Câu chuyện đáng suy ngẫm quanh bức ảnh rung động về hai đứa trẻ, hai số phận

(PLO) - Đó là sự đối lập giữa 2 số phận của 2 cậu bé: 1 bên được sinh ra trong gia đình đầy đủ bố mẹ, được bố mẹ chăm chút cho từng cái áo, cái quần. Cậu bé còn lại thì quần áo rách rưới, nhếch nhác, nghèo khổ.
Câu chuyện đáng suy ngẫm quanh bức ảnh rung động về hai đứa trẻ, hai số phận

Ngay khi được đăng lên một nhóm nhiếp ảnh công khai khá nổi trên mạng xã hội, bức ảnh này đã thu hút rất nhiều lượt xem bởi góc nhìn đặc biệt của tác giả.

Đó là sự đối lập giữa 2 số phận của 2 cậu bé: 1 bên được sinh ra trong gia đình đầy đủ bố mẹ, được bố mẹ chăm chút cho từng cái áo, cái quần. Cậu bé còn lại thì quần áo rách rưới, nhếch nhác, nghèo khổ.

Điều đặc biệt của tấm ảnh chính là ánh mắt mà cậu bé nghèo hướng về cậu bé hạnh phúc kia. 

Rung động trước tình huống này, tác giả đã chụp thêm một loạt ảnh đặc tả riêng về cậu bé nghèo. Một cách tự nhiên, ánh mắt của cậu bé khiến nhiều người phải cảm thấy xúc động. 


Được biết, tác giả của bức ảnh này là Phạm Hoàng Thân (1990), đang làm nhân viên văn phòng và nhiếp ảnh tự do. Loạt ảnh được anh chụp vào tháng 12 năm ngoái, tại khu vực cầu Mống, quận 4. Hôm đó, anh nhận chụp ảnh cho gia đình cậu bé kia. Trong lúc chờ bố mẹ thay đồ cho cậu con trai, thì anh vô tình bắt gặp khoảnh khắc quý giá này. Điều đó đã khiến anh vô cùng xúc động. 

Cậu bé nghèo này là con của một gia đình kiếm sống bằng nghề lượm ve chai. Cậu hay đi cùng anh trai ra bờ sông chơi vào buổi chiều. Anh Thân còn cho biết thêm rằng em bé này sống gần chân cầu Mống với gia đình. Cả nhà kiếm sống bằng nghề lượm ve chai và đem tập kết cho các vựa gần đó. Cậu bé khá lanh lẹ, đi cùng với anh trai, cả hai hay ra khu vực bờ sông này chơi vào ban chiều. Đồ chơi của em chỉ vỏn vẹn 1 bịch nilon.

Cộng đồng mạng đã thực sự nhói lòng khi nhìn những hình ảnh này. Trong hàng ngàn cảm xúc đó, xin trích dẫn một status của Facebooker N.Q về câu chuyện của hai đứa trẻ, hai số phận và những cuộc đời: 

"Người nào làm cha mẹ sẽ đều thấy cảm thương và yếu lòng khi xem những bức ảnh nào. Nhưng mình tin, đứa trẻ được chăm chút kia cũng chẳng phải đầy đủ và sung sướng hoàn toàn.

Có con, nhìn thấy nó lớn lên hàng ngày, mình thấy thương bọn trẻ vô cùng. Cuộc sống hiện đại, công nghiệp và chật hẹp đã tước đoạt đi tuổi thơ của đa phần trẻ nhỏ.

Mình tin rằng, thế hệ 10X, 11X mà xem "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" thì chẳng hiểu gì.

Với trẻ em còn nhỏ, một ngày là gì: Sáng bố mẹ "tống" vào nhà trẻ, trường mầm non gửi gắm cho cô giáo. Trong khi ai cũng biết, một ngôi trường ổn thực sự thì rất ít và cũng không nhiều người có điều kiện. Còn đa phần trường 1-2-3 triệu chỉ chủ yếu là trông trẻ cho hết giờ, tống cả lũ ngồi dán mắt vào màn hình tivi.

Rồi đến khi đón con về, đừng hỏi tại sao mặt chúng trông cứ đờ đẫn.

Về đến nhà, chúng lại bị nhốt trong 4 bức tường vì không có chỗ chơi, không có sân chơi, không có đom đóm, không có bùn đất. Rồi lại dán mắt vào tivi, iPad đến khi đi ngủ cùng với định mức khuây khoả là 1 đống sữa mà chúng muốn oẹ ra trước khi nuốt vào.

Rồi thì ra đường, đừng hỏi tại sao mặt bọn trẻ con trông cứ ngơ ngơ. Vì nó ngơ thật!

Hồi bé xem phim, mình cứ thắc mắc tại sao trẻ con ở nước ngoài lại thường được học nhạc cụ, ai cũng biết chơi. Và xem phim "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên", mình có câu trả lời.

Vì nó giúp cho đời sống của họ phong phú, thi vị. Chỉ cần có 1 cây violon thôi, ông bố của 2 đứa con gái có thể khiến bữa tối chỉ có 4 người thành 1 bữa tiệc thực sự.

Chơi nhạc cụ, chơi thể thao, thậm chí là lập các đội múa cổ vũ nó khiến trẻ tự tin hơn sau khi đã quen với việc trình diễn các tiết mục. Đó là sự tinh tế trong giáo dục của nước ngoài.

Trẻ con thiếu không chỉ không gian sống mà thiếu hầu như mọi kỹ năng cần thiết. Chúng thành vật nuôi trong gia đình mang tên Trẻ con. Những kiến thức, những bài học dạy ở trường cũng có khác gì ép trẻ tiếp tục uống sữa khi chúng đã ám ảnh đến buồn nôn?

Thương lắm!"

Đọc thêm