Cha mẹ "sốc" khi con dùng ngôn ngữ lạ

(PLO) - Phần lớn phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1 – 5 khi phát hiện ra con bị khiếm thính đều sốc và không chấp nhận cho con học ngôn ngữ ký hiệu. Bởi lẽ họ cho rằng trẻ học ngôn ngữ ký hiệu sẽ bị tách biệt ra khỏi xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Sợ không hiểu con khi con “hoa chân múa tay”
Là cha mẹ, bất kỳ ai cũng mong muốn con mình sinh ra được khỏe mạnh. Sự mong muốn ấy nhiều khi khiến họ không còn tỉnh táo trong việc giúp con hòa nhập với cộng đồng khi đứa trẻ bị tàn tật hoặc khuyết tật một bộ phận nào đó, ví dụ như khiếm thính, điếc. 
Chị Hoàng Thị Phương ở Xa La, Hà Đông, Hà Nội rất bàng hoàng khi phát hiện con gái 10 tháng tuổi của mình bị khiếm thính mức độ nặng, sâu. Khi con lớn hơn, chị đưa con đi khám bác sĩ, mua máy trợ thính và tham gia vào các lớp học dành cho trẻ khiếm thính, học các phương pháp nghe nói, khẩu hình nhưng khả năng nghe và giao tiếp của con không được cải thiện. Dù vậy, chị Phương vẫn kiên trì cho con theo học phương pháp này và từ chối học theo ngôn ngữ ký hiệu. 
Cô giáo Nguyễn Bích Hảo phụ trách Trung tâm Khiếm thính Hướng Dương cho hay: “Không riêng gì chị Phương, phần lớn phụ huynh có con trong độ tuổi từ 1 – 5 khi phát hiện con bị khiếm thính, kể cả khiếm thính ở mức độ nặng, sâu, họ đều sốc và không chấp nhận cho con học ngôn ngữ ký hiệu. Nguyên nhân được các phụ huynh đưa ra, đó là họ sợ con họ sẽ bị tách biệt khỏi xã hội, và những người trong gia đình không biết ngôn ngữ ký hiệu sẽ khó giao tiếp được với trẻ”. 
Hay như chia sẻ của các giáo viên trong Dự án hỗ trợ trẻ điếc trước tuổi đến trường (IDEO): “Rất nhiều bậc phụ huynh tỏ ra dị ứng khi chúng tôi giới thiệu về phương pháp ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi bảo đây là phương pháp phù hợp nhất cho trẻ bị khiếm thính nặng. Chúng tôi sẽ cử một giáo viên đến tận nhà để kèm cặp trẻ. Tất cả đều không tính phí. Nhưng không một ai chào đón chúng tôi, thậm chí còn thể hiện thái độ khó chịu khi chúng tôi nhắc tới ngôn ngữ ký hiệu”.
Có thể nói, niềm mong mỏi con biết nghe đã khiến nhiều cha mẹ không được tỉnh táo trong việc chọn lựa những phương pháp phù hợp. Trong khi đó, việc cho trẻ khiếm thính tiếp cận phương pháp học phù hợp ngay từ đầu sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển khả năng tư duy và khả năng nói, khả năng giao tiếp. 
Cần như ngôn ngữ mẹ đẻ
Tuy nhiên, việc tìm cho con một lớp học ngôn ngữ ký hiệu không phải là dễ dàng. Theo chia sẻ của phụ huynh Nguyệt Hà ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, con trai chị phát hiện bị khiếm thính từ lúc được vài tháng tuổi. Khi con được 2 tuổi, chị Hà đã rất vất vả trong việc tìm trường phù hợp cho con học. Con chị chỉ học một thời gian trường này thì chị lại phải tìm trường khác vì thấy khả năng nghe nói, nhận thức, giao tiếp của con không được cải thiện. 
Chị chia sẻ: “Con mình bị điếc bẩm sinh, đã được đeo máy trợ thính nhưng cũng không có tác dụng. Cho con đến trường với mong muốn nhận thức, giao tiếp của con tiến bộ nhưng các thầy cô giảng bằng lời nói thì làm sao cháu tiếp thu được, cháu có nghe thấy được đâu. Nhận thấy việc học ở lớp không phát huy hiệu quả nên mình cho cháu nghỉ học ở nhà. Chỉ đến khi cháu được 4 tuổi, một người bạn giới thiệu về ngôn ngữ ký hiệu, mình đã cho cháu áp dụng ngay và thấy hiệu quả tức thì. Mình chỉ thấy lạ là ngôn ngữ ký hiệu đã vào Việt Nam từ rất sớm mà mãi sau này mới biết mà áp dụng cho con”.
Trẻ khiếm thính được học ngôn ngữ ký hiệu sẽ có rất nhiều khả năng học tập, hòa nhập với cộng đồng.
  Trẻ khiếm thính được học ngôn ngữ ký hiệu sẽ có rất nhiều khả năng học tập, hòa nhập với cộng đồng.
Đúng như lời chị Hà nói, với những trẻ bị khiếm thính nặng, ngôn ngữ ký hiệu được coi như là ngôn ngữ mẹ đẻ giúp các em nhanh chóng biết giao tiếp với mọi người và hòa nhập với cộng đồng. Trẻ khiếm thính càng nhanh chóng được tiếp cận sớm với phương pháp học phù hợp thì nhận thức, tư duy, khả năng hòa nhập của các em càng nhanh, và ngược lại.
Ngôn ngữ ký hiệu có mặt ở Việt Nam từ sớm nhưng nhiều trường giáo dục đặc biệt, các trung tâm khiếm thính ở Hà Nội tiếp cận còn khá dè dặt. Như tại trường dân lập dạy trẻ khiếm thính ở Nhân Chính, Hà Nội, chỉ khoảng hai, ba năm trở lại đây, trường mới đưa ngôn ngữ ký hiệu vào giảng dạy cho các cháu với lịch dạy là một tuần ba buổi. Còn tại Trung tâm Khiếm thính Hướng Dương, số lượng trẻ tham gia học ngôn ngữ ký hiệu chỉ khoảng vài trẻ.
Về việc áp dụng các phương pháp giảng dạy cho trẻ điếc và khiếm thính như thế nào cho phù hợp, cô giáo Nguyễn Bích Hảo phụ trách Trung tâm Khiếm thính Hướng Dương cho biết: “Những cháu khiếm thính ở mức độ nhẹ và trung bình được đeo máy trợ thính phù hợp, hoặc những cháu khiếm thính ở mức độ nặng và sâu nhưng được cấy ốc tai điện tử thì các cháu sẽ được học theo phương pháp nghe nói. 
Hiện ở Việt Nam chưa có chương trình dành riêng cho các bé ở đối tượng này nên Trung tâm Hướng Dương áp dụng chương trình nghe nói cho các cháu khiếm thính của Quỹ toàn cầu cho trẻ khiếm thính. Còn các cháu bị điếc, khiếm thính ở mức độ nặng, sâu, lúc này máy trợ thính không có tác dụng trong việc học nghe – nói thì các cháu sẽ được học qua nhìn hình miệng và ngôn ngữ ký hiệu”.

Đọc thêm