Chìa “cánh tay pháp lý” với phụ nữ di cư hồi hương

(PLVN) - Khi cuộc hôn nhân không được như mong muốn, những người phụ nữ lấy chồng nước ngoài trở về Việt Nam đang phải đối mặt với việc thiếu sự hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ.
Lớp ngoại ngữ cho phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc (ảnh minh họa).
Lớp ngoại ngữ cho phụ nữ Việt lấy chồng Hàn Quốc (ảnh minh họa).

Theo thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 18.000 công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó 72% là nữ và chủ yếu kết hôn với người Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc. 

Số liệu năm 2018 cũng cho thấy, phụ nữ Việt Nam chiếm tỉ lệ cao  nhất - 38% trong tổng số 16.608 cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài được thống kê ở Hàn Quốc. Với tỷ lệ ly hôn trung bình là 30%, các cô dâu Việt thuộc nhóm có tỷ lệ quốc tịch cao thứ hai khi cứ 10 cô dâu Việt lấy chồng Hàn thì có 3 người ly hôn, gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của khoảng hơn 400 trẻ em sinh ra từ các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài mỗi năm. 

Tan vỡ hôn nhân, khi trở về quê nhà, phần lớn những cô dâu Việt đó lại phải đối mặt với khó khăn trong quá trình tái hòa nhập, ba gồm thiếu cơ hội việc làm, các lựa chọn sinh kế cũng nhưng gặp phải những định kiến và kỳ thị xã hội.

Một vấn đề quan trọng nữa ảnh hưởng đến quá trình tái hòa nhập mà phụ nữ di cư hồi hương gặp phải là sự hạn chế trong trong việc hỗ trợ pháp lý để hợp pháp hóa ly hôn và tư cách pháp lý cho những người con được sinh ra ở nước ngoài của họ. 

Thống kê của Tổ chức Di cư quốc tế công bố tại lễ khởi động dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam” diễn ra ngày 6/3 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp thực hiện, cho thấy cứ 3 phụ nữ di cư hồi hương thì có 2 người chưa hoàn thành các thủ tục ly hôn chính thức tại hai nước do thiếu thông tin, chi phí cao và các thủ tục, quy trình phức tạp tại hai nước.

Kéo theo đó, 46% con của phụ nữ di cư hồi hương chưa được cấp giấy khai sinh hoặc tình trạng quốc tịch hoặc tình trạng quốc tịch vẫn chưa xác định; 70% con của phụ nữ di cư hồi hương không đăng ký lưu trú và không biết tình trạng cư trú theo pháp lý ra sao… 

Một đám cưới tập thể gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc
Một đám cưới tập thể gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc  

Theo bà Đặng Thúy Hạnh – chuyên gia của IOM - thì việc không có các tài liệu pháp lý ngăn cản con cái họ tiếp cận các dịch vụ giáo dục, y tế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của chính bản thân phụ nữ hồi hương cũng như con của họ. Qua đó cũng có thể thấy sự vắng mặt của văn phòng một điểm đến để phụ nữ di cư hồi hương tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn trước, trong và đặc biệt là sau khi kết hôn. 

Từ thực trạng này, dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và gia đình của họ tại Việt Nam” sẽ chính thức được thực hiện trong 30 tháng, kết thúc vào năm 2021 tại 5 địa bàn Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Cần Thơ và Hậu Giang, với tổng ngân sách dự án là 1 triệu đô la Mỹ. 

Mục tiêu hướng tới của dự án là cải thiện môi trường hỗ trợ chính sách và nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề liên quan đến phụ nữ di cư hồi hương từ Hàn Quốc; Xây dựng một nghiên cứu ban đầu và đưa ra khuyến nghị về các chương trình phát triển và chính sách trong tương lai; Tăng cường năng lực kỹ thuật cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để thành lập các Văn phòng hỗ trợ một điểm đến; Tư vấn và hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương thông qua việc thiết lập và vận hành thí điểm các Văn phòng hỗ trợ một điểm dừng tại năm địa điểm của dự án.

Lý giải về sự tham gia của Hội LHPN Việt Nam vào dự án, bà Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết: “Phụ nữ di cư thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề pháp lý, cơ hội việc làm và những vấn đề liên quan đến con của họ. Đó là lý do tại sao, chúng tôi với tư cách là một tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam quyết định hợp tác với IOM để thực hiện dự án quan trọng này”.

Đọc thêm