Cây xanh đổ vào người đòi bồi thường thế nào?

(PLO) - Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão, tình trạng cây xanh tại các đô thị lớn lại liên tiếp bật gốc và gãy, đổ, gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người đi đường. Mỗi khi như vậy, dư luận lại bàn luận chuyện bồi thường.
Cây xanh đổ gây bẹp rúm xe hơi trên đường phố Hà Nội.
Cây xanh đổ gây bẹp rúm xe hơi trên đường phố Hà Nội.

Hậu quả lớn

Tuần qua, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 gây gió giật và mưa lớn kéo dài trên địa bàn Hà Nội, khiến hàng trăm cây xanh trên các tuyến phố bị bật gốc và gãy, đổ. Hàng chục ô tô, xe máy bị cây đè lên bẹp dúm, thiệt hại lớn cho chủ sở hữu.

Không chỉ bị thiệt hại về tài sản, tình trạng cây xanh gãy, đổ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người đi đường. Còn nhớ, trong một trận mưa giông trên địa bàn Hà Nội tối 4/6/2014, một cây xanh bị đổ đã đè lên chiếc taxi, khiến tài xế của hãng Taxi Group tử vong tại chỗ và nữ hành khách trên xe bị thương.

Cũng trong tháng 6/2014, một trận mưa lớn trên đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), cây phượng cổ thụ bất ngờ bật gốc và đè lên 2 người phụ nữ đi xe máy, hậu quả là cả hai phải nhập viện cấp cứu.

Và còn rất nhiều trường hợp khác cũng là nạn nhân của những hàng cây xanh. Khi đang lưu thông trên đường mà chẳng may bị cây đè bẹp ô tô, xe máy hoặc bị gãy tay, gãy chân, thậm chí tử vong thì gia đình nạn nhân cũng không thể ôm cây “bắt đền”. Vậy trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại?.

“Về nguyên tắc, cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh phải bồi thường thiệt hại. Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 đã có các quy định liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Khi một người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự gây thiệt hại tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản… của cá nhân hoặc pháp nhân thì phải có trách nhiệm bồi thường. Ở đây, yếu tố lỗi là điều kiện đầu tiên phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, Luật sư Lưu Hải Vũ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích.

Cùng quan điểm, Luật sư Trịnh Ngọc Thành (Công ty Luật Dân Quyền – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) giải thích thêm: “Qua đợt mưa bão vừa qua ở Hà Nội, dọc các tuyến phố có rất nhiều cây to bị gãy, đổ đột ngột gây thiệt hại cho người đi đường. Trong trường hợp này, chủ sở hữu của những hàng cây xanh thông thường  là Nhà nước; còn bên chịu trách nhiệm trông coi quản lý là Công ty cây xanh và môi trường đô thị Hà Nội”.

Điều 626 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng”. Theo quy định này, chủ sở hữu là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra trong trường hợp cây xanh gãy đổ gây chết người và hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, khi đề cập đến trách nhiệm của mình, lãnh đạo các đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống cây xanh lại cho rằng họ chỉ quản lý cây xanh theo đơn đặt hàng của thành phố và thiệt hại xảy ra là do sự kiện bất khả kháng?.

Theo lý giải của Luật sư Thành, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (quy định tại Điều 161 BLDS 2005). 

“Một sự kiện bất khả kháng phải đáp ứng các yếu tố sau: Phải xảy ra một cách khách quan; các chủ thể liên quan không lường trước được, họ không thể biết trước về sự kiện gây thiệt hại sẽ xảy ra; khi sự kiện xảy ra, các chủ thể đã áp dụng mọi biện pháp khả năng cho phép để hạn chế thiệt hại. Chẳng hạn như lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, sóng thần… là những yếu tố tự nhiên mà con người không kiểm soát được. Nhưng nếu bão tố đã được dự báo từ trước mà các chủ thể không có biện pháp khắc phục phù hợp thì không được coi là sự kiện bất khả kháng”, Luật sư Thành bình luận.

Từ những căn cứ này, Luật sư Thành cho rằng, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý trông coi cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (như có biện pháp cắt tỉa cây trước khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng.

Đề cập đến trách nhiệm cũng như nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Luật sư Thành cho biết: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Mức độ thiệt hại xảy ra được xác định tại các Điều 608, 609, 610 BLDS 2005. 

Cụ thể mức độ thiệt hại về tài sản bao gồm: thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng; thiệt hại về sức khỏe bị xâm hại bao gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...; thiệt hại về tính mạng…

Ngoài ra, người bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe còn được bồi thường thiệt hại về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định đối với tính mạng và không quá 30 tháng lương tối thiểu nếu gây thiệt hại về sức khỏe.

Trường hợp không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm thì người bị thiệt hại hoặc gia đình nạn nhân có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường. 

Vẫn lời luật sư này: Những quy định nêu trên trong BLDS vẫn chỉ là những quy định chung chung trong BLDS. Vậy nên chăng cần quy định rõ ràng vấn đề này trong một văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư… để ràng buộc trách nhiệm nghĩa vụ của các cơ quan quản lý cây xanh; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người rơi vào trường hợp không may? .

Yêu cầu chủ động phòng chống bão số 2 

Theo dự báo của cơ quan khí tượng Mỹ thì bão sẽ đi vào Hồng Kông. Miền Bắc Việt Nam ảnh hưởng bởi mưa lớn trên diện rộng. Tuy vậy, đây chỉ là dự báo ban đầu, hướng đi của bão còn diễn biến phức tạp nên khả năng bão số 2 chuyển hướng vào vùng biển Bắc bộ hoàn toàn có thể xảy ra. Người dân cần chú ý theo dõi thông tin thời tiết hàng ngày. 

Để chủ động ứng phó cơn bão số 2, ngày  31/7, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 16 gửi các tỉnh thành ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định, các tỉnh miền núi phía Bắc; các bộ, ngành liên quan. 

Công điện yêu cầu: thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và các biện pháp phòng tránh phù hợp; thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra….

Đọc thêm