'Chìa khoá' đóng cửa' bạo lực với phụ nữ và trẻ em

(PLO) - Bình đẳng giới để chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em là một trong những thông điệp của Lễ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018” diễn ra ngày 14/11 do Bộ LĐTB&XH phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức.
Đại diện của các sở, ban, ngành TP Cần Thơ kí kết hưởng ứng Tháng hành động.
Đại diện của các sở, ban, ngành TP Cần Thơ kí kết hưởng ứng Tháng hành động.

Với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, Tháng hành động nhằm tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ và phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em, người làm công tác bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Nam giới và người dân ở cộng đồng phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, các cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi quan niệm truyền thống, định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Hơn hết bản thân phụ nữ và trẻ em phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật vì bình đẳng giới, tập trung cải thiện cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, doanh nghiệp… hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ và trẻ em nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực, xâm hại. 

Tại buổi lễ, các sở, ban, ngành TP Cần Thơ đã kí kết hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018” và trao 2 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, trao hàng chục phần quà cho phụ nữ và trẻ em nghèo. 

Trước đó, hướng đến Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới, ngày 13/11, tại TP HCM, Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) phối hợp cùng Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên Hợp quốc (UNAIDS) tổ chức Hội thảo tập huấn về phòng chống HIV/AIDS với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình cùng thay đổi nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức của báo giới và nghệ sỹ về “bình đẳng giới, chấm dứt bạo lực phụ nữ và trẻ em gái”.

BS Đỗ Hữu Thủy – Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết, hiện nay Việt Nam đang triển khai Chiến lược Quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với mục tiêu về một sự can thiệp toàn diện, tiếp cận, phổ cập, nâng cao chất lượng và sự bền vững của công tác phòng chống HIV/AIDS, hướng đến 3 mục tiêu cụ thể 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định).

Tuy nhiên trên thực tế hiện nay những mục tiêu trên đều thiếu từ 15 đến 30%, đặc biệt là còn tỷ lệ cao số người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm của mình, từ đó ảnh hưởng đến quá trình điều trị. 

Trên thực tế, nhiều trường hợp nguy cơ nhiễm HIV cao nhưng không dám đi xét nghiệm hoặc đã xét nghiệm nhưng không điều trị vì sợ kỳ thị, phân biệt đối xử, bị gạt ra ngoài lề xã hội. Một số trường hợp khác gặp nhiều khó khăn, bị từ chối điều trị tại các cơ sở y tế… dẫn đến bỏ cuộc vì tự ti, mặc cảm.

Để giải quyết được tình trạng trên trước hết cần đảm bảo được các chính sách ngăn chặn kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm “H”, đồng thời phải bình thường hóa việc xét nghiệm HIV như một phương pháp kiểm tra sức khỏe, nhằm giúp người dân chủ động trong phòng ngừa và phát hiện, điều trị sớm, tránh lây lan trong cộng đồng” – BS Thủy lưu ý.  

Lâm Đồng triển khai Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS

UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, vừa chỉ đạo các ngành chức năng tại địa phương triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 từ nay đến ngày 10/12/2018 với chủ đề: “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”. 

Tính đến hết tháng 10/2018, toàn tỉnh có hơn 1.400 người nhiễm HIV tích lũy, trong đó có hơn 630 người còn sống. Chính quyền địa phương yêu cầu ngành Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng để tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm và ảnh hưởng của HIV/AIDS, tăng cường sự phối hợp của gia đình và xã hội với người nhiễm, thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng các dịch vụ dự phòng…

Phúc Ân

Đọc thêm