Chủ đầu tư "Thiên đường xanh" nói gì?

(PLO) - Như Pháp luật Việt Nam phản ánh, dự án Công viên Thiên Đường Xanh (xã Thành Công, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) với quy mô thu hồi đất lớn nhưng theo nhiều người dân trong vùng bị ảnh hưởng, việc triển khai lại thiếu dân chủ, bưng bít thông tin, không tổ chức họp với những hộ có đất bị thu hồi… Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Ban Quản lý dự án nêu ý kiến về những vấn đề liên quan.
Phối cảnh dự án
Phối cảnh dự án
Ông Huy cho biết, khi lập quy hoạch chi tiết 1/500, phía chủ đầu tư nghiên cứu trên tổng diện tích 190ha thuộc địa phận 3 xóm Ao Sen, Hạ Đạt, Vạn Phú. “Sau khi tổ chức các cuộc họp với UBND huyện Phổ Yên, xã và đặc biệt là theo ý kiến của người dân có đất trong vùng dự án, chúng tôi đã chủ động đặt vấn đề với huyện để điều chỉnh qui mô. 
Theo đó, diện tích đầu tư giai đoạn 1 khoảng 100ha nằm hoàn toàn trong một xóm Ao Sen và mở rộng lên hướng núi Tam Đảo. Giai đoạn 2 nếu người dân 2 xóm Hạ Đạt và Vạn Phú thấy được lợi ích, tính ưu việt của dự án và đồng thuận thì mới tiếp tục đầu tư mở rộng” - ông Huy nói. 
- Thưa ông, dự án có quy mô lớn nhưng cho đến nay, các chính sách đền bù vẫn chưa thật sự rõ ràng?
- Với một dự án quy mô như vậy, các trình tự, thủ tục chúng tôi đều phải công khai để người dân nắm rõ trước khi triển khai công tác đền bù. Những điểm nào mà người dân còn thắc mắc thì chúng tôi phải có trách nhiệm giải đáp, phải công khai và minh bạch tất cả. 
Đối với chính sách đền bù, là vùng đồi núi nên đất người dân giao dịch chỉ nằm ở mức 20-30 triệu đồng/sào đất lúa, hiện nay, đối với những hộ dân bị thu hồi đất, chúng tôi cam kết hỗ trợ để đảm bảo đơn giá đền bù tương đương với dự án nhà máy SAMSUNG  - Yên Bình đang triển khai (khoảng 65-70 triệu đồng/1 sào đất lúa ở vị trí 1).
Ngoài ra, vì là dự án mang tính vĩnh cửu nên khi đi vào hoạt động sẽ thu hút từ 400 đến 600 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định, lâu dài và đặc biệt là không cần qua đào tạo, người già, phụ nữ vẫn có thể vào làm việc; gián tiếp nâng cao đời sống kinh tế của người dân địa phương thông qua việc cung cấp các dịch vụ xây dựng, bảo vệ, cung cấp cây xanh, hoa tươi, cung cấp thực phẩm cho du khách…
Dù không nằm trong trách nhiệm của chủ đầu tư nhưng với thiện chí của doanh nghiệp đối với địa phương nơi đầu tư dự án, chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ người dân xây dựng một số hạng mục công trình phúc lợi như tuyến đường kết nối Sóc Sơn với Ao Sen, Hạ Đạt; đường kết nối Vĩnh Phúc với Ao Sen, Hạ Đạt qua đèo Bụt; các trục đường nội bộ trong xóm nối với trung tâm hành chính xã; nhà văn hóa, nhà trẻ và khi xây dựng trạm nước sạch sử dụng trong dự án sẽ tính toán nâng công suất để cung cấp cho 2 xóm Ao Sen, Hạ Đạt.
- Dự án này đặc biệt nhạy cảm về môi trường, điều gì có thể đảm bảo khi đi vào hoạt động, người dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng?
- Trước khi thực hiện, chúng tôi đã nghiên cứu và học tập theo các mô hình Công viên Vĩnh Hằng rất thành công của các nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan… Theo đó, bao trùm cảnh quan dự án là các cụm công viên, cây xanh, các dòng suối và mặt nước hồ được bảo tồn nguyên vẹn. Xen kẽ các khu công viên cảnh quan là các công trình tâm linh thuần Việt đảm bảo tính tôn nghiêm nhưng đẹp về kiến trúc.
Đặc biệt, các khu an táng nằm xen kẽ trong các công viên cảnh quan với mật độ xây dựng nhỏ hơn 5% tổng diện tích toàn khu. Trong đó, 90% sản phẩm là hình thức lưu cốt sau khi hỏa táng, một phần nhỏ là an táng một lần trong bể bê tông hai lớp đáy nhằm đảm bảo tuyệt đối môi trường, không có khu hung táng theo  phong tục cũ.
Các công trình dịch vụ du lịch, dịch vụ thăm thân được bố trí quanh các hồ tự nhiên và được xây dựng các trạm xử lý nước thải sinh hoạt nhằm đảm bảo  vệ sinh môi trường. Chất thải rắn được thu gom bằng xe chuyên dụng hàng ngày để đổ thải ra bãi rác Nam Sơn.  
Việc lập và phê duyệt dự án đều tuân thủ các qui định về đánh giá tác động môi trường, khi vận hành dự án, ngoài các điểm quan trắc cảnh báo sớm còn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan cảnh sát môi trường.
 - Xin cảm ơn ông!  

Đọc thêm