Cha mẹ bị lợi dụng bởi 'hiện tượng giữ cháu'?

(PLO) - Cách đây ít lâu, bàn về chuyện ông bà chăm cháu trên một tờ báo, đạo diễn Lê Hoàng đã từng có một quan điểm trái chiều nhưng thuyết phục về chuyện này: “Tôi cảm thấy rõ ràng hiện nay có một lớp người trẻ xấu một cách tinh vi: Đó là muốn lợi dụng cha mẹ trong vấn đề chăm sóc con cái của mình...
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

...Nghĩa là ngay từ khi lên kế hoạch sinh con, chăm sóc và nuôi dưỡng, họ đã đưa ông bà vào danh sách, coi như một sự đương nhiên. Công nhận rằng cũng có rất nhiều gia đình, ông bà (đặc biệt là bà) không có việc làm, phải sống bám vào con cái và tự nhiên xem việc giữ cháu là một cách trả công. Mệt cũng không dám kêu. Những hoàn cảnh ấy vô phương cứu chữa. Nhưng cũng có rất nhiều ông bà có nhà cửa, có thu nhập hẳn hoi, thậm chí còn đưa tiền thêm cho vợ chồng chúng nó, thế mà vẫn "nai lưng" ra giữ cháu do bị chúng nó "bỏ bom". Không dám kêu, không dám phản kháng vì đã trót "khoe" và trót "tự hào". Suy cho đến cùng, hiện tượng giữ cháu, lấy cháu làm niềm vui là gì?".

Theo Lê Hoàng là do không có một đời sống lành mạnh. Với sự phát triển của khoa học hiện đại, 60 chưa hề là già. Nhiều quốc gia đã kéo dài tuổi về hưu lên 65 hoặc 67 tuổi. Tuổi 60 thậm chí còn là tuổi chín muồi của các trải nghiệm, khám phá. Lúc này ta mới có bề dày để xem phim, đọc sách, suy nghĩ, thảo luận. Lúc này việc khám phá và tìm hiểu thế giới mới trọn vẹn và đầy đủ. Ta sẽ phát hiện ra rất nhiều thứ cảm xúc muốn có hoá ra chả tốn kém gì ngoài thời gian và kinh nghiệm. 

Ở nước ngoài, việc hai vợ chồng già ở riêng, ngày xem ti vi, đọc sách, cùng nhau trò chuyện, đi dạo, đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ... là chuyện thường thấy. Và có nằm mơ họ cũng không thể tưởng tượng được những người cao tuổi ở Việt Nam ta lại trở thành “cô” giữ trẻ ở độ tuổi 60, 70, thậm chí 80 – cái tuổi mà con người cần nghỉ ngơi và chăm sóc lấy mình hoặc để con cái chăm sóc mới là hợp lẽ.

Đọc thêm