan tâm nhau, thấu hiểu và cảm thông cho nhau thì hạnh phúc gia đình mới bền chặt và hạnh phúc.

Năm nay, đã ngót 90 nhưng cụ bà Tú Anh vẫn minh mẫn hàng ngày vun vén chăm lo bữa cơm gia đình. Thời gian rảnh rỗi, cụ bà vẫn đều đặn sáng tác thơ, tham gia nhiều câu lạc bộ khác nhau. Đến nay, cụ bà Tú Anh đã có 3 tập thơ và hàng chục bài thơ đã xuất bản. Còn cụ Khôi sau khi nghỉ hưu, không ngừng nghỉ vẫn tích cực việc tham gia tích cực công tác xã hội ở địa phương. 

Điều đặc biệt, sau bộn bề lo toan của cuộc sống, hai cụ hàng ngày vẫn thường xuyên dành cho nhau những khoảng không gian riêng để chăm sóc cho nhau, xoa bóp cái chân đau, vịnh 1 bài thơ mới… Việc tuy nhỏ nhưng đó lại là những chất liệu vô hình tiếp tục tô thắm thêm cho tranh tình yêu của hai cụ đến đoạn “đầu bạc răng long” mà vẫn nồng thắm.

Đọc thêm