Chiếc đòn gánh tre trong tiềm thức Việt

(PLVN) - Đòn gánh, giản đơn dùng để gánh thì không có gì để bàn. Đòn gánh ở đâu cũng có, đòn làm bằng sắt, bằng gỗ… thì cũng chẳng có gì mà nói nốt, vì nó chỉ là một vật dụng thông thường như bao đồ dùng bình thường khác. Nhưng đòn gánh tre, một đồ vật “rặt” Việt Nam, duy chỉ của nền văn minh lúa nước xứ mình thì lại có quá nhiều thứ để luận đàm, nhất là những ý nghĩa tinh thần của nó.
Chiếc đòn gánh tre trong tiềm thức Việt

Hai vai gánh cả nước non

Tre hiện hữu trong những điều giản dị, chiếc đòn gánh trên vai đã trở thành một biểu tượng của người cần lao xứ mình, từ nông thôn tới đô thị. Và rõ nét nhất chính là sự tảo tần của các mẹ, các chị khi gồng gánh cả giang sơn trên mình. Mà giang sơn của mẹ giản đơn chính là gồng gánh gia đình mình rồi mới tới nước non.

Bởi thế trong âm nhạc của các tên tuổi nổi tiếng như Văn Cao, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng… đều khắc khoải hình ảnh mang vẻ đẹp trầm buồn này. Đòn gánh nó vừa là đức hy sinh, vừa là sự dẻo dai, vừa biểu tượng của sức chịu đựng. Nên khi tan tác, mất mát, đổ vỡ thì lại gắn với phản đề của nó. Gẫy gánh chữ không phải là gãy đòn hay gãy các thứ khác. Thành ngữ có câu “Giữa đường gãy gánh” là vậy.

Tôi hay nghe Thái Thanh hát “Hương ca vô tận” của Trầm Tử Thiêng trong nhạc phẩm viết thế này:

 “Hương ơi!

Sao tiếng hát em, nghe vẫn dạt dào, nghe vẫn ngọt ngào.

Dù em ca những lời yêu đương

hay chuyện tình gãy gánh giữa đường…”

Nhạc sỹ Phạm Duy thì nhiều lần sử dụng hình ảnh chiếc đòn gánh, như trong bài “Gánh lúa” có các ca từ: 

“Bóng người thấp thoáng cuối đường thanh vắng.

Bước đều mà quang gánh nặng vai…”

Trong nhạc phẩm “Vợ chồng quê”, Phạm Duy cũng đã chấm phá một dáng hình đất nước bằng hình ảnh chiếc đòn gánh đậm chất nông dân của dân tộc Việt: “Hỡi anh! Gánh gạo trên đường. Chàng ơi! Gạo Nam gạo Bắc. Đòn miền Trung gánh đừng để rơi. Chàng! Chàng ơi! Gánh đừng để rơi…”.

Vài nét chấm phá thế mới thấy chiếc đòn gánh tre nó có sức sống mãnh liệt thế nào trong đời sống văn hóa và cả kinh tế của người Việt Nam. Hà Thành hay Sài Thành giờ vẫn còn những gánh hàng rong. Hà Nội vẫn quang gánh mùa sang khi chiếc đòn gánh gánh cả mùa thu trong bước chân các mẹ đi bán cốm Vòng. Xa xưa thì những cuộc di dân, những thiên di của bao số phận, gia đình thì gồng gánh nó vẫn là đòn gánh tre trên vai.

Một trong những cuộc gánh gồng vĩ đại và xúc động đi bộ vượt hàng trăm cây số từ Nam Đàn vào Huế, chính là hành trình của thân mẫu Bác Hồ, bà Hoàng Thị Loan năm 1895. Khi thân phụ Bác Hồ, cụ Nguyễn Sinh Sắc đi thi ở Huế, bà Hoàng Thị Loan đã gửi con gái đầu lòng của mình là Nguyễn Thị Thanh ở lại Nghệ An và đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung cùng chồng vào Huế. Bà đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, bà vượt qua chặng đường dài vào Huế giữa những gian truân của địa hình và thời tiết khắc nghiệt. 

Giải mã bí ẩn khoa học từ chiếc đòn gánh tre

Chúng ta sẽ cùng lý giải một vấn đề khoa học hơn về chiếc đòn gánh tre trong phẩm chất dẻo dai của cây tre bên cạnh những hình tượng văn hóa như đã nói. Chiếc đòn gánh tre đã trở thành một câu chuyện với những phát hiện khoa học thú vị của một số học giả nước ngoài. Tại sao lại là đòn gánh tre Việt Nam? Tại sao người ta sử dụng nó một cách trung thành, xuyên thế kỷ, trở thành vật gánh vác truyền đời khó thể thay thế? Tất nhiên nếu vận chuyển bằng xe cộ thì lại là một câu chuyện khác… 

Chiếc đòn gánh tre có sức sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa và cả kinh tế của người Việt. Hà Thành hay Sài Thành giờ vẫn còn gánh hàng rong. Hà Nội vẫn quang gánh mùa sang khi đòn gánh gánh cả mùa thu trong bước chân các mẹ bán cốm làng Vòng.

Bí ẩn đầu tiên được khoa học phát hiện là khi mang vật nặng trên đòn gánh tre cho phép người đi bộ tiết kiệm tới 20% năng lượng so với dùng đòn gánh cứng. Phát hiện này đến từ nhóm nghiên cứu của James Croft, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Edith Cowan (Mỹ) cùng các cộng sự Đại học Calgary (Canada) và một số nhà nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên. Kết quả nghiên cứu này được công bố hồi tháng 1 năm 2020. 

Ban đầu các nhà nghiên cứu cho rằng, sự dẻo dai của chiếc đòn gánh tre cùng với độ cong của nó sẽ tiết kiệm sức và bảo vệ khớp cho người gánh. Nhưng giả thiết cần phải được chứng minh bằng các thực nghiệm khoa học.

Nhóm nghiên cứu tuyển 14 tình nguyện viên, trong độ tuổi từ 18 đến 80. Các tình nguyện viên được yêu cầu gánh đòn gánh đi bộ dọc theo con đường dài 20m, mang tải trọng từ 0% đến 50% trọng lượng cơ thể trên đòn gánh của họ. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã đo chuyển động của các tình nguyện viên bằng máy gia tốc kế đặt trên mắt cá chân, lưng và hai bên đòn gánh.

Các nhà khoa học đã phân tích chuyển động của các tình nguyện viên và nhận ra rằng, các tình nguyện viên đang điều chỉnh sải chân của mình 3,3% (0,067 bước/giây) khi mang một nửa trọng lượng cơ thể của họ trên đòn gánh. Và khi xây dựng một mô phỏng máy tính các nhà khoa học đã ước lượng những người đi bộ mang trọng lượng cơ thể của chính họ trên đòn gánh tre sẽ tiết kiệm gần 20% năng lượng so với việc sử dụng một đòn gánh cứng. 

Ngoài ra, đòn gánh tre uốn cong đã bảo vệ được vai của họ nhiều hơn, bằng cách giảm 18% lực tác dụng lên chúng khi vận chuyển một nửa trọng lượng cơ thể, và điều đó cho phép họ mang vác vật vô cùng nặng di chuyển hàng km.

Nhóm nghiên cứu cũng so sánh và kệt luận rằng: "Nếu bạn đeo một chiếc ba - lô, thì mỗi bước đi bạn phải tạo ra đủ lực để nhấc người mình lẫn chiếc ba - lô lên khỏi mặt đất. Nhưng chiếc đòn gánh bằng tre có tính đàn hồi nên nó nảy lên nảy xuống mỗi khi bạn bước đi. Lượng lực mà bạn phải tạo ra vì thế cũng thấp hơn, bạn lại đi được xa hơn mà không cảm thấy mệt mỏi".

Giữ lại hồn tre

Dù rằng, giờ ít ai vận chuyển hàng hóa bằng đòn gánh tre, nhưng vẫn còn đó những gánh gồng của các bà mẹ tảo tần từ các vùng quê tới đô thị. Những gánh rau, gánh lúa, những gánh hàng hoa, những gánh hàng rong... vẫn hiển hiện như một nét đẹp lao động dung dị giữa đời thường. Để hồn tre, hồn dân tộc và một chút hồn phố không lẫn vào đâu được trong lắng đọng đời thường. Và mãi mãi, chiếc đòn gánh tre Việt Nam vẫn chưa hết các sứ mệnh tinh thần trong hồn cốt văn hóa Việt Nam.

Đọc thêm