Chính sách chống tiêu cực trong thi Hội thời Lê - Trịnh

(PLO) - Sau khi Trung hưng đất nước, chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức lại các khoa thi, trong đó có 70 khoa thi Hội được tiến hành. Nhưng so với thời Lê sơ, thời Lê - Trịnh hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi Hội ngày càng nhiều với những biểu hiện khác nhau. Từ đó, chính quyền Lê - Trịnh đã đưa ra một số chính sách, biện pháp để ngăn ngừa, nhưng các hiện tượng tiêu cực vẫn tồn tại, đã làm giảm chất lượng thi cử thời Lê - Trịnh.
Nghe xướng danh người trúng tuyển kỳ thi.
Nghe xướng danh người trúng tuyển kỳ thi.

7 hiện tượng tiêu cực

Đối với chính quyền Lê - Trịnh, khoa cử là con đường cầu hiền tài phò vua giúp nước “con đường tìm người tài giỏi trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng, tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử”. 

Nhưng đối với các nhà Nho, kẻ sĩ đó chính là con đường lập thân “đương ở cảnh nhà tranh, vách đất bỗng dưng đứng vào tư thế khanh tướng, nhìn thấy trước bước đường vinh quang, lại ghi tên vào bia đá không mòn, kẻ sĩ như thế vinh hạnh biết bao”. 

Bởi vì lẽ đó nên các sĩ tử “dùi mài kinh sử” và đại bộ phận đỗ nhờ thực tài. Song trong số đó không ít kẻ “tranh khôi đoạt giáp” bằng việc cầu may, chạy chọt, dựa dẫm. 

Hiện tượng tiêu cực trong thi Hội thời Lê - Trịnh luôn tái diễn dưới nhiều hình thức khác nhau như: quan trường lấy đỗ theo cảm tình, nhờ cậy quan trường, đánh dấu bài, biết trước đề thi, làm sẵn bài thi,... Thậm chí, quan trường vì ghen ghét, hiềm khích đối với thí sinh mà đánh hỏng. Trong gần 70 khoa thi Hội, một số khoa thi có hiện tượng tiêu cực khá cụ thể.

Thứ nhất, biết trước đề thi, làm sẵn bài thi. 

Thứ hai, đánh dấu bài thi.

Thứ ba, gian lận, trao đổi bài thi.

Thứ tư, cậy quyền thế làm điều gian trá để đỗ.

Thứ năm, quan trường vì ghen ghét mà đánh hỏng.

Thứ sáu, đổi quyển thi cho nhau.

Thứ bảy, may mắn thi đỗ chứ không phải do thực học. 

So với thời Lê sơ, thời Lê - Trịnh tiêu cực trong thi cử nhiều hơn với nhiều hình thức khác nhau. Trong bối cảnh xã hội đang loạn lạc, chiến tranh, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi nhà nước Lê - Trịnh ít có điều kiện quan tâm đến thi cử. Hơn nữa tiêu cực trong thi Hội có cội rễ sâu xa từ thi Hương đặc biệt là hiện tượng “sinh đồ ba quan”. Những người thuộc hạng “sinh đồ ba quan” khi đã đỗ thi Hương, thì họ thường phải gian lận mới đỗ được thi Hội.

Mở rộng đối tượng dự thi và tổ chức thi lại

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để được thi Hội là thí sinh phải đỗ trong kỳ thi Hương “cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, ai đỗ thi Hội thì nhà vua ra thi một đề văn sách để định thứ tự”. Thời Lê sơ đối tượng được dự thi Hội là Hương cống, quan viên và giám sinh Quốc Tử Giám đã đỗ trong các kỳ sát hạch. Thời Lê - Trịnh, trước những tiêu cực trong khoa cử chính quyền Lê - Trịnh đã mở rộng tạo điều kiện cho thí sinh dự thi, vừa khuyến khích, vừa tìm kiếm nhân tài, vừa chống tiêu cực trong thi cử. 

Đồng thời với việc mở rộng độ tuổi, thành phần bản thân của thí sinh dự thi cũng được nới lỏng hơn “năm 1772 bắt đầu hạ lệnh cho quân nhân, người nào có học thức được dự thi Hương. Hạ lệnh, các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi Hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng vào thi với học trò ứng thi”. 

Hội đồng giám khảo đến trường thi Nam Định năm 1912
Hội đồng giám khảo đến trường thi Nam Định năm 1912

Nhờ đối tượng mở rộng đã hạn chế được nhiều trường hợp gian lận, khai sai để được dự thi. Mặt khác, cũng cho phép lựa chọn được nhiều người có thực tài vốn trước đây bị các điều kiện ràng buộc mà không được dự thi.

Bên cạnh việc mở rộng đối tượng dự thi, chính quyền Lê - Trịnh còn tổ chức thi lại nhằm khảo hạch các cống sĩ mới đỗ. Ở kỳ thi Hương, khảo hạch có thể dưới hình thức “tứ trường” hay “sảo thông”. Nhưng do thiếu tiền chi dùng nên từ năm 1750 nhà nước cho phép nộp 3 quan tiền gọi là tiền “thông kinh”, không phải qua khảo hạch thi Hương.

Vì thế đã dẫn đến hệ quả: “Người làm ruộng, người đi buôn, cho chí người hàng thịt, người bán vặt, cũng đều làm đơn nộp tiền xin thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ở cửa trường. Trong trường thi, nào mang sách, nào hỏi chữ nào mượn người thi thay, công nhiên làm bậy không còn biết phép thi là gì.

Những người thực tài mười phần không đỗ một”. Chính vì thế, để bảo đảm cho người dự thi Hội đạt yêu cầu là một Hương cống, chúa Trịnh đã nhiều lần cho thi lại cống sĩ. Đó là vào các năm 1600, 1651, 1663, 1751 nhằm loại bớt những người không đủ trình độ. 

Thay đổi cách ra đề và làm bài thi

Sau khi Trung hưng, chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức lại khoa cử nhưng “văn chương đời Lê, sau khi Trung hưng so với khi mới khai quốc khác nhau rất xa” đề thi và nội dung thi cũng thay đổi.

Chấn chỉnh lại lối văn cũ, năm Chính Hòa 14 (1693), chính quyền Lê - Trịnh đã cho thay đổi đề thi và văn bài: “Từ nay phép thi nhất nhất dùng thể văn đời Hồng Đức. Lúc làm bài văn thì tùy theo câu hỏi, cốt dùng ý nghĩ mình mà viết ra, hơi văn hồn nhiên, không được viết trầm theo lối văn cũ”. 

Mục đích khôi phục thể văn thời Hồng Đức là làm cho: “Những người có học đều phải nghĩ để làm cho đủ quyển thành bài, còn có sức đâu mà làm hộ người khác. Kẻ dốt chỉ lo không làm đủ quyển cho nên không dám đi thi. Vì thế không có tệ mua văn bán văn nữa”. 

Đồng thời, nhà chúa cũng quy định lại sách học, yêu cầu đối với quan ra đề khi lựa chọn nội dung đem thi phải bảo đảm cho việc kiểm tra đánh giá trình độ của thí sinh cũng như hướng vào các vấn đề chính trị, xã hội mà nhà nước đang quan tâm: “Việc hỏi về văn sách nên giảm bớt điều mục mà cầu ở điều thiết thực cốt yếu. Văn cổ thì hỏi đại lược phải trái để xem học lực nông sâu của học trò, văn kim thì hỏi những việc thời vụ, cơ nghi để xem mưu trí cao thấp”. 

Mong muốn lớn nhất của nhà nước Lê - Trịnh khi thay đổi cách ra đề, nội dung và quyđịnh làm bài thi nhằm phần nào hạn chế tiêu cực, thay đổi lối học cũ chỉ nặng nề về văn khoa sáo rỗng bằng văn thể hùng hồn, lưu loát mà rộng rãi của đời trước đồng thời muốn chọn được người tài, thông hiểu văn lý, kinh nghĩa, nắm thời biết thế “người đỗ đại khoa làm quan đều có sẵn cái học để “tu tề trị bình”. Các bậc hiền tài cùng tiến mà thế đạo được phát huy”.

Thay đổi cách chấm thi, kiểm soát đội ngũ quan phụ trách thi

Khoa cử thời Lê - Trịnh buổi đầu còn sơ sài, phép thi còn lỏng lẻo, quy định chưa rõ ràng trong tất cả các khâu từ thi, chấm thi cho đến ân điển,... Thế cho nên “các khoa thi Hội trước đây, cứ theo từng kỳ mà lấy đỗ hay loại bỏ, khi nhiều khi ít, không theo thể lệ nhất định”. Lợi dụng sơ hở của phép thi cả quan trường lẫn thí sinh đều gây ra các hiện tượng tiêu cực như: chấm điểm theo cảm tình, ghen ghét thí sinh mà đánh hỏng, làm bài hộ, thi hộ,... 

Một số biện pháp đã được ban hành i nhằm bảo đảm sự công minh trong suốt cả kỳ thi mà khâu trọng yếu là chấm thi theo “phân số”. Khác với lối văn ngày trước, nó chia ra từng hạng hơn kém như: ưu (có ưu to và ưu nhỏ), bình (có bình to và bình nhỏ), thứ (có thứ mác, thứ cộc, thứ tép và thứ muỗi) và liệt. Cách chấm này có thể hạn chế được quan trường đánh hỏng thí sinh nhưng lại tạo khe hở để thí sinh không hoàn toàn có thực tài vẫn có thể thi đỗ.

Mặt khác, đội ngũ quan phụ trách thi Hội cũng được tăng cường khảo hạch, kiểm tra, kiểm soát bằng nhiều biện pháp. 

Về phẩm hạnh, họ phải là người “công bằng, sáng suốt, tháo vát”. Đồng thời, còn đưa ra yêu cầu tăng cường giám sát lẫn nhau ngay trong đội ngũ quan coi thi “các quan đề điệu, tri cống cử, giám thị, công việc gì cũng biết đến ngày thi nào cũng cùng nhau đi lại củ sát các viên tuần xước giám cũ, còn ngày thường đều phải củ sát những người thu quyển, di phong, soạn tự hiệu, đối đọc, không được tự tiện thờ ơ đến nỗi kẻ gian làm bậy”. 

Bên cạnh đó, bộ phận giúp việc, giữ an ninh trật tự trường thi vi phạm thì cũng xử phạt không kém.

Các nha môn ở Tam ty, Ngũ phủ cắt cử người không đúng, làm việc thiếu sót cũng bị trách phạt, xử tội.

Mặc dù rất nỗ lực nhưng vì nhiều nguyên nhân, các chính sách trên mới chỉ phát huy tác dụng và tỏ ra công hiệu ở một mức độ nhất định.

Đọc thêm