Chuẩn bị 11 cỗ áo quan trước khi mở đường đèo Mã Pí Lèng

(PLO) - Sau 6 năm lao động bền bỉ không mệt mỏi của 1.500 thanh niên xung phong (TNXP) con đường mang tên Hạnh Phúc đã được hoàn thành. Thế nhưng ít ai biết đằng sau con đường này là những câu chuyện thấm đẫm bao máu và hôi của thế hệ cha anh đi trước. 
Khúc cua chữ M ngược ở đường Quyết Thắng.
Khúc cua chữ M ngược ở đường Quyết Thắng.
Con đường huyền thoại nơi cực Bắc Tổ quốc
Ở cao nguyên đá Đồng Văn, đá len lỏi vào từng ngóc nghách, cuộc sống người dân. Đâu đâu người ta cũng thấy đá. Những thớ ruộng được kè đá, nêm chặt chỉ để giữ vài mét vuông đất trồng rau của người Mông, người Lô Lô. Nhà xếp bằng đá hộc, đá tảng, tường rào cũng bằng đá...
Thế nên khi có quyết định mở một con đường xuyên cao nguyên đá, nhiều người cho rằng đây là chuyện không tưởng, viển vông. Vì những năm 60 ấy, dụng cụ để phá đá làm đường vô cùng thô sơ.. Vậy mà với xà-beng, cuốc, xẻng, búa tạ… những TNXP tay không đã làm lên con đường huyền thoại: đường “Thanh niên Việt Bắc” (tên ban đầu của đường Hạnh Phúc). Con đường này dài 184km nối từ Hà Giang lên 4 huyện miền núi cực Bắc của Tổ quốc chỉ sau 6 năm (bắt đầu từ năm 1959).
Đội "thanh niên cơ dũng" và 10 chiếc áo quan bị "ế"
Nhắc tới chuyện mở đường Hạnh Phúc, ông Phạm Quang Bút (73 tuổi, quê xã Gia Hòa, huyện Gia Lộc, Hải Dương), một cựu TNXP trong căn nhà hiện tại ở thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh (Hà Giang) cho biết: “Năm 1972, khi nghe tin kêu gọi mở đường biên giới Việt Bắc, thanh niên chúng tôi không ngần ngại kéo nhau đi. Khi chúng tôi lên thì đường ô tô đã mở được đến Sà Phìn rồi, nên chúng tôi tiếp tục tháo đá mở đường từ đấy lên Mèo Vạc". 
Ông Phạm Quang Bút
 Ông Phạm Quang Bút
Trong bộ quân phục dạ đã cũ sờn, ông Bút kéo một đoạn đàn nhị rồi kể tiếp: “Cả Hải Dương chúng tôi có hơn 100 người lên Hà Giang, hầu hết ghép vào C Thái Nguyên, còn tôi được biên chế vào C2 nghiệp dư, vì tôi còn phụ trách đội văn công của công trường”. 
Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc 24 cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng, chiết tự là Sống Mũi Ngựa, này thì phải tốn mất 11 tháng treo mình trên vách đá để đục mìn, bổ đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại…
Thời điểm ấy, công trường bắt buộc phải lên kế hoạch tuyển chọn 22 đồng chí thanh niên dũng cảm, có sức khỏe, cơ động, nhanh tay, tinh mắt để mở đường Mã Pí Lèng vì độ khó khăn và nguy hiểm của đoạn đường này. Đội thanh niên “cơ dũng” được thành lập với một nguyên tắc duy nhất: ai muốn vào đội phải tuyên thệ cảm tử.
Vì trước mặt là những vách núi đá cao 500-600m, chỉ dùng troòng (xà –beng 8 cạnh) và búa quả gạo, treo mình vào vách đá đó, đục dần dần, rồi tra thuốc nổ, tạo thành đường công vụ nhỏ. Từ đó mới lấn dần dần, nhích từng ít một vào vách núi đá, nối tiếp con đường Hạnh Phúc hôm nay. 
Thời điểm ấy, cả công trường vui mừng và may mắn khi được nâng cấp “công nghệ” bằng 1 chiếc máy khoan duy nhất do Trung ương cấp. Và ưu tiên rõ ràng là đường vượt Sống Mũi Ngựa này. Đội cơ dũng cũng đã có một sáng kiến tuyệt vời, họ dùng toàn bộ troòng - trước đây dùng để khoan lỗ nhét thuốc nổ – cắm dọc vách đá xám cao hàng trăm mét quanh Sống Mũi Ngựa. Rồi anh em dùng dây buộc vào các cọc (dùng xà beng làm cọc) cắm chi chít ven vách đá cao cả nghìn mét so với… mặt sông Nho Quế rồi cảm tử đu người trên các sợi dây đó mà dùng máy khoan khoan đá. 
Đội "thanh niên cơ dũng" treo mình phá đá mở đường đèo Mã Pí Lèng.
Đội "thanh niên cơ dũng" treo mình phá đá mở đường đèo Mã Pí Lèng.
Vượt qua được Mã Pí Lèng, đội cơ dũng cũng mất 11 tháng treo mình trên vách đá liên tục. Đến khi sắp hoàn thành tất cả đều an toàn. Nhưng tiếc thay, có một đồng chí đã “hy sinh trước ngưỡng cửa thiên đường”, đó là anh Đào Ngọc Phẩm. Ông Bút kể: Ngày 3/3, khi sắp hoàn thành con đường và chuẩn bị thông xe, một số được cử vào Mèo Vạc để kiểm tra bến bãi. Anh Phẩm là A trưởng, ở C Thái Nguyên, nhận công việc phá, gỡ một số đá có thể gây nguy hiểm. 
Mã Pí Lèng hôm ấy mưa lun phun, sương dày đặc, không thể nhìn thấy vực sông Nho Quế. Khi đang làm thì bất ngờ có một hòn đá to rơi xuống, tất cả A giật mình, có 2 cha con người Mông đứng xem cũng giật mình xô ra, anh Phẩm lao ra kéo 2 cha con họ vào thì mất đà, trượt chân rơi xuống vực Mã Pí Lèng. “Sau đó, chúng tôi phải giòng mấy cuộn dây an toàn, dần dần đưa chăn xuống mới kéo được thi thể anh Phẩm lên” – ông Bút vẫn chưa hết xúc động khi nhắc lại cái chết đầy quả cảm của người đồng đội. 
Ông Bút khi ấy phụ trách đội văn công nên có chuyện mà ít người trên công trường biết. Đó là chuyện sau khi hoàn thành con đường, đồng chí Vũ Đắc Điểm, chỉ huy công trường đã cho diễn vở kịch với nội dung công trường đã chuẩn bị trước 11 cỗ áo quan nhưng bị ế mất 10. Duy nhất chỉ có đồng chí Đào Ngọc Phẩm hy sinh trước giờ thông xe 1 ngày.
“Đúng là các lãnh đạo công trường đã chuẩn bị 11 cỗ áo quan khi bắt đầu mở đường Mã Pí Lèng thật đấy, đủ để thấy sự khắc nghiệt của đoạn đường này các cô chú nhỉ” – ông Bút hỏi rồi đưa ánh mắt ra xa, có lẽ ông đang nhớ đến những người đồng đội đã ngã xuống.

Đọc thêm