Câu chuyện về “đội trưởng phá đá” ở Ngã ba Đồng Lộc

Là nhân chứng sống trong cuộc chiến đấu ác liệt chống lại sự leo thang đánh phá Miền Bắc của Đế quốc Mỹ, Cựu binh Nguyễn Văn Dư - Nguyên đội trưởng đội Thanh niên xung phong (đơn vị C555, N55, P18) vẫn không bao giờ quên những giây phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của những anh hùng trên mảnh đất thiêng liêng Ngã ba Đồng Lộc. Khi đã xuất ngũ, ông vẫn âm thầm góp công sức cho phong trào đền ơn đáp nghĩa…

Là nhân chứng sống trong cuộc chiến đấu ác liệt chống lại sự leo thang đánh phá Miền Bắc của Đế quốc Mỹ, Cựu binh Nguyễn Văn Dư - Nguyên đội trưởng đội Thanh niên xung phong (đơn vị C555, N55, P18) vẫn không bao giờ quên những giây phút chiến đấu và hy sinh anh dũng của những anh hùng trên mảnh đất thiêng liêng Ngã ba Đồng Lộc. Khi đã xuất ngũ, ông vẫn âm thầm góp công sức cho phong trào đền ơn đáp nghĩa…

ông...
ông Nguyễn Văn Dư - Nguyên đội trưởng đội Thanh niên xung phong
Ký ức hào hùng…
Trước thềm kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), chúng tôi đã về Hà Tĩnh tìm hiểu công tác đền ơn đáp nghĩa và tình cờ được gặp nhân vật có biệt danh là “đội  trưởng phá đá”. Ông là Nguyễn Văn Dư (sinh năm 1945), Phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), ông là một trong những gương mặt tiêu biểu được bầu chọn tham dự Đại hội Người có công tiêu biểu vừa được tổ chức tại Đà Nẵng. 
Chúng tôi tìm đến công trường khai thác đá xây dựng Hồng Lĩnh - nơi cựu binh có biệt danh “đội trưởng phá đá” đang làm việc vào một buổi sớm mùa hè. Cựu binh Nguyễn Văn Dư đang miệt mài hướng dẫn công nhân xưởng đá cách đeo bảo hộ an toàn lao động khi làm việc. Bên bàn trà nơi công trường, ông Dư đã đưa chúng tôi trở lại những năm tháng hào hùng một thời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 
Năm 1965 khi tuổi tròn đôi mươi, theo tiếng gọi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, anh Dư tham gia nhập ngũ và được phân về đội thanh niên xung phong tỉnh đội Hà Tĩnh làm nhiệm vụ phá đá mở đường. Năm 1972, anh được cử làm đội trưởng phụ trách Đại đội Thanh niên xung phong (đơn vị C555, N55, P18) phụ trách mở đường thông tuyến qua Ngã ba Đồng Lộc. Suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn. Đất đá bị đào đi xới lại nhiều lần, hố bom chồng chất hố bom.
Cùng một lúc chúng ném các loại bom đào, bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường. Theo như cách nói hài hước của ông Dư, tại trọng điểm Ngã Ba, tính trung bình, một người phải “ăn” hơn chục tấn bom/tháng. Ác liệt là thế, nhưng ông vẫn cùng đồng đội quyết tâm vượt qua mưa bom bão đạn của kẻ thù, cất cao tiếng hát, phá đá mở đường cho xe tiếp tế, vận chuyển lương thực vào chiến trường “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Cũng tại đây ông đã chứng kiến không ít những giây phút đau thương mà hào hùng của dân tộc.
Cựu binh Nguyễn Văn Dư, không thể nào quên những năm tháng gian khó và đầy ác liệt đó, bầu trời đỏ rực bom đạn, máy bay Mỹ đánh phá dội, trong làn bom đạn, ông Dư cùng đồng đội khẩn trương phá đá thông đường.
Ông Dư nhớ lại trong nghẹn ngào: “Vào cuối năm 1972, đại đội C555 tôi phụ trách được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt, bảo đảm thông tuyến đường 70 gần Ngã ba Đồng Lộc, đang lúc nghỉ trưa bất ngờ máy bay địch ném bom giữ dội, 23 đồng đội của tôi đã ngã xuống khi mới ở tuổi 18-20 tuổi. Lúc đó tôi cũng bị mảnh bom găm vào người, tôi cố bò lê từng bước để đặt bọc mìn phá tảng đá chắn ngang đường để thông tuyến kịp thời”. 
Vững vàng trên mặt trận kinh tế
Sau khi nghỉ phục vụ trong quân ngũ, năm 2003 ông Dư trở về với cuộc sống thường ngày. Chứng kiến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con cái thất nghiệp phải li hương đi làm ăn tứ xứ. Ông Dư trăn trở, mình phải làm một việc gì đó nhằm giúp con em địa phương đặc biệt là giúp con em thương binh, gia đình liệt sĩ, có công ăn việc làm.
Lập nghiệp từ bàn tay trắng, được sự đồng thuận từ vợ, ông Dư chạy ngược chạy xuôi cầm cố sổ lương lẫn ruộng vườn nhà cửa để vay lãi ngân hàng cộng với sự giúp đỡ của bạn bè cuối cùng ông cũng có đủ số tiền hơn 300 triệu đồng để đứng ra thầu 1,5ha mỏ đá cách nhà ông 5km. “Thời gian đầu làm ăn thua lỗ có lúc tưởng như phá sản, nghĩ đến khoản nợ mà thấy run run, nhưng rồi khi bình tâm nghĩ lại trong mưa bom lửa đạn thời chiến mình còn vượt qua được chẳng lẽ thời bình mình lại đầu hang”.
Với ý nghĩ ấy, ông đã đổi mới tư duy đầu tư vào kiến trúc mỏ theo thiết kế xây dựng hạ tầng, đầu tư đồng bộ máy móc tự động hạn chết rủi ro trong lao động… Chỉ sau 3 năm, sản phẩm đá xây dựng của GĐ Dư đã tạo được thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường.  
Dốc sức làm việc thiện
Bên cạnh nhưng lo toan bộn bề công việc kinh doanh nhưng ông Dư vẫn dành phần lớn thời gian cho công tác sinh hoạt xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đóng góp xây dựng hàng chục km đường giao thông nông thôn, đứng ra lập quỹ xây dựng nhà tình nghĩa, nhận chăm lo phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng…
Không chỉ có vậy, hàng năm ông đều dành tiền tiết kiệm được ủng hộ xây dựng nhà văn hóa, nhà đền, tu bổ xây dựng nghĩa trang liệt sĩ. Khi được hỏi về số tiền ông quyên góp, ông Dư cười hiền: “Mình làm  việc thiện hoàn toàn vì cái tâm…nếu làm việc thiện mà báo cáo thành tích thì tôi không bao giờ làm”.  
Ông Hoàng Bá Khang, Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX Hồng Lĩnh cho biết, Cựu binh Nguyễn Văn Dư, hàng năm đều đóng góp cho quỹ xóa đói giảm nghèo, thiên tai bão lụt, quỹ khuyến học địa phương hàng chục triệu đồng. Đặc biệt từ năm 2009 đến nay, ông Dư đã phối hợp với Hội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh tham gia xây dựng miếu thờ (diện tích 1.200 m2) tại điểm đồng đội ông đã hi sinh ở Đồi Con Công (gần Ngã ba Đồng Lộc) với giá trị hàng trăm triệu đồng. Hiện tại công trình đang trong giai đoạn hoàn thành. 
Khi được hỏi về ý tưởng công trình miếu thờ đồng đội, lúc này ông Dư xúc động nghẹn lời: “Tôi may mắn sống sót, tôi hưởng hạnh phúc quá nhiều so với đồng đội. Trước khi rời khỏi cõi dương gian tôi chỉ có một tâm nguyện, bất kỳ ai đặc biệt là thế hệ trẻ khi đi qua Ngã ba Đồng lập, qua Miếu thờ đồng đội này thì đừng bao giờ quên quá khứ hào hùng của dân tộc!”.
Phạm Lão

Đọc thêm