Cháy nhà, ra... đủ thứ

(PLO) - Như vậy là thảm họa không ai mong muốn, không ai ngờ đã xảy ra. 13 con người đã vĩnh viễn ra đi trong vụ cháy quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vụ cháy này có thể nói là một trong những vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Hiện trường vụ cháy đường Trần Thái Tông
Hiện trường vụ cháy đường Trần Thái Tông

Vì tính chất nghiêm trọng, ngày 2/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải “ra tay”, có Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Thực tế là công tác PCCC hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Thời gian qua, vẫn xảy ra một số vụ cháy lớn tại khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, chợ, nhà dân..., gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của nhân dân.

Theo  Báo Pháp luật Việt Nam, số ra thứ Năm ngày 3/11/2016, cũng ngay trong ngày 2/11, C66 Bộ Công an đã có công điện yêu cầu công an các tỉnh, thành phố “tổng kiểm tra các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, nhất là các cơ sở có nguy cơ cháy nổ” cao . 

Cũng phải hoan nghênh động thái này. Nhưng cứ buồn, buồn. Bởi Việt Nam ta vẫn cứ “mất bò mới lo làm chuồng”.

Trở lại vụ cháy quán karaoke tại số 68 Trần Thái Tông (Hà Nội), đã là người kinh doanh, bản thân chủ karaoke bắt buộc phải biết và chấp hành tất cả điều kiện được pháp luật quy định liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình, trong đó có điều kiện an toàn PCCC. Như trong trường hợp này, tự động chủ cơ sở phải hiểu là không được phép hoạt động chứ không cần phải chờ cơ quan chức năng cấm thì mới dừng. Ngoài vấn đề chấp hành luật pháp thì điều này còn vì chính quyền lợi, sự an toàn của họ và khách hàng. Nhiều người có thể lập luận cứ thực hiện theo pháp luật thì mất thời gian và thiếu gì “đường tắt”. Nhưng một khi tai họa xảy ra, không còn gì có thể cứu vãn.

Đáng tiếc, vì lợi nhuận, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự “ăn cắp” quy trình, cắt xén hạng mục đầu tư. Ví dụ, các chủ đầu tư chung cư bao giờ cũng “cắt xén” hạng mục PCCC; các nhà máy bao giờ cũng tìm cách trốn tránh việc đầu tư xử lý chất thải… Tư duy phổ biến vẫn là sợ cơ quan công quyền nhưng không sợ luật, sẵn sang bất chấp  nguy hiểm. Về phía chính quyền thì “buông lỏng”, “kiểm tra chiếu lệ”, thậm chí kiểm tra chỉ để nhận “phong bì” và cho qua. 

Chỉ khi nào cả hai phía, cơ quan công quyền lẫn công dân, khi quan hệ với nhau đều phải dựa trên một nền tảng duy nhất là luật pháp thì xã hội mới bình an và phát triển bền vững.

Tất cả đều tham, cháy nhà ra nhiều cái…tham, nhiều phía!

Đọc thêm