Chặn tình trạng tự tử tại Tây Nguyên bằng cách nào?

(PLO) - Trong vòng 5 năm (từ 2012-2016), trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum) đã có hơn 2.259 trường hợp tự tử. Do nhận thức nông cạn, nhiều người dễ dàng tìm đến cái chết như một cách giải thoát. Vấn đề đặt ra là đẩy lùi tình trạng tự tử tại Tây Nguyên bằng cách nào?
Mẹ chết, cha tự tử, 7 năm qua, A Đưng đã lam lũ kiếm tiền nuôi các em
Mẹ chết, cha tự tử, 7 năm qua, A Đưng đã lam lũ kiếm tiền nuôi các em

Theo kết quả Dự án điều tra cơ bản năm 2017 của Ủy ban Dân tộc về đề tài “Điều tra thực trạng tình hình tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên”, trong vòng 5 năm (từ 2012-2016), trên địa bàn 3 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk và Kon Tum) đã có hơn 2.259 trường hợp tự tử. Trong đó, tỉnh Gia Lai chiếm tỷ lệ cao nhất với gần 1.500 trường hợp, tiếp theo là tỉnh Đắk Lắk với gần 700 trường hợp và tỉnh Kon Tum với gần 200 trường hợp. Thống kê qua từng năm cho thấy, hiện tượng tự tử có xu hướng gia tăng qua các năm ở tất cả các tỉnh và các địa bàn khảo sát.

Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhưng hàng nghìn người ở vùng này đã tự tìm đến giải pháp cực đoan là tự tử, để lại hậu quả không nhỏ cho người thân, xã hội. Hiện tượng tự tử diễn ra tập trung ở một số dân tộc thiểu số như Ba-na, Gia-rai, Ê-đê, Xê-đăng...

Trong đó, dân tộc Ba-na tại tỉnh Gia Lai có số lượng người tự tử cao nhất (757 trường hợp), tiếp đến là dân tộc Gia-rai tại tỉnh Gia Lai (666 trường hợp) và dân tộc Ê-đê tại tỉnh Đắk Lắk (302 trường hợp). Hiện tượng tự tử ít xảy ra ở những khu vực trung tâm, chủ yếu diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế kém phát triển. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết của người dân được xem là một trong những yếu tố tác động đến vấn đề tự tử, trình độ học vấn, dân trí càng cao càng ít thấy tự tử và ngược lại.

Kon Chro là huyện nằm phía đông tỉnh Gia Lai. Cuộc sống người dân ở đây còn nhiều gian khó với tỷ lệ người nghèo còn khá cao, là một trong những huyện khó khăn nhất ở Gia Lai. Và huyện cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ người tự tử cao nhất tỉnh. Mỗi năm, có cả trăm người tìm đến cái chết chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ.

Chị Đinh Biếc (ở làng Dâng, thị trấn Kon Chro, Gia Lai) sống với chồng hơn chục năm trời, có với nhau 6 mặt con. Rồi một ngày chị nghĩ rằng dạo này chồng mình ít quan tâm tới vợ. Nghi ngờ chồng có người khác, vậy là chị ra rừng, uống nguyên chai thuốc diệt cỏ. Khi người nhà phát hiện thì đã muộn. Từ ngày vợ mất, anh Đinh Lốc như cái bóng, dật dờ, thêm gánh nặng một thân một mình nuôi 6 đứa con. Cuộc sống đã nghèo lại càng bi kịch. Hơn nửa năm sau, anh đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ. Cả 6 đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ phải về ở với ông bà.

Trong lúc nghịch ngợm, em Đinh Triêu (12 tuổi, ở làng Tờ Nùng 2, xã Ya Ma, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai)  làm hỏng cái gương xe máy của người trong xã. Bị người nhà la rầy, tối hôm đó, Triêu ra khỏi nhà, mang thêm chai thuốc diệt cỏ. Sau khi đi vào rừng sâu em đã uống chai thuốc đó và tử vong. Chiều hôm sau người làng mới phát hiện ra Triêu đã chết.  

Ksor Sét (SN 1982, trú tại làng Tăng, xã Ia O, huyện Ia Grai) uống thuốc diệt cỏ để tự tử. Hỏi về lý do vợ tự tử, anh Ksor Deo - chồng Ksor Sét - nói: “Mình không biết, nó thích thì nó uống thuốc thôi”. Khi các bác sỹ gặng hỏi thì Ksor Deo mới vò đầu bộc bạch: “Do mình hay uống rượu, vợ nói đừng uống nữa nhưng mình cũng muốn vui với anh em nên không nghe. Sáng nay, vợ mua 1 can rượu về uống một mình, đến trưa mình đi đón con, nó ở nhà lấy chai thuốc diệt cỏ ra uống, mình về đến nhà đã thấy anh em chở đi cấp cứu rồi”.

Mẹ mất được thời gian ngắn thì cha cũng tự tử khi A Đưng (ở làng H’re, xã Đắc Tơ Ve, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) mới 13 tuổi, để lại cho 7 anh em căn nhà sàn rách nát cùng với đàn gà. Lúc đó, em út A Xóa mới được 2 tháng tuổi, lại hở hàm ếch và mù một mắt bẩm sinh. Đêm nào, A Xóa cũng khóc vì thiếu sữa, thương em, A Đưng đã bế A Xóa đến từng nhà xin sữa cho em khỏi khóc. 7 năm qua, A Đưng tháng ngày lam lũ làm thuê, săn bắn kiếm tiền nuôi 6 đứa em mồ côi. Trong một lần đặt bẫy trên rừng, người em thứ 3 là A Đét không may bị bẫy đập trúng vào mắt trái. Không có tiền chữa trị và thuốc thang nên từ đó A Đét mù hẳn một bên mắt…

Người tự tử thường chọn cách kết thúc cuộc sống bằng thắt cổ hoặc uống thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Hầu hết những trường hợp tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ cháy đều không qua khỏi vì loại thuốc này có lượng độc chất rất lớn. Thuốc này khi uống vào phá hoại lục phủ ngũ tạng của người bệnh. Không có cách nào cứu chữa được.  

Bà Nguyễn Thị Tư - Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết: “Nguyên nhân của các trường hợp tự tử ở Tây Nguyên rất đa dạng nhưng được chính quyền địa phương xác định chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn gia đình với những lý do hết sức đơn giản và nhỏ nhặt. Nếu như tuyên truyền là giải pháp thường xuyên phải duy trì với các hình thức dễ tiếp thu, không ngừng đổi mới, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thì giáo dục kỹ năng sống được xem là giải pháp mang tính lâu dài; song song với hàng loạt biện pháp bổ trợ quan trọng khác trực tiếp ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng tự tử như: kiểm soát chất lượng rượu, tình trạng uống rượu của bà con hoặc đẩy nhanh việc cấm bán các loại thuốc bảo vệ thực vật gây tử vong cao… sẽ góp phần đẩy lùi tình trạng tự tử tại Tây Nguyên”. 

Đọc thêm