Chí sĩ yêu nước lập đạo kinh doanh cho doanh nhân Việt

(PLO) -Đời cụ Cử Can không chỉ dành tâm sức cho nghiệp giáo dục với bao hoài bão cụ gửi nơi Đông Kinh Nghĩa Thục, mà song hành với con đường “khai dân chí” ấy, cụ còn được giới thương gia nước Việt mãi ngưỡng vọng bởi những bước “khai đường, mở lối” cho doanh thương. 
Đám tang cụ Lương Văn Can tại Hà Nội, năm 1927
Đám tang cụ Lương Văn Can tại Hà Nội, năm 1927

Trong thời gian hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài kinh phí được nhiều hội viên tự nguyện cung hiến, thì những chí sĩ yêu nước cũng tìm cách vận động sinh lợi để duy trì hoạt động của trường cũng như phong trào Duy Tân.

Thế nên như biên khảo của Sơn Nam trong “Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam” cho hay “Vấn đề mở mang công thương nghiệp lại đặt ra cấp bách, trước hết là kiếm tiền để trang trải bao nhiêu chi phí của Đông Kinh Nghĩa Thục, sau là giúp vào quỹ bí mật, ủng hộ các học sinh Đông Du”. 

Đoạn cuối Đông Kinh Nghĩa Thục

Hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục lan tỏa rộng rãi, làm cho nhà cầm quyền thực sự lo ngại và tìm cách đóng cửa trường. Sách “Cận đại Việt sử diễn ca” viết:

Thực dân Pháp chẳng an tâm,

Lịnh truyền đóng cửa, giam cầm tội tha. 

Hiểu theo hoàn cảnh lịch sử bấy giờ, điều này không lạ, bởi như sách “Lịch sử Việt Nam từ Tự Đức đến Bảo Đại” cho hay, với “khẩu hiệu: “ngô bất thành, vọng chi ngô tử, ngô tử bất thành vọng chi ngô tôn, ngô tôn bất thành vọng chi ngô tôn chi tử” (ta làm không thành, trông vào con ta; con ta làm không thành, trông vào cháu ta; cháu ta làm không thành, trông vào con của cháu ta)”, những nhà sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục đã có một chủ trương đấu tranh bền bỉ, lâu dài và có sức lan tỏa rộng lớn.

Cũng sách trên cho biết, Đông Kinh Nghĩa Thục không chỉ hiện diện ở Hà Nội, mà còn có chi nhánh ở Nam Kỳ do cụ Nguyễn An Khương (cha nhà yêu nước Nguyễn An Ninh) tổ chức tại Chợ Cũ, ở Trung Kỳ do cụ Cử Bình điều khiển tại Nghệ An. Thế nên, thực dân Pháp sớm tìm cách dập tắt “cái lò phản loạn” đang lớn này. 

Dẫu tồn tại không được lâu, nhưng với những gì đã làm được, Đông Kinh Nghĩa Thục xứng đáng có mặt trong sử đất Việt với công lao như “Cận đại Việt sử diễn ca” tán tụng:

Phong trào giáo dục bình dân,

Dẫu tan, nước trải canh tân bước dài. 

Một điểm đáng lưu ý là trong chương trình học của Đông Kinh Nghĩa Thục, thể hiện rõ sự ủng hộ đối với thương nghiệp. Trong nghiên cứu “Lương Văn Can, người kế tục tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục trong kinh doanh”, nhà nghiên cứu Lý Tùng Hiếu thấy rằng “riêng về kinh tế, chủ trương của Đông Kinh Nghĩa Thục là kêu gọi quốc dân chấn hưng thực nghiệp, bỏ vốn mở mang công nghệ, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp và khai mỏ…”. 

Đồng hành với Đông Kinh Nghĩa Thục, để có nguồn tài chính duy trì hoạt động, nhiều thành viên của trường lập các hiệu buôn như Đồng Tế Lợi, Tụy Phương, Hồng Tân Hưng… ở Hà Nội, nhiều hội kinh doanh khác được lập ở Hưng Yên, Việt Trì… Thế nên cụ Nguyễn Quyền mới có thơ khích lệ rằng:

…Rủ nhau một họ Hồng Bàng,

Hồng Tân Hưng mở ngôi hàng buôn chung.

Đồ Nam hóa bách công, kỹ xảo,

Khách Bắc Hà thập hiệu vãng lai… 

Và, dù Đông Kinh Nghĩa Thục tuổi đời ngắn ngủi, hoài bão chấn hưng sự học mới chỉ mọc được mầm xanh, nhưng cụ Cử Can vẫn “vững gan, bền chí”, thực hiện một cuộc đổi mới khác trên địa hạt kinh tế. 

Chân dung Lương Văn Can
Chân dung Lương Văn Can

Nhà buôn họ Lương

Dù cụ Cử Can làm giáo dục, nhưng như trong “Lương Văn Can, xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt”, thì dạo dạy học ở nhà, nơi gác nhà số 4 Hàng Đào là lớp học, còn phía dưới, chính là tiệm vải của bà Cử Can: “Hàng ngày, bà Cử và hai cô con gái thay phiên nhau bán hàng”… “Các cửa hàng của bà và con cái buôn bán rất phát đạt, tạo được niềm tin cho dân chúng Hà thành vì chủ nhân biết giữ chữ tín trong kinh doanh”.

Cũng bởi gia đình đã kinh qua nghề buôn bán, lại sống giữa Hà Nội 36 phố phường người buôn kẻ bán tấp nập, nghiệp doanh thương ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình, nên cụ Cử Can từ lâu đã đúc rút được từ thực tế những kinh nghiệm của kinh doanh vừa để mưu sinh, mà cũng là lợi khí góp phần xây dựng nội lực quốc dân.

Cũng từ đó mà dù xuất thân khoa cử truyền thống xem đây là nghề mạt hạng trong bậc thang nghề nghiệp “sĩ, nông, công, thương”, nhưng cụ Cử Can lại thức thời bỏ lề lối cũ, ủng hộ việc doanh thương cả ngay khi làm giáo dục. 

Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, cụ Cử Can chịu án 8 năm lưu đày sang Nam Vang (Phnôm Pênh). Chính trong thời gian này, họ Lương lại bén duyên với nghề buôn lắm lắm, như “Đông Pháp thời báo” ngày 24/6/1927 ghi lại:

“Ấy, đương trong vòng đầy ải đó, không còn cách sanh kế gì nữa, cụ mới lập nhà buôn, ở Côn Nôn (thực ra cụ Can không bị đày ra Côn Đảo – Người dẫn chú) buôn đồi mồi, các đồ vật, về Cao Man lại buôn lụa, buôn các vật dụng, làm thuốc, thế là cụ đã mở đường cho nhiều người Việt Nam trước kia sợ Cao Man “ma thiêng nước độc” bây giờ bắt chước sang buôn bán, sau này trở nên rất giàu có. Coi đó thì biết công của cụ không riêng ở phần gốc, mà có cả ở phần ngọn, không riêng ở chánh giới, mà có cả ở thương giới nữa”. 

Khi bị phát vãng sang đất Cao Miên, cụ Cử Can đem theo người con trai út. Không chịu bó gối chịu cảnh bị giam lỏng nơi đất người, nhận thấy đất Nam Vang là một thị trường tiềm năng, Cử Can liền thiết lập đường dây buôn bán xuyên biên giới Việt-Miên, lập nên ba cửa hiệu ở nơi này và liên lạc cung-cầu với hiệu buôn của vợ nơi quê nhà, cũng như với nhiều nhà buôn Sài Gòn.

Việc làm này được nghiên cứu “Lương Văn Can, người kế tục tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục trong kinh doanh” nhận xét “Đó có thể nói là một thứ “công ty xuất nhập khẩu” đầu tiên mà thương nhân người Việt thành lập trong lịch sử”. Và chính bước tiên phong của nhà yêu nước, thương gia Lương Văn Can, đã góp phần mở đường cho giới thương nhân người Việt tiếp bước đi theo. 

Lập đạo doanh tài

Không chỉ xông pha thương trường làm kinh tế, cao cả hơn, cái đạo kinh doanh được cụ đúc kết cho đời sau từ thực tiễn mà nâng lên thành lý luận qua hai tác phẩm “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” được viết sau khi về nước. 

Sách “Thương học phương châm” đã khái quát hiện tình yếu kém của nền thương mại nước nhà, chỉ rõ những nguyên nhân của thực trạng đó và chỉ ra giải pháp “thực nghiệp” để khắc phục. Ở đây, cụ Cử Can đã bắt bệnh cho thương nghiệp nước Việt buổi đầu thế kỷ XX, cũng như kể toa, bốc thuốc để chữa bệnh. Một việc mà không dễ gì những bậc thức giả Việt Nam đầu thế kỷ XX có thể làm được. Bởi cụ thấy “các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”. 

Trong khi đó, sách “Kim cổ cách ngôn” rút ra từ kinh nghiệm bản thân, cùng căn cứ vào văn hóa nước nhà mà chỉ ra những thói hư, tật xấu trong nghề buôn bán, kêu gọi đạo đức của nghề và trách nhiệm của thương buôn đối với quốc gia, dân tộc: “”Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực.

Sách Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can
Sách Kim cổ cách ngôn của Lương Văn Can

Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm”... “Xét kỹ ra, người ta giàu hay nghèo là ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đây cũng là phép thuật kinh doanh vậy”.

Những nội dung được Lương Văn Can đúc rút trong “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn” như kim chỉ nam định hướng cho giới thương nhân nước Việt. Và dẫu ngày nay đã khác xưa rất nhiều, nhưng những tư tưởng kinh doanh của cụ, vẫn là nền móng cho kẻ hậu thế soi rọi mà học theo được. 

Bởi những cống hiến hết mình cho dân, cho nước, nên khi cụ Lương mất, báo chí rầm rộ đưa tin tỏ bày sự tiếc thương, ngưỡng mộ. Trên “Đông Pháp thời báo” ngày 24/6/1927 có bài thơ “Cảm tình anh em lao động đối với cụ Cử Lương Văn Can”. Trong đó, có những câu đượm tình cảm:

Thương nhà chí sĩ công lao,

Vì dân vì nước tiêu hao một đời.

… Cha con hết sức hô hào,

Rung chuông thức tỉnh đồng bào ngủ mê.

Riêng với giới doanh thương nước Việt dạo ấy, đã rất trọng công lao của cụ đối với đường buôn bán, nên trong bài “Thương giới Việt Nam đối với lễ truy điệu Lương chí sĩ” cũng đăng ở số báo trên, tác giả Trần Chi Cổ viết: “Vậy trong nhà buôn ta, đối với Lương tiên sinh, không những kính mến cụ về lòng yêu nước thương nòi của cụ mà còn phải biết ơn cụ đã chỉ đường cho ta đi buôn bán tại các xứ xa xôi”...

Đọc thêm