Chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để Tết không “cháy túi”

(PLO) -Chi tiêu cho mùa Tết luôn là bài toán khiến rất nhiều gia đình phải đau đầu. Phải làm sao chi tiêu Tết một cách hợp lý nhất, để cả nhà vẫn đón một cái Tết thật dư giả nhưng không quá tốn kém mà vẫn vừa với túi tiền.
Lên kế hoạch chi tiêu ngày tết
Lên kế hoạch chi tiêu ngày tết

Lên kế hoạch chi tiêu

Trước tiên, muốn chi tiêu tiết kiệm thì nhất định bạn phải lên một bản kế hoạch thật chi tiết và cụ thể. Mua cái gì? Mua ở đâu? Mua bao nhiêu là đủ? Thời gian đi mua?... sẽ giúp cho việc sắm Tết của bạn trở nên thuận lợi và dễ kiểm soát hơn, tránh được việc “vung tay quá trán”, mua hàng theo ngẫu hứng khiến tiền trong túi bạn cứ “đội nón ra đi”.

Trong quá trình mua sắm, các mẹ có thể thêm hoặc bớt những món đồ trong danh sách. Ngoài ra, cũng nên dựa trên số tiền mình có để điều chỉnh bảng danh sách chi tiêu Tết một cách hợp lý nhất.

Mua đồ ở quê

Tết rất cần những loại thực phẩm từ rau, cá, thịt, tôm, trứng... Các bà nội trợ luôn băn khoăn phải làm thế nào để lựa chọn ra những loại thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng và giá cả hợp lý. Hiện nay, trên thị trường nguồn thực phẩm sạch cũng khiến nhiều gia đình lo lắng.

Do đó, cách tốt nhất và tiết kiệm nhất là hãy tự tạo cho mình một khoảng trống để trồng những loại rau cần thiết cho mùa Tết. Những gia đình có người thân ở thôn quê có thể nhờ để mua được nguồn thực phẩm sạch và chắc chắn giá sẽ rẻ hơn rất nhiều so với việc mua ở thành phố. Những gia đình sống ở thành phố lâu năm, ngoài việc tự trồng rau, những đồ tươi sống như thịt, gà, lợn, cá… hãy đến những địa chỉ bán đồ uy tín, chất lượng để tìm mua. 

Tuy nhiên, không phải vì ngon rẻ mà ham, các bà mẹ cũng nên mua đồ với số lượng vừa phải, đủ dùng bởi tích trữ quá nhiều thực phẩm trong nhiều ngày, nhất là đối với các loại rau xanh, trái cây... sẽ rất dễ dẫn đến thực phẩm khô héo, thối, hỏng, biến dạng, biến chất... Từ đó, việc thu nạp những loại thực phẩm đó vào cơ thể sẽ như chuốc họa vào thân.

Hiện nay các siêu thị và chợ đều mở cửa trở lại rất sớm khoảng mồng 2 tết. Lời khuyên dành cho bạn là không nên dự trữ quá nhiều đồ ăn, chỉ nên tính toán khẩu phần ăn dành cho gia đình trong 1-3 ngày là tối đa.

Sắm Tết sớm, săn đồ giảm giá

Ngoài những đồ ăn tươi sống không thể tích trữ lâu ngày. Có những loại đồ khô như bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, quà Tết, quần áo mới, đồ gia vị… các bà nội trợ có thể tính toán để mua trước và săn khuyến mại để mua.

Mua rải rác vừa có thể giúp các mẹ đỡ cảm thấy thâm hụt túi tiền, vừa tiết kiệm thời gian để sắp xếp công việc khác khi ngày tết đến gần, vừa không phải chịu cảnh chen lấn xô đẩy mà vẫn mua được hàng rẻ hàng ngon. 

Mua đồ tươi ngon, nguồn gốc xuất sứ rõ ràng
Mua đồ tươi ngon, nguồn gốc xuất sứ rõ ràng

Mua đồ cần thiết và đủ dùng 

Rất nhiều các bà nội trợ thường có tâm lý “thừa còn hơn thiếu”, do đó nên sắm rất nhiều đồ ăn, đồ uống, nhưng sau Tết lại bị thừa và phải vứt đi phí phạm vì không thể sử dụng được nữa. Đây là thực trạng mà rất nhiều gia đình mắc phải. Chính vì thế, các mẹ hãy đơn giản hóa vấn đề, phải luôn nhớ tiêu chí “bớt và giản tiện”. Chỉ mua những thứ cần thiết, không thêm, không mua quá nhiều. 

Một điều nữa cũng cần nên lưu ý. Hiện nay, có rất nhiều đồ được làm sẵn như giò lụa, giò xào, nem chua, bánh chưng, bắp bò muối, các loại bánh… các mẹ chỉ việc mua sẵn về để sử dụng thôi và rất tiết kiệm thời gian.

Nhưng những loại đồ bán sẵn này không chắc chắn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá thành cũng khá đắt đỏ. Do đó, nếu có thời gian, chị em nên tự tìm mua các nguyên liệu về làm, vừa tiết kiệm được 1 khoản tiền lớn, vừa tạo không khí đầm ấm cho gia đình đón và ăn Tết ngon hơn, an toàn hơn.

Với những cách chi tiêu tiết kiệm trong ngày tết mà vẫn đảm bảo đầy đủ những thứ cần thiết trên, các gia đình sẽ có một dịp Tết vui vẻ, an toàn và ý nghĩa nhất.

Đọc thêm