Chi tiêu thông thái và hạnh phúc gia đình

(PLO) -Ai cũng nghĩ  “một túp lều tranh, hai quả tim vàng” là chân lý của hạnh phúc gia đình nhưng điều đó chỉ là “ảo tưởng sức mạnh”. Vì ngoài tình yêu, trách nhiệm còn rất nhiều yếu tố khác chi phối hạnh phúc gia đình. Một trong những yếu tố quan trọng đó là tiền bạc. Bao nhiêu gia đình đổ vỡ, vợ chồng ly tán cũng vì một chữ tiền. Từ đó, mỗi người cần chọn cho mình những phương pháp chi tiêu thông minh để đừng đi vào “vết xe đổ”.
Chi tiêu thông thái và hạnh phúc gia đình

Nhiều “bi kịch” gia đình xuất phát từ tài chính

Nhiều bạn yêu nhau thắm thiết 6 – 7 năm rồi tiến tới hôn nhân. Trong đầu họ đã tưởng tượng ra một mái nhà hạnh phúc, vợ chồng con cái quây quần bên nhau nhưng thực tế cuộc sống không đơn giản như thế. Khi họ cưới nhau, thời gian đầu rất hạnh phúc, dần dần vòng xoáy “cơm áo gạo tiền” lại cuốn họ theo định luật tạo hoá. Một thời gian sau, gia đình hạnh phúc mà họ mơ ước chỉ còn sự chán nản và mệt mỏi.

Vòng xoáy bạc tiền đã làm họ mất đi hạnh phúc, mất đi tình yêu. Khi những đứa con chào đời thì khó khăn lại chồng chất khó khăn. Vợ chồng lại thường xuyên tranh cãi, đánh nhau. “Mười lần như một” chỉ xoay quanh một chữ tiền. Thế là họ đã chính thức “từ bỏ nhau” để những đứa con sống bơ vơ trơ trọi thiếu sự chăm sóc và tình thương của cha mẹ. 

Một gia đình tan vỡ không phải do họ không còn yêu nhau mà vòng xoáy cuộc đời, uy lực đồng tiền quá mãnh liệt đã che khuất và chi phối tình yêu của họ. Nếu họ có một kế hoạch cụ thể về chi tiêu và quản lý tài chính thì có thể hạnh phúc ấy đã được cứu vãn.

Theo thống kê, tỉ lệ ly hôn ở những cặp vợ chồng có cuộc sống chật vật cao hơn những cặp có cuộc sống no đủ. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xem ra tiền vẫn là nguyên nhân "nặng ký" nhất. Nếu gặp cuộc sống khó khăn mà vợ chồng không đủ niềm tin và tình yêu trao cho nhau thì rất dễ nảy sinh mâu thuẫn và lời qua tiếng lại. 

Khi nhắc đến tiền thì phải nói đến cách chi tiêu đúng cách. Tại sao 2 gia đình có hoàn cảnh như nhau, cùng làm một công việc như nhau nhưng một gia đình lại có của ăn của để, nhà cửa khang trang. Gia đình còn lại thì lâm vào cảnh nợ nần túng thiếu. Mọi việc cũng do cách thức chi tiêu mà ra. Có rất nhiều gia đình ngạc nhiên hỏi:  “Trong tháng tôi chẳng có chi tiêu, chẳng mua sắm gì đắt giá, chẳng chi tiêu gì nhiều nhưng tại sao mới giữa tháng đã hết tiền?”. Và gia đình của anh Nam là trường hợp tương tự. 

Hai vợ chồng anh Nam sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, chồng làm công nhân nếu tính tăng ca mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu, vợ anh thu nhập khoảng 5 triệu. Tính chi tiêu lặt vặt nhà trọ, điện nước, vợ chồng anh chẳng dám sắm sửa đồ đạc gì, ước tính mỗi tháng anh chị  dư khoảng 5 – 6 triệu đồng nhưng lúc nào vợ anh cũng than hết tiền, không đủ chi tiêu. Khi anh Nam hỏi vợ vì tiền anh giao hết cho vợ giữ thì chị nói:  “Em cũng không biết tại sao lại hết tiền thế nữa. Em chi tiêu tiết kiệm lắm mà”. 

Trường hợp khác, không tin vào khả năng chi tiêu của vợ, anh Ngọc không đồng ý đưa tiền cho vợ giữ và cả 2 xảy ra mâu thuẫn. Sau đó 2 vợ chồng tiến tới sống ly thân. Vấn đề tiền “không cánh mà bay” là thắc mắc của nhiều gia đình khi không biết cách quản lý chi tiêu của gia đình mình.

Giữ gìn hạnh phúc bằng bí quyết chi tiêu thông thái

Chi tiêu gắn liền với hạnh phúc gia đình. Từ đó đòi hỏi mỗi người, đặc biệt là chị em phụ nữ cần có biện pháp chi tiêu hợp lý, đúng đắn để trang trải, đảm bảo cuộc sống của gia đình và duy trì hạnh phúc ấm êm.

Trong chi tiêu, mỗi người cần thiết phải kiểm soát được trong tuần, trong tháng mình đã chi tiêu như thế nào? Như vậy đã hợp lý chưa? Và nó có nằm trong giới hạn cho phép của thu nhập gia đình hay không? Đồng thời, khi muốn mua sắm một vật dụng nào đó chúng ta cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng về mức độ cần thiết và chất lượng sản phẩm. 

Bà Nguyễn Thị Hai (65 tuổi, ở An Giang) cho biết, trong thời bao cấp điều kiện kinh tế rất khó khăn, nếu không biết cách lập sổ chi tiêu trong gia đình thì chắc chắn nhiều gia đình không thể tồn tại được. Nhờ biết cân đối chi tiêu, và cân nhắc kỹ lưỡng mà gia đình bà đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình chị Huỳnh Anh (Cần Thơ), tổng lương 2 vợ chồng khoảng 8 triệu đồng/ tháng, ở nhà trọ và lo cho 1 đứa con nhỏ đi học nhưng kinh tế gia đình vẫn ổn định thoải mái. “Mình sống nên biết thế nào là đủ, cái gì cần thiết thì mua, chứ không phải muốn mua cái gì là mua mặc dù nó không cần thiết. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ổn định hơn”, chị Huỳnh Anh chia sẻ.

 Với cuộc sống sau hôn nhân, thiếu thốn về tiền bạc rất dễ xảy ra, khi cuộc sống trở nên bế tắc, gia đình dễ bị đảo lộn, con người thường thay đổi cảm xúc thất thường. Vì vậy cần lập ngân quỹ chi tiêu chung, có thể là gửi tiền tiết kiệm, bỏ ống heo… để dành dụm, tiết kiệm ngân sách cho gia đình. Nếu có túng thiếu hay bế tắc, hãy xem đó như là một cách giải quyết hữu hiệu nhất để vượt qua những khó khăn….

Câu chuyện chi tiêu từ trước đến nay vẫn luôn là bài toán khó đối với bất kỳ gia đình nào và đặc biệt nó lại gắn với hạnh phúc gia đình. Vì vậy mỗi người, mỗi gia đình cần phải sáng suốt lựa chọn phương pháp chi tiêu phù hợp và thông minh nhất dành cho gia đình mình để ổn định cuộc sống sung túc, đầy đủ và duy trì hạnh phúc gia đình.

Đọc thêm