Chết vì lá ngón - nốt nhạc lặng giữa núi rừng

(PLVN) - Lá ngón đưa người muốn tìm đến cái chết về trời, để lại bao nỗi đau cho người thân và nỗi rắc rối cho xã hội vì những nghi kỵ, ám ảnh…
BĐBP Nghệ An phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân về tác hại của cây lá ngón.
BĐBP Nghệ An phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân về tác hại của cây lá ngón.

“Mong nó ở phía sau núi kia không oán hận”

Đó là nỗi lòng của ông Vừ Chờ Xồng người dân tộc Mông ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Con trai của ông Xồng là Vừ Bá Dênh đã chết ở tuổi 14 vì lá ngón, chết để phản đối việc cha mẹ cấm mình lấy vợ hai. 

Mùa xuân năm 2016, 14 tuổi, Dênh bỏ học, theo đám trai bản bạn vượt nhiều con suối, khe nước, ngọn núi cao để đi tìm người yêu. Tiếng sáo mùa xuân, những cuộc đánh pao đã thôi thúc trai gái tìm đến với nhau. Trong đám bạn chơi, Dênh để ý Già Y Xía sinh năm 2000.

Yêu tiếng sáo, tiếng khèn của Dênh, Xía đã chấp thuận để Dênh bắt mình về làm vợ. Thấy con dắt vợ về đòi cưới, ông Xồng bực lắm, nhưng vừa tỏ ý phản đối, con đã dọa ăn lá ngón tự tử nên, ông Xồng và vợ đành đồng ý để chúng làm đám cưới.

Theo tục lệ của người Mông, dù chưa đến tuổi đăng ký kết hôn, nhưng đám cưới của Dênh và Xía vẫn đủ trâu, lợn linh đình. Sau đám cưới, theo chồng, Xía để lại sách vở, đeo gùi vào người lên nương sống cuộc đời làm dâu, còn Dênh lại tiếp tục ôm khèn đi rong chơi cùng chúng bạn.

Một trong những lần rong chơi ấy, Dênh gặp Dà Y Trà, cũng như Xía, Trà đắm say tiếng sáo, tiếng khèn của Dênh, nên trốn nhà đi theo Dênh về làm vợ. Còn Dênh, nghĩ đơn giản như lần trước chỉ cần gọi điện về cha mẹ sẽ tổ chức đám cưới, nên trên đường về nhà mình, Dênh gọi điện thoại về cho báo mình sẽ tiếp tục lấy vợ hai. Nghe điện thoại của con, vợ chồng ông Xồng không đồng ý. 

Lá ngón vùng cao, nỗi ám ảnh những cái chết “lãng xẹt”. Ảnh minh họa.
 Lá ngón vùng cao, nỗi ám ảnh những cái chết “lãng xẹt”.  Ảnh minh họa.

“Dênh nói đã tìm được người yêu rồi và đang trên đường về nhà để tổ chức đám cưới. Nhà ta không còn trâu bò, lúa trên nương rẫy chưa cho cái ăn, Dênh lại đã có vợ nên vợ chồng ta không ưng. Tưởng nói thế rồi Dênh từ bỏ ý định thì khoảng 12 giờ trưa, chiếc xe máy chạy vào đến trước nhà rồi tắt lịm. Dênh gục luôn trên xe, người con gái ngồi sau cũng ngả về phía trước, bất tỉnh.

Dễ nhầm lẫn lá ngón với lá cây rau bồ ngót

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bay nguyên Trưởng bộ môn Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM độc tính của lá ngón là do các Alkaloids chứa trong toàn bộ cây. Mức độ độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Trong đó Alkaloid độc tính mạnh nhất là gelsenicine.

Loài cây này mọc hoang phổ biến và dễ tìm kiếm ở vùng rừng núi nước ta như ở Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, các tỉnh Tây Nguyên.

Dễ nhầm lẫn lá ngón với lá cây rau bồ ngót, hình dạng và màu sắc gần như nhau. Tuy nhiên nhìn chung lá bồ ngót có kích thước nhỏ hơn và thân thảo. Cây lá ngón có lá lớn hơn, thân leo. 

Để phân biệt với các loại rau ăn thông thường, người dùng cần phân biệt cây lá ngón bằng các đặc điểm nhận dạng thực vật học đặc trưng như: các thân cây bên ngoài thường có khía, từ đó mọc ra những cành non. Chúng liên tục cuốn chặt lấy bề mặt tiếp xúc và chuyển thành cành già. Các cành màu nâu xám này có chức năng như một giá đỡ cho cây phát triển.

Lá ngón mọc từ cành cây ra, có mép nguyên, màu xanh lá cây tươi và xanh thẫm, nhọn về phía đỉnh, bề mặt nhẵn bóng và không có lông. Chúng dài từ 6-12cm tuỳ vào tuổi thọ của cây.

Hoa cây lá ngón có hình phễu, màu vàng tươi, mùi rất thơm. Quả là dạng quả nang (giống như quả hạch, quả bế) màu nâu, kích thước khoảng 1cm, hạt nhỏ và nhẹ.

Biết chuyện không lành, cả bản cùng đưa lên trạm y tế xã cấp cứu nhưng Dênh không qua khỏi còn Trà được cứu sống. Con chết rồi, lắm khi ta cứ nghĩ giá ngày ấy vợ chồng ta tặc lưỡi cho qua, đồng ý với nguyện vọng cưới thêm vợ của nó thì chắc nó vẫn sống. Không biết ở phía bên kia ngọn núi xa, liệu thằng Dênh có còn oán hận vợ chồng ta vì đã không cưới thêm vợ cho nó không” – người cha đau khổ luôn dằn vặt mình như vậy. 

Dênh chết, Mai được cấp cứu kịp thời, trở về với gia đình tiếp tục đi học rồi lấy chồng, Xía cũng về với cha mẹ ở huyện bên. Chỉ còn lại hai vợ chồng ông Xồng trong căn nhà vắng vẻ cùng món nợ đám ma vì theo phong tục người Mông, ông mời thầy về nhà cúng 2 ngày 2 đêm, mổ 1 con bò, 2 con lợn để dân làng đến ăn phục vụ lễ cho người chết. Số tiền sắm lễ ấy phải vài mùa rẫy mới trả đủ…

“Con ta không tự tử, con ta bị đánh chết”

Trong lá đơn gửi đến Công an tỉnh Điện Biên, gia đình của nạn nhân Giàng Thị Sế luôn khẳng định như thế. Trong vòng 2 năm, Công an tỉnh Điện Biên đã trả lời không biết bao nhiêu đơn thư cho gia đình và thậm chí phải tổ chức buổi hội thảo diễn ra trong 2 ngày để làm rõ nguyên nhân cái chết của Giàng Thị Sế.

Tháng 12/2004, tại huyện Mường Chà, có một người phụ nữ 20 tuổi tên là Giàng Thị Sế, chết tại gia đình nhà chồng. CQĐT khám nghiệm thi thể nạn nhân, thấy không có dấu vết tác động ngoại lực. Các biểu hiện bên trong phủ tạng nạn nhân, bằng kinh nghiệm mắt thường có thể khẳng định nạn nhân chết do ăn phải lá ngón. Sau đó, nguyên nhân chết được xác định là cô Sế đã tự tử bằng lá ngón.

Không lâu sau, cha mẹ đẻ Sế phát đơn tố giác gia đình nhà chồng Sế đã cùng nhau giết hại Sế rất dã man. Theo gia đình nạn nhân, con họ bị bóp cổ, bị đánh gãy cổ dẫn đến tử vong.

Trong vòng 2 năm, Công an tỉnh Điện Biên đã trả lời không biết bao nhiêu đơn thư cho gia đình và ngày 17/7/2006, Thượng tá Nguyễn Đình Du, Trưởng phòng CSĐT TP về TTXH, Công an tỉnh Điện Biên phải đứng ra chủ trì cuộc hội thảo nhằm làm rõ nguyên nhân cái chết của Giàng Thị Sế với sự tham gia của 10 ban ngành hữu quan, họ tiến hành xem xét trên cơ sở khoa học, đúng quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Cường – Giám định viên pháp y của tỉnh Điện Biên, là người trực tiếp khám nghiệm tử thi Giàng Thị Sế ngay tại hiện trường nhận định, khi chết, cô Sế đang trong giai đoạn cho con bú, chết trong lúc đói nên dạ dày không có thức ăn. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ cần một lượng độc tố rất nhỏ của lá ngón, cũng có thể gây tử vong tức thì.

Lúc khám nghiệm tử thi, có tìm thấy rất ít chất lá rau màu xanh ở trong dạ dày (nghi là lá ngón). Thêm vào đó, tất cả các biểu hiện về cái chết của nạn nhân như: “dịch bọt ở mũi có màu trắng giống như triệu chứng ngộ độc lá ngón; nếu bị giết do tác động cơ học, hoặc bị ngạt thì dịch bọt ở mũi phải có màu hồng...”.

Kết thúc cuộc hội thảo hy hữu này, cả gia đình nạn nhân Giàng Thị Sế, cùng những cán bộ ở bản, ở xã ra về trong mãn nguyện. Họ đã bắt tay các cán bộ điều tra vụ án và bảo: “Cái cán bộ làm như thế này, thì ta ưng cái bụng rồi...”.

“Cuộc chiến” loại bỏ thứ cây chết chóc

Đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành miền núi cùng sự nỗ lực của chính quyền, nhưng xem ra để chấm dứt được các vụ tự tử bằng lá ngón thì thay đổi nhận thức mới là điều quan trọng. 

Đơn cử như huyện Điện Biên Đông, Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (JIFF) đã có dự án “Nâng cao hiểu biết và năng lực thực thi pháp luật nhằm đẩy lùi nạn tự tử bằng lá ngón ở đồng bào dân tộc Mông huyện Điện Biên Đông”, chú trọng tới kỹ năng sống và đưa vào hương ước trong cộng đồng, đảm bảo hài hòa giữa luật tục và pháp luật, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, tình trạng tự tử bằng lá ngón vẫn diễn biến phức tạp.

Năm 2017, toàn huyện có 82 trường hợp tự tử bằng lá ngón, 27 trường hợp tử vong, đến năm 2019, toàn huyện xảy ra 109 vụ, trong đó số người chết chiếm gần 1 nửa. Trong 2 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 36 trường hợp tự tử bằng lá ngón, trong đó có 6 trường hợp tử vong. Các xã ghi nhận có nhiều ca tự tử bằng lá ngón nhất là: Pú Hồng, Phì Nhừ, Xa Dung, Háng Lìa, Keo Lôm, Noong U…

Tại huyện Điện Biên Đông, cây lá ngón mọc khắp núi đồi, xung quanh các thôn bản, thậm chí ngay sát nhà dân. Bởi vậy việc nhổ bỏ được hết cây lá ngón là điều gần như không thể. Điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức để người dân không còn coi nhẹ mạng sống của mình.

Ở Thanh Hóa, chính quyền xã Pù Nhi Mường Lát đến tận thôn, bản, từng nhà dân, trong đó đặc biệt nâng cao nhận thức cho thế hệ thanh niên. Một số địa phương trong huyện Tây Giang, Quảng Nam cũng đã có sáng kiến tổ chức cho nhân dân triệt phá cây lá ngón bằng một số biện pháp như: mua lại rễ với giá 10-20 ngàn đồng/kg, kêu gọi thanh niên, học sinh vào cuộc, nhưng tình hình vẫn không nhiều biến chuyển…

Đọc thêm