Cha mẹ ly hôn sao bắt con phải đến tòa?

(PLO) - Hai anh chị ly hôn nhưng không thỏa thuận được việc nuôi con nên buộc phải để Tòa can thiệp. Đưa con đến Tòa là một sự khó khăn vô cùng đối với chị, khi cháu bé còn chưa đủ lớn để hiểu những gì đang diễn ra.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Kể từ ngày đệ đơn ra Tòa xin ly hôn, chị H.T ở Ba Đình, Hà Nội như sống một cuộc sống khác. Bên ngoài chị vẫn phải chăm lo, vui vẻ với hai đứa con, còn trong thâm tâm là cảm giác khổ đau, chán chường và mệt mỏi. 
Gia đình chị vốn được bà con chòm xóm biết đến như một gia đình “kiểu mẫu”. Hai vợ chồng đều làm DN, có của ăn của để, con cái đủ cả nếp lẫn tẻ, ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Ấy thế mà chị phát hiện ra anh ngoại tình, rồi lại có con riêng ở ngoài. Không những tìm đủ lý do để lừa gạt vợ, anh còn sinh thói vũ phu, đánh chửi chị không thương tiếc. 
Chị làm đơn ly hôn, anh lạnh lùng ký với vẻ mặt chẳng biểu lộ cảm xúc gì...Vì hai đứa con còn quá nhỏ (một đứa lên 10, một lên 2) nên chị định giấu không muốn cho con biết chuyện chia tay của bố mẹ. Chị cũng thương lượng với anh để chị được nuôi cả hai đứa con nhưng anh nhất định không chịu vì anh muốn nuôi thằng lớn (10 tuổi) vì nó là “đích tôn” của dòng họ.
Thỏa thuận không được, họ yêu cầu Tòa án can thiệp. Nhưng ngặt nỗi, theo quy định thủ tục bắt buộc khi giải quyết ly hôn là Tòa án phải hỏi ý kiến trẻ em từ 09 tuổi trở lên về việc sống với cha hay với mẹ. Và trong quá trình giải quyết vụ kiện ly hôn của chị T., Tòa án cũng yêu cầu đứa bé phải đến tòa để xem nguyện vọng của chúng ra sao khiến chị T. dù muốn cũng không thể giấu con được nữa... Tuy nhiên, để đưa con đến Tòa cũng là một sự khó khăn vô cùng đối với chị, khi cháu bé còn chưa đủ lớn để hiểu những gì đang diễn ra.
Quy định hỏi ý kiến trẻ từ 9 tuổi trở lên về việc sống với cha/mẹ khi ly hôn nhằm lấy ý kiến của con để Tòa án có cơ sở quyết định việc nuôi dưỡng giao cho người mẹ hay người cha theo nguyện vọng của con. Tuy nhiên, tổng kết Luật Hôn nhân và Gia đình cho thấy trên thực tế, việc thực hiện thủ tục này gặp vướng mắc khi cha mẹ trẻ em không hợp tác. 
Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định hợp tình, hợp lý, nhưng cách thực hiện nên có sự thay đổi. Cụ thể,  không nên bắt buộc trẻ em đến Tòa làm bản tường trình như hiện nay mà nên lấy ý kiến thông qua người thân, thầy cô của trẻ để tránh tâm lý nặng nề cho trẻ em. Và việc lấy ý kiến thông qua người thân cũng cần được làm một cách thận trọng, khéo léo để trẻ được thể hiện đúng nguyện vọng của mình mà không phải là bị ép buộc hay buông xuôi.

Đọc thêm