Chồng... đỏng đảnh

(PLO) - Ra đi bây giờ đã trở thành thứ “võ” của anh, khi lần thứ nhất anh bỏ nhà một tuần,  trở về thì sự đối xử của vợ có cải thiện chút ít. Nhưng rồi sau đó lại đâu đóng đấy mà tình hình còn có vẻ căng thẳng hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Ảnh minh họa. Nguồn internet 
Chung quy vẫn là cái chuyện thằng con trai lấy vợ, anh không đồng ý mà chúng nó cứ cưới. Chị thì đồng ý, lại còn bênh con ra mặt, thẳng thừng tuyên bố: “Vì con, theo con, chứ dứt khoát không theo chồng”. Từ cái chuyện đó mà vợ chồng tỏ ra hục hặc, bất đồng trong mọi chuyện, kể cả chuyện nhỏ nhặt nhất. Chị không chăm sóc anh mà chỉ thực hiện nghĩa vụ nội trợ của mình. 
Đỉnh điểm làm giọt nước tràn ly là lần anh bị trượt chân, ngã trong nhà tắm, tiện thể, anh nằm giả chết ngay trong đó, hàng tiếng đồng hồ không thấy chị ngó ngàng gì, anh đành phải… dậy, nhưng cáu lắm. Bữa tối, hai vợ chồng ngồi ăn cơm, anh dằn dỗi: “Hôm nay tôi có chết trong nhà tắm thì cũng không ai biết”. Chị cắm cúi ăn, không trả lời.
Đêm đó, anh không ngủ được và quyết tâm bỏ nhà ra đi lần nữa. Quyết tâm ấy càng được củng cố khi anh mở két lấy tiền thì 60 triệu anh để trong đó không còn. Anh đặt vào đó tờ giấy: “Đừng tìm tôi, vô ích!” cùng toàn bộ giấy tờ xe ô tô, xe máy rồi lặng lẽ ra bến xe khi chị còn đang ngủ.
Gần một tháng trời hái cà phê thuê trên Tây Nguyên kiếm tiền sinh nhai, anh lại cảm thấy thích thú, ăn ngon, ngủ không ngon lắm nhưng hình như sự ức chế được giải tỏa. Cứ sống thế này cũng được, cần gì nhà lầu, xe hơi, vợ không hiền, con không ngoan mà anh đã bỏ lại phía sau?!.
Nhưng rồi, nỗi nhớ vô hình len lỏi vào anh tự khi nào và cứ cộng hưởng, nhân dần lên mỗi đêm. Anh hồi tưởng những ngày gia đình đầm ấm, nhớ thằng con trai hồi bé kháu khỉnh, dễ thương, nhớ vợ anh bươn chải khó nhọc buôn bán, gầy dựng cơ nghiệp. Rồi anh cảm thấy thương “bọn chúng”, có thể còn mang tiếng với họ hàng, làng xóm là ăn ở thế nào mà đến nỗi chồng phải bỏ đi. 
Anh muốn về nhà mà không có cái cớ xác đáng nào để về. Điện thoại mở suốt ngày đêm mà chẳng thấy ai gọi hoặc nhắn tin. Thôi, cuối cùng thì phải về. Anh không về nhà mình mà đi đến thẳng nhà bố mẹ xem bà cụ đã ngoài 80 ốm đau thế nào. 
May quá, bà cụ ốm thật, bảo: “Tưởng tao chết mà không nhìn thấy mặt mày”. Song, cụ ốm cũng không nặng lắm, bệnh người già thôi. Về nhà, giữ khuôn mặt lạnh tanh, anh chỉ trích vợ rằng “mẹ chồng ốm thế mà không chịu chăm sóc, tôi mà không về thì không biết cơ sự sẽ thế nào”. Chị cố giấu nụ cười tủm tỉm…

Hôm sau, sinh nhật anh mà thực ra anh cũng không nhớ. Đi về, đã thấy hoa trên bàn và mâm cơm thịnh soan chờ sẵn. Chị, con trai, con dâu ùa ra, rối rít chúc mừng sinh nhật bố. Anh cảm động nhưng thoáng nghĩ, không biết có lần ra đi thứ ba không nhỉ? .

Đọc thêm