Chặng đường nào rải bước trên hoa hồng…

(PLVN) - Mặc dù báo chí ngày nay đã khác xa báo chí của hơn 10 năm trước - khi báo giấy thơm mùi giấy mực mỗi sớm mai được đón nhận khắp các ngả đường, góc phố, công sở… Thế nhưng, những người trong cuộc, đặc biệt là những nhà báo kỳ cựu đều cho rằng: Nghề báo là một nghề vất vả cả về thể lực, trí tuệ với trách nhiệm xã hội và đòi hỏi nhiều dấn thân, niềm say mê và những hy sinh thầm lặng…
 Nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư những ngày tác nghiệp trong bão lũ (trước khi mất).
Nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư những ngày tác nghiệp trong bão lũ (trước khi mất).

Trót mang lấy nghiệp vào thân

Lòng say mê nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội luôn gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời người làm báo. Hàng ngày báo chí mang đến cho người dân một lượng thông tin khổng lồ. Để có lượng thông tin đó, người làm báo phải lao động vất vả ngày đêm, năng động, sáng tạo và cao hơn cả là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân trước thông tin mà mình đưa ra.

Trách nhiệm xã hội của người làm báo không chỉ là thu thập, xử lý thông tin mà còn đòi hỏi phải đảm bảo tính khách quan chân thật và đồng thời cũng không được vô cảm trước những vấn đề bức xúc, nỗi đau của người dân trong đời sống xã hội. Lòng yêu nghề chính là chất xúc tác đặc biệt giúp nhà báo vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp - ấy là sự lăn xả và chất lửa với nghề.

Bởi với nghề báo, việc đối diện với khó khăn và thử thách là điều không tránh khỏi. Nghề báo được xếp vào tốp 10 trong những nghề nghiệp nguy hiểm nhất. Chuyện nhà báo bị thương, bị đe dọa, bị khủng bố,  thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng đã từng xảy ra khi tác nghiệp nơi vùng sâu, vùng xa, rốn lũ hay trong quá trình điều tra tệ nạn xã hội, đấu tranh chống tiêu cực.

Các nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, bị thu giữ hoặc cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp; bị giữ người; bị quấy rối tình dục; bị vu khống; bị tấn công, gây thương tích, trả thù… và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác. 

Có thể thấy, để có được những sản phẩm là những bài báo, tờ báo mà độc giả cầm trên tay, đôi khi có cả máu, mồ hôi và nước mắt của người làm báo.

Không chỉ vượt qua những khó khăn, thử thách và hiểm nguy, nhà báo phải chịu rất nhiều áp lực. Đó là áp lực phải có sản phẩm đúng giờ, đúng ngày, đặc biệt là trong cuộc cạnh tranh từng phút, từng giờ của báo điện tử hiện nay. Bên cạnh những áp lực về công việc, các nhà báo cũng phải đối mặt với những áp lực riêng tư, bởi công việc của người làm báo không tính theo giờ hành chính.

Để trở thành nhà báo giỏi, nhà báo chân chính, việc đầu tiên là phải giữ được bầu nhiệt huyết và một cái tâm với nghề thật trong sạch, như nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Làm nghề này phải bút sắc, lòng trong thì mới nên nghề”…

Nhà báo không chỉ cần có đam mê, dấn thân mà còn rất cần phải có bản lĩnh. Bản lĩnh đó giúp người làm báo có cách nhìn nhận khách quan, vượt qua những khó khăn, chướng ngại vật, sự đe dọa, áp đảo và kể cả sự cám dỗ của đồng tiền.

Bản lĩnh đó giúp nhà báo có cái nhìn đúng đắn và phản ánh trung thực, khách quan hiện thực, nêu gương cái tốt, đấu tranh với cái xấu, góp phần vào sự công bằng của xã hội. Đó cũng chính là đạo đức của người làm báo.

Những tấm gương đẹp, những nhân tố tích cực được biểu dương, những bài viết đề cao tính nhân văn về lòng vị tha, tình yêu, cuộc sống được lan tỏa, nhân lên ánh sáng của niềm tin và sự tích cực. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng phản ánh kịp thời những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, đấu tranh không khoan nhượng với những góc khuất, những vụ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, sai phạm; góp phần vào sự công bằng, văn minh…

Vinh quang trên đầu, bùn đất dưới chân

Có thể nói, nếu ai đó thấy nghề báo chỉ ở góc độ “vinh quang”, một từ cao quý dành cho mọi nỗ lực, thành quả mà nhà báo với “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” đã góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Nhưng để làm nên hai chữ “vinh quang” cao quý ấy, nhà báo phải đánh đổi bằng nhiều thứ. Tác nghiệp trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, có mặt tại những điểm nóng nhằm đưa thông tin chính xác, kịp thời, tính chất công việc đòi hỏi nhà báo xông pha vào cuộc sống…

Và trong dòng chảy của báo chí hôm nay, trước nhiều đổi thay, sẽ có lúc những người cầm bút cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, khi ấy,  không ít người làm báo sẽ nghĩ tới những tấm gương lớn trong nghề. Những tấm gương có thật, ngay ở thời đại của mình, chứ không phải là những tấm gương bước ra từ một thời làm báo khói lửa chiến tranh. 

Đó là câu chuyện về hai nữ nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) và Liên Liên (Đài Truyền hình Việt Nam) chẳng hạn, là phận nữ nhưng hai chị đã lặn lội nhiều đêm ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), đối diện với rất nhiều lời đe dọa của những “thế lực ngầm” để thực hiện một loạt bài điều tra, vạch mặt cả một hệ thống bảo kê ngang ngược. 

Chị Thu Trang tâm sự rằng, trong quá trình điều tra đã hơn một lần chị và gia đình chị bị dọa giết. Lần ấy, cảm giác đầu tiên của chị là muốn chạy ngay đến trường học để được tận mắt nhìn thấy đứa con mình vẫn đang chơi đùa lành lặn. Và chị bảo áp lực kinh khủng đến mức đã có lúc chị muốn dừng lại.

Nhưng rồi nghĩ đến những tiểu thương “thấp cổ, bé họng”, những người bị băng nhóm bảo kê chèn ép đến “tức thở”, chị không cho phép mình dừng lại nữa. Nhờ những nhà báo như chị Thu Trang, chị Liên Liên mà cuối cùng công lý được lấy lại và quyền lợi của những con người “thấp cổ, bé họng” được thực thi… 

Còn nhớ năm 2017, nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư của Thông tấn xã Việt Nam về Yên Bái ghi hình một trận lũ quyét. Anh đội mưa, đứng giữa cầu, hướng camera xuống dòng nước lũ. Bất ngờ cầu sập, anh bị dòng nước cuốn đi, mãi mãi không về.

Năm 2013, nữ phóng viên Nguyễn Thị Hồng Sen của Đài Truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng mãi mãi ra đi, không về khi thực hiện nhiệm vụ đưa tin về siêu bão Haiyan. Lúc ra đi, cả Đinh Hữu Dư và Nguyễn Thị Hồng Sen đều còn rất trẻ. Sự ra đi của họ nói rằng ngay trong thời hiện đại này, nghề báo vẫn đầy rủi ro. Vì trách nhiệm với một tấm ảnh, một thước phim, một con chữ mà nhà báo đã phải đổ mồ hôi, đổ máu và thậm chí hy sinh cả tính mạng mình.

Ai biết được những hiểm nguy phía sau từng con chữ, từng tấm ảnh hiểm nguy đến mức nào. Những khi ấy, nhà báo thường chỉ tác nghiệp một mình, họ có thể lùi bước. Nhưng không, sự dấn thân của nhà báo chính là sẽ luôn làm đến cùng, dù gian nan, nguy hiểm.

Là một phóng viên thường trú, những ngày bão lũ ấy đã được Đinh Hữu Dư chia sẻ trên Nội san của Thông tấn xã Việt Nam rằng: “Những ngày đó, liên tục từ sáng sớm đến tối muộn, phóng viên phải liên tục cập nhật thông tin, mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số, bùn đất lấm lem, chân tay rã rời. Thế nhưng, tất cả những điều đó không đáng kể chút nào khi phải chứng kiến sự tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên với những nỗi đau, mất mát quá lớn của đồng bào”.

Tâm sự ấy, suy nghĩ ấy chỉ có thể có ở một nhà báo trách nhiệm, quả cảm và một sự đồng cảm đến tận cùng với nỗi đau của mảnh đất, con người thường xuyên phải hứng chịu những hậu quả khắc nghiệt của thiên tai. Với những thông tin nóng hổi về đợt mưa lũ ấy, Đinh Hữu Dư được đánh giá là một phóng viên dũng cảm, không ngại khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, anh đã được UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen.

Thế nhưng, cuộc sống thường không lường trước được những bất trắc, rủi ro, trong cơn lũ dữ, Đinh Hữu Dư vẫn bám tuyến đầu, đưa ống kính máy quay ghi nhận chuyển biến của mưa lũ. Nhưng bất ngờ cầu sập, Dư đã bị dòng nước cuốn đi khi chưa tròn 30 tuổi, để lại nỗi đau, sự mất mát quá lớn cho gia đình và bạn bè, đồng nghiệp.

Anh thực sự là tấm gương cho đồng nghiệp, tấm gương đó là lòng yêu nghề, có trách nhiệm với nghề, bám sát sự kiện, đến tận hiện trường, chấp nhận gian khổ và cả hy sinh để có những dòng tin nóng nhất gửi đến bạn đọc.

Và thời gian giãn cách Covid-19 vừa qua, áp lực tin bài, nguy cơ phơi nhiễm lúc nào cũng thường trực, nhưng bản năng nghề nghiệp, mong muốn có được tin tức mới nhất, hữu ích nhất, tường minh những lo lắng của dư luận xã hội đã luôn thôi thúc người làm báo xông pha vào những “điểm nóng”.

Sau khi một số tòa soạn báo dừng việc phát hành báo in do liên quan đến những trường hợp phóng viên, biên tập viên được xác định là ca nghi ngờ hoặc dương tính với SarsCoV-2, câu chuyện an toàn tác nghiệp của giới truyền thông, báo chí được đặc biệt quan tâm.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Cao Cường phân tích, mỗi khi xảy ra sự kiện đặc biệt, như thiên tai, nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân là rất lớn. Khi đó, người làm báo sẽ có vai trò như một chiến sĩ trên mặt trận thông tin, với nhiệm vụ cung cấp thông tin một cách chính xác và nhanh nhất. Tuy nhiên, quá trình thu thập thông tin như thế nào là điều mà các phóng viên, nhà báo cần cân nhắc trước khi thực hiện để vừa có được thông tin cần thiết, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

“Có những phóng viên trốn vào khu vực cách ly hoặc bằng cách nào đấy để thỏa thuận vào được khu vực cách ly. Cũng rất may mắn rằng những phóng viên đó không bị làm sao cả. Điều này cho thấy nghề phóng viên là một nghề rất nguy hiểm. Điều quan trọng nhất chính là phóng viên phải là người hiểu nhiều nhất về tình hình dịch bệnh, khả năng lây nhiễm và các con đường lây nhiễm để họ chứ không phải là ai khác phải quyết định được mình phải làm gì, ở trong điều kiện như thế nào”.

Có thể nói, như Thiếu tướng - Nhà văn Nguyễn Hồng Thái từng chia sẻ trong những ngày báo chí cách mạng Việt Nam, người làm báo chỉ đơn giản xông pha vì trách nhiệm nghề nghiệp, vì lòng trắc ẩn mà thôi: “Suy ra nghề báo cũng thế thôi.

Khi điều tra, phản ánh, đấu tranh về sự kiện báo chí chính đáng, kết quả thắng lợi trong sự bảo vệ của pháp luật, bảo vệ lẽ phải, nếu được tặng một phần thưởng nào đó, đón nhận giữa thanh thiên bạch nhật như giải báo chí quốc gia, hay đơn giản chỉ là lời cảm ơn từ sâu thẳm đáy lòng của một người dân nghèo, đó há không phải là niềm vinh quang sao?”…

Đọc thêm