“Cây đa, giếng nước, sân đình” giữa lòng Hà Nội

(PLO) - Trong số hàng trăm chiếc cổng làng ở Hà Nội, có lẽ cổng làng Yên Phụ là chiếc cổng đơn giản và nằm ở thế chênh vênh nhất. Cổng làng này mới được xây dựng lại khoảng hơn 20 năm nhưng người dân địa phương vẫn cảm thấy tự hào với những cuộc sống nhộn nhịp nhưng bình yên ẩn phía sau chiếc cổng giản đơn kia. 

“Cây đa, giếng nước, sân đình” giữa lòng Hà Nội
Đấu tranh để giữ chữ “làng”
Hầu hết các cụ cao niên trong làng đều không ai nhớ được chiếc cổng làng cổ xưa cụ thể như thế nào, được xây dựng năm bao nhiêu. Họ chỉ nhớ mang máng, trước đây cổng làng xây ngay đầu phố Yên Phụ, cổng to, có 2 trụ và được xây cuốn theo dáng tò vò (xây vòm), có bậc tam cấp. 
Cụ Trương Thị Điệp (82 tuổi), thành viên Ban Quản lý di tích đình Yên Phụ khẳng định: “Không ai có bất kỳ thông tin nào về chiếc cổng cũ. Thời chiến tranh, chiếc cổng bị phá hủy nhiều rồi, có thể chỉ còn lại 1-2 trụ cổng nên người làng cũng chán nản chuyện gìn giữ, bảo tồn”. 
Sau này, làng bán đất, mảnh đất đã từng là nơi chiếc cổng làng cũ hiện diện cũng về tay tư nhân. Rồi người dân lấn chiếm, lấn từ cổng làng lấn đến đình làng nên gia đình cụ Điệp buộc phải vận động, quyên góp tiền bạc để xây lại chiếc cổng mới bây giờ. 
Cụ Điệp bảo, nếu không xây cổng làng, không ai biết nơi đây đã từng là địa danh làng Yên Phụ, con cháu có lẽ chẳng còn nhớ hình ảnh làng quê như thế nào. Xây cổng làng cũng như một cách để giữ gìn đình làng, bởi chúng ta vẫn thuộc làu như in “cây đa, bến nước, sân đình” là những thứ đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân quê, có đình làng thì phải có cổng làng.  
Trên con phố Yên Phụ chật chội, qua chiếc cổng làng Yên Thái xuôi xuống dốc, chúng tôi như lạc vào một không gian làng quê với cây đa trước mắt, đình làng hơn 400 tuổi nằm bên trái đường và hồ Ao Vả nằm ngay trước cổng đình. Tấm biển đề “Làng Yên Phụ, khu dân cư văn hóa số 4” như một minh chứng cho sự tự hào về làng của người dân nơi đây. 
Cụ Hoàng Đình Thọ (90 tuổi), một bậc cao niên trong làng trò chuyện: “Thực sự bây giờ chẳng còn nhận ra vẻ gì của làng Yên Phụ xưa nữa, nhưng người làng vẫn hoài niệm về những ngày xa xưa lắm. Thế nên chúng tôi mới đấu tranh để có thể giữ lại được chữ Làng Yên Phụ ở những tấm biển báo xung quanh làng”.
Làng Yên Phụ tên gốc là Yên Hoa, vốn là một bộ phận hợp thành phường Yên Hoa thuộc huyện Quảng Đức, Kinh đô Thăng Long thời Lê. Đầu thế kỷ 19, làng thuộc tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức; đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Hà Nội. Năm đầu đời vua Thiệu Trị (1841), vì kỵ huý bà Hồ Thị Hoa (mẹ vua) nên làng phải đổi tên thành Yên Phụ.
Năm 1915, làng thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1942 đổi lại thành Đại lý đặc biệt Hà Nội). Làng Yên Phụ là một ngôi làng cổ ở trên bán đảo nhô ra hồ Tây, trước đây ngoài nghề trồng hoa, nuôi cá cảnh, làng còn có nghề làm hương đốt với lịch sử rất lâu đời. 
Cụ Điệp kể, xung quanh đình làng, trước đây là một bến cá nổi tiếng. Dân làng này thường làm ngư phủ, tụ thành từng tích (chính là một nhóm bây giờ), bắt cá rồi nộp thuế lại cho địa phương. Giờ những hình ảnh đậm chất quê ấy đã biến mất cùng với tốc độ đô thị hóa. 
Cổng làng Yên Phụ.
Cổng làng Yên Phụ. 
Kiến trúc ngôi đình có một không hai
Tọa lạc ở một khu đất cao nhô ra phía hồ Tây, đình Yên Phụ là một công trình kiến trúc độc đáo có một không hai của thủ đô Hà Nội. Đình thờ Tam vị Thành hoàng là: Uy Linh Lang Đại vương, Vương Duy Đại vương và Vương Ba Đại vương.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính cho biết, nét độc đáo của đình Yên Phụ thể hiện ở chỗ ngôi đình được cấu trúc theo lối nhà dọc, quay hướng Bắc tạo sự thâm nghiêm, cổ kính và tao nhã. Mái đình lợp bằng ngói mũi hài, các góc uốn cong, quay chầu về nóc mái. Cột đình là những cây gỗ lim kê đá xanh, các đầu dư, bức cốn chạm nổi tinh vi đề tài rồng,  mây, tứ linh và hoa lá cách điệu. Nghệ thuật chạm khắc khá tinh xảo, đường nét sâu đậm, sống động mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17-18.
Theo truyền thuyết, sách “Tây Hồ chí” và thần phả lưu giữ ở đình, Uy Linh Lang là con trai của hoàng hậu Minh Đức, dưới thời Trần Thánh Tông (trị vì từ 1258 – 1278). Khi Uy Linh Lang lớn lên, đi học, tư chất đã thấy thông minh, lanh lợi khác người. Ở tuổi 18, ông ham mê đạo Phật, xin phép vua cha cho xuất gia nhưng không được chấp thuận. Uy Linh Lang bèn thay áo, giả làm dân thường, trốn đi tìm thầy học đạo. 
Chỉ mới học được vài tháng ông đã thông hiểu nhiều kinh sách nhà Phật, được nhiều người biết tiếng. Vua cha triệu Uy Linh Lang về kinh đô, cho ở trại Bình Thọ (tứ Yên Hoa), hàng tháng cấp lương bổng để tĩnh tâm tu luyện.
Khi Uy Linh Lang tròn 20 tuổi, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược nước Đại Việt lần thứ ba. Trước tình thế nguy cấp đó, Uy Linh Lang viết bài biểu dâng lên vua xin được cầm quân đánh giặc và được Nhà vua chuẩn y.
Khi dựng cờ nghĩa, ông chiêu mộ binh sỹ, chỉ trong vài ngày đã được hàng nghìn người theo ông luyện tập quân sự, học binh pháp, tổ chức đội ngũ chỉnh tề. Đội quân của ông tự xưng là “Thiên tử quân”, tiến đánh quân Nguyên Mông ở Bàn Than, Vạn Kiếp, Mạn Trù, Đông Kết… lập được nhiều chiến công. Khi bình công, xét thưởng, Uy Linh Lang được vua phong Đại Vương nhưng ông không màng danh lợi mà ở lại chùa Ngọc Hồ để tu tập. 
Giờ ngọ ngày 8/8 năm Bính Tý, Đại Vương không bệnh mà hóa. Vua ban cho xây đền thờ ông ở Nhật Chiêu (nay là Nhật Tân) và các nơi khác như ở Yên Hoa (Yên Phụ). Những nơi ông đi qua nhân dân nhớ và lập đình thờ phong Thành Hoàng làng. Cũng vì thế, không chỉ riêng đình Yên Phụ mà ở các nơi thờ Uy Linh Lang đều tổ chức Hội vào 10/2 âm lịch hàng năm. Nhưng trước đấy, vào ngày 9/2 dân làng đã làm lễ mộc dục (tắm tượng). 
Theo tục này, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình sang chùa Trấn Quốc lấy nước thanh tịnh về đình để tắm tượng. Ngày xưa rước kiệu đi lấy nước theo con đường mòn nhỏ, hai bên là nước, đoàn kiệu đi giống như chìm trong sóng nước. Ngày nay đoàn kiệu đi trên con đường bộ, vượt dốc làng, qua cổng làng, hòa mình vào con phố Yên Phụ chật hẹp, qua dốc và đường Thanh Niên tới chùa Trấn Quốc.  
Người làng Yên Phụ tự hào với lễ hội làng mình lắm vì những nghi thức văn hóa từ cổ xưa vẫn còn được giữ gìn nguyên vẹn và tự hào bởi kiến trúc ngôi đình có một không hai. Nhưng thoảng trong những sự tự hào này vẫn có chút buồn, hoài cổ. Có lẽ bởi người làng vẫn mong muốn làng mình có một chiếc cổng, có thể truyền tải được nét văn hóa của làng, như các cổng làng khác trong kinh thành Thăng Long xưa…

Đọc thêm