Chỉ đạo khẩn về ứng phó lũ ở miền Trung, Tây Nguyên

Các cấp, ngành chức năng tại các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên cần kiểm tra, rà soát khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản...

Ảnh minh họa từ Internet.
Ảnh minh họa từ Internet.

Theo bản tin lúc 9h30 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực bắc Tây Nguyên đang lên.

Trong 3-6 giờ tới, lũ trên sông Kỳ Lộ, sông Dinh có khả năng đạt đỉnh. Sông Kỳ Lộ (Phú Yên) tại Hà Bằng ở mức 9,6m, trên Báo động (BĐ) 3 0,1m; Sông Dinh (Khánh Hòa) tại Ninh Hòa ở mức 6,0m, trên BĐ3 0,5m;

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực bắc Tây Nguyên tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi sẽ lên lại. Mực nước sông Kôn (Bình Định) tại Thạch Hòa lên mức 7,0m, ở mức BĐ2; sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng ở mức 9,0m, dưới BĐ3 0,5m; sông Dinh tại Ninh Hòa ở mức 5,3m, dưới BĐ3 0,2m; sông Trà Khúc tại Trà Khúc ở mức 5,2m, trên BĐ2 0,2m; sông Vệ tại Sông Vệ ở mức 4,0m, trên BĐ2 0,5m; các sông khác lên mức BĐ1 - BĐ2.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đồng thời dự báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, đặc biệt ở các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành và Phú Ninh (Quảng Nam); Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Đức Phổ, Nghĩa Hành và Ba Tơ (Quảng Ngãi); An Lão, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh (Bình Định); Đồng Xuân, Tuy An, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa và Đông Hòa (Phú Yên); Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Vĩnh, Diên Khánh và Khánh Sơn (Khánh Hòa).

Ngoài ra, từ ngày 3-8/11 trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên khả năng cao tiếp tục xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trong đợt lũ này.

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố, Bộ, ngành chỉ đạo các cấp, ngành chức năng các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận và Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.

Kiểm tra, rà soát khu vực trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và các địa bàn thường xuyên bị lũ chia cắt, chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn.

Khẩn trương thu hoạch các diện tích lúa đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

Các Bộ, ngành theo chức năng được giao, chỉ đạo sẵn sàng ứng phó với mưa lũ; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Đọc thêm