Chông chênh thuyền “chở chữ” ở Lý Sơn

(PLO) - Buổi sáng, con tàu nhỏ đưa các em về thăm nhà rộn rã tiếng cười nói, ai cũng vui vì sắp gặp cha mẹ. Buổi chiều, con tàu chở các em quay lại đảo Lớn trùm không khí trầm ngâm... Những chuyến qua lại giữa đảo Lớn và đảo Bé Lý Sơn đồng hành với nỗ lực vượt khó đến trường của nhiều em nhỏ nơi đây.
Chông chênh  thuyền “chở chữ” ở Lý Sơn
Nhật Vy năm nay học lớp 7, trông em chững chạc hơn các bạn cùng lứa trong đất liền bởi nắng gió biển khơi và sự tự chủ sớm của một học sinh xa nhà trọ học. Nhà em ở đảo Bé (Lý Sơn – Quảng Ngãi), và từ khi lên lớp hai, em đã phải qua học ở đảo Lớn.
Ở đảo Bé  (xã An Bình) chỉ có một trường mầm non và một trường cấp một. Gọi là “Trường Tiểu học An Bình”, nhưng cũng chỉ có 5 lớp cho 5 khối từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp 1 được ba cháu, các lớp còn lại mỗi lớp cũng chỉ được sáu đến bảy em. Trường cấp 2 phải đóng cửa mấy năm nay do ít học sinh quá. Vì thế, học sinh cấp 2 như Nhật Vy phải sang đảo Lớn đi học. 
Tự lập từ bé
Sang đảo Lớn, các em phải sớm có sự tự chủ, do đi ở nhờ, phải tự lo ăn uống, sinh hoạt. Trường học ở đảo Lớn lại không có chỗ nội trú nên các cháu phải ở nhờ chú, dì, họ hàng, người thân. Sự tự lập này nhiều khi quá sức đối với các cháu mới hơn 10 tuổi, nên để có thể đều đặn đến lớp, các cháu và gia đình cũng phải thường xuyên nỗ lực.  
“Thế nên trẻ em xã đảo lớn sớm hơn các bạn khác, bởi sóng gió và cuộc sống còn nhiều khó khăn đã tôi luyện các em mỗi ngày”, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Bí thư chi bộ thôn Bắc, xã An Bình chia sẻ.
Bà Thúy cũng là một người có nhiều gắn bó với sự học của trẻ em đảo Bé. Ngay từ khi còn làm công tác Hội Phụ nữ, bà đã nhiều lần “đi từng nhà, rà từng người” để vận động bố mẹ và các cháu cố gắng đi học, bởi chỉ đi học thì mới có điều kiện, có kiến thức xây dựng, bảo vệ xã đảo hiệu quả hơn. 
Xã đảo nhỏ, đa phần các gia đình sống nhờ đi biển, cuộc sống đã gắn với biển nhiều năm, ấm no nhờ biển mà khắc nghiệt cũng vì biển. Cha mẹ vì thương con không có chỗ ở, lại không nhận thức được vai trò của việc học, nghĩ bụng học nữa cũng về chỉ đánh cá, trồng tỏi nên không mấy mặn mà. 
Nhưng bà Thúy phân tích, nếu học lên, được tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, thì việc đánh cá, trồng tỏi cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Những “cuộc vận động” kiểu “mưa dầm thấm lâu” ấy của các cấp hội, đoàn thể đã làm “xiêu lòng” nhiều bậc cha mẹ, mang lại động lực cho các em trên những chuyến thuyền đi đi về về đảo Lớn – đảo Bé mỗi ngày. 
Kiên nhẫn như những chuyến tàu
Hai năm nay, từ khi qua học cấp hai ở đảo Lớn, cứ sáng chủ nhật hàng tuần, Nhật Vy lại theo tàu về nhà thăm bố mẹ. Hôm gặp phóng viên, Vy và khoảng hơn 10 bạn nhỏ khác tay xách lỉnh kỉnh đồ ăn, thức uống – là những thứ bố mẹ dặn mua, mặt tươi roi rói nói chuyện líu lo. Từ khi vào đảo Lớn học, các em còn kiêm luôn cả người đi chợ cho gia đình, bởi ở đảo Bé không có những thực phẩm, nhu yếu phẩm hàng ngày.
Cả chị gái của Nhật Vy là  Thủy Tiên đều  xa bố mẹ sang đảo Lớn học cấp 2. Ở bên này, các em có nhà bà nội, nên vừa đi học vừa chăm sóc bà đã bị lẫn. Mùa hành tỏi, ngoài thời gian đi học, các em còn đi thu hoạch thuê cho bà con trong xóm. Nhớ bố mẹ lắm, nhưng cả tuần các em mới được về thăm nhà một lần.
Dù cả chính quyền, các đoàn thể và từng gia đình, dòng họ đã nỗ lực rất nhiều, nhưng điều kiện khắc nghiệt ở Lý Sơn khiến cho chuyện học hành của các em nơi đây còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Lý Sơn vẫn đang tồn tại tỷ lệ học sinh yếu, kém ở cấp THCS, THPT chiếm đến 20%, và cả huyện phải nỗ lực để chấm dứt tình trạng học sinh bỏ học, phần nhiều là các em học sinh từ đảo Bé sang học cấp hai ở đảo Lớn. 
Trên chuyến tàu trở lại đảo Lớn, chúng tôi lại gặp Nhật Vy. Thế là vài tiếng đồng hồ ít ỏi mỗi tuần bên bố mẹ của em đã trôi qua nhanh chóng. Ngược với vòng tay mở và tiếng nói cười vui vẻ lúc về đảo, cô bé vẫy tay chào mẹ rồi hướng mắt nhìn về đảo Lớn. Trong ánh mắt của Vy, có sự đấu tranh để vượt qua nỗi buồn xa gia đình của một cô bé 13 tuổi, có nỗ lực đếm từng ngày trên con đường đèn sách. 
Mẹ Vy dặn với theo: “Cố lên con nhé”, và vì thế, cô bé ấy đang nỗ lực để mai này có thể đi xa hơn ngoài hòn đảo nhỏ của em, để biết đất nước đẹp vô cùng, mà với việc học hôm nay, em có thể góp công sức nhỏ bé của mình để gìn giữ.

Đọc thêm