Chuyện đáng nể ở 'thung lũng da cam' Việt Nam

(PLO) - Thung lũng da cam- cái tên gọi chỉ dành riêng cho xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để nhắc nhớ về cuộc chiến đang ngày ngày dai dẳng bám lấy cuộc sống của những phận người nơi đây: mang di chứng chất độc da cam/dioxin. Chiến tranh đã lùi xa nhưng vùng đất lọt thỏm giữa xung quanh đồi núi trùng điệp lại trở thành điểm nóng với hơn 200 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và gần 1/3 trong số đó là trẻ em. 
Hình ảnh cha con anh Bảy và cô bé Thương tại Trường Đại học Đà Nẵng khiến nhiều người khâm phục.
Hình ảnh cha con anh Bảy và cô bé Thương tại Trường Đại học Đà Nẵng khiến nhiều người khâm phục.

Đau cùng những phận người!

Trước khi đến từng nhà, tôi được cán bộ xã đưa cho một danh sách dài những gia đình có người thân đang  bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tôi chọn ghé thăm nhà chị Hồ Thị Năm (SN 1965, thôn Hạ Vi) vì nằm ngay đầu thôn.

 Chưa kịp cất tiếng hỏi, một cô gái trẻ nhìn khỏe mạnh nhưng có vẻ ngờ nghệch lao thẳng ra, miệng hô “đánh, đánh”. Vừa lo tránh, vừa liếc nhanh danh sách đang cầm trên tay, tôi đoán nạn nhân da cam Bùi Thị Thúy (25  tuổi, con chị Năm). Chị Năm từ trong nhà cũng vội hét lớn. Thúy khựng lại rồi đột ngột chạy vào. Thay cho câu trả lời, chị Năm đưa cho tôi tờ giấy ghi: “Chấn thương phần ngực, gãy xương sườn”, vết tích chị “bị” Thúy đánh, nay vẫn đang còn dùng thuốc.

Hàng chục năm nay, hình ảnh chị Năm mòn chân đi hết hết làng trên, xóm dưới chỉ để xin lỗi người dân vì bị Thúy đánh gần như quen thuộc với nhiều người. Có bà con thương bỏ lỗi cho, người bực dọc chọn cách đánh trả. Những lần như vậy, chị chỉ biết khóc thầm, ôm con về lo rửa vết thương.

Không có chiếc ghế đúng nghĩa, chị mời khách ngồi ở thềm nhà. Tới đây, tôi mới kịp quan sát. Căn nhà trống hoác từ trước ra sau, chỉ độc mỗi chiếc giường. Có điều, Thúy đang ngồi cười vu vơ ở đó, khiến không ai dám lại gần. Chị Năm chua chát, 25 tuổi mà Thúy như đứa trẻ lên 1, không biết tự ăn, không tự mặc áo quần. Hàng ngày,  Thúy chỉ làm 1 việc, cứ thấy người là… đánh.  Và cũng từng ấy năm, đứa con gái độc nhất mà chị khao khát sẽ có ngày tỉnh táo rồi lấy chồng, sinh con dần trở nên xa xỉ.

25 tuổi nhưng Thúy vẫn ngờ nghệch và hay đánh người.
25 tuổi nhưng Thúy vẫn ngờ nghệch và hay đánh người.

Chị Năm kể, Thúy sinh ra đã khác bọn trẻ. 1 tháng mới chịu mở mắt. 5 tuổi không biết đi, biết nói. Lớn lên, ban ngày Thúy ngồi im một chỗ, nhưng hễ đêm xuống lại muốn trốn nhà đi. Có hôm, Thúy đi tận Điện Bàn, Duy Xuyên… Không nỡ buộc tay chân con lại nên đêm nào chị cũng thức để canh. May mắn còn có người chồng tình nghĩa, quần quật với ruộng đồng, làm thuê để kiếm tiền lo cho Thúy 3 tháng 1 lần đi chạy thận, chữa bệnh tim, bệnh men gan…

Không đủ can đảm nghe thêm, tôi theo Trưởng thôn Nguyễn Văn Phấn (thôn Ngọc Kinh Đông), ghé thăm chị Lê Thị Phượng (SN 1960). Gia đình chỉ có 2 mẹ con. 14 giờ chiều, cái nóng vẫn còn hầm hập trong căn nhà lợp tôn, được 1 tổ chức từ thiện trao tặng từ 10 năm trước. Chị Phượng không ở nhà, nhưng bên trong phòng vẫn đều đều tiếng thở, khiến người  mới đến như tôi cảm thấy chột dạ. Trưởng thôn Phấn trấn an, “đứa trẻ” 17 tuổi Nguyễn Văn Bảo, con của chị Phượng đang ngủ ngáy thôi. Giờ này chị ấy chắc đang chuẩn bị về.

Không đợi tôi ngạc nhiên, chị Phượng về thật. Chị nói, thời tiết mùa này thường có giông, con đang ngủ mà nghe sét đánh, thường hay la hét, co giật. Đã có lần, Bảo rớt giường gãy tay chân. Khổ lắm! . Vì thế, lịch ra đồng của chị đổi sang đúng ngọ, giờ con trai yên giấc. Khi mọi người đi làm, chị đã kịp ở nhà. 

17 tuổi mà Bảo chỉ mới hơn 10kg, chân tay bé tẹo. Người đàn ông của bị bỏ đi, chị một thân một mình nuôi con cho tới nay. Đất ruộng không nhiều, chị thuê lại của hàng xóm. Trưa tranh thủ cày cuốc. Khuya chị lặn lội xuống giống cho các loại hoa màu.  Thời gian còn lại, chị dành bên con, chăm từng miếng ăn, giấc ngủ.

Tôi hỏi chị “đã có bao giờ trọn giấc”, chị cười hiền, “để con được sống, mình thức đến trọn đời cũng được!”. Câu nói cứ khiến người đối diện cay cay mắt. Chị cho biết thêm, được xoa bóp thân thể con mà nó nằm yên ngủ, với chị không hạnh phúc nào bằng. Có những đêm, thời tiết thay đổi, đang say giấc, Bảo bỗng giãy nảy, quặn co người lại, thở gấp gáp. Nếu không vuốt ngực, nắn tay kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng. Có một điều thôi thúc tình mẫu tử  nữa là, dù các giác quan của Bảo gần như đã chết, không hề ý thức được bản năng muốn gì nhưng vẫn “thích” được mẹ âu yếm. Chị Phượng cười trừ: “Có lẽ tự thẳm sâu bên trong những đứa trẻ mang nỗi đau lớn như con chị, tình yêu vô bờ của mẹ luôn cho nó cảm giác an toàn, bình yên…”! 

Chị Phượng thường thức trọn đêm để chăm Bảo.
Chị Phượng thường thức trọn đêm để chăm Bảo.

Vẫn còn những nghị lực vươn lên

Trên con đường làng quanh co vắng vẻ, ông Phấn cứ chốc chốc lại tặc lưỡi: “200 nạn nhân là 200 nỗi buồn khác nhau. Sự thắc thỏm cứ ẩn dật đằng sau rất nhiều ngôi nhà có người thân bị bệnh như chị Lê Thị Sáu (SN 1963), chị Bùi Thị Trinh (SN 1960) ở thôn Hạ Vi; rồi bà Bùi Thị Loan, bà Lê Thị Phượng, bà Lê Thị My (cùng SN 1950), chị Hồ Thị Mười (SN 1965) ở thôn Ngọc Kinh Đông… Hầu hết người dân ở đây làm nông, đời sống kinh tế rất khó khăn. Kiếm cái ăn qua ngày đã cực, chăm người đau, giành lấy sự sống cho con, cháu trở thành chặng đường dài gian truân”.

Ông Phấn tâm sự, không ai được quyền chọn số phận, gia đình để sinh ra. Cuộc đời cay đắng khiến các em mang trong mình căn bệnh quái ác. Tưởng chừng những bất hạnh đó sẽ làm gục ngã tất cả, tuy nhiên, ông Phấn cũng thừa nhận, vẫn còn những hình ảnh, những tấm gương đầy nghị lực sống trong các em.

Nghe giới thiệu hết từng cái tên như cô bé Trương Thị Thương (25 tuổi), con gái vợ chồng anh Trương Công Bảy và chị Lương Thị Huệ (cùng SN 1960, thôn Đông Phước l); em Trần Quốc Doanh (18 tuổi, thôn Đông Phước 2)  tôi và người đi cùng phải thốt lên: “những chiến binh bé nhỏ”. Các em thực sự sống có ích không phụ lòng đấng sinh thành, như một phép nhiệm màu, “những mảnh đời da cam” đã làm nhiều việc khiến người khác khâm phục và ngưỡng mộ.

Thương bây giờ đã trở nên quá quen thuộc với cả xứ Quảng. 16 năm đến trường bằng đôi chân của mẹ và cha, bé Thương đã được vào đại học. Khó có thể tưởng tượng, một nạn nhân chất độc da cam cao chừng 70cm, tay chân quặt quẹo, không đi đứng được, song đã phấn đấu để thực hiện mơ ước trở thành một lập trình viên trong tương lai. Không chỉ vậy, suốt 4 năm trên giảng đường ĐH, cô gái bé nhỏ luôn là sinh viên dẫn đầu lớp về thành tích học tập cũng như những suất học bổng của trường, thành phố. 

Chị Huệ kể, vợ chồng chị có 4 người con, Thương thứ nhì. Mang thai bảy tháng, chị đẻ rớt Thương ngoài vườn. Cháu như một cục thịt có gắn cái đầu bé tẹo, chân và tay tí xíu như những mẩu bút chì. Được cha mẹ nuôi dưỡng chăm chút, theo thời gian “cục thịt” kia lớn dần lên và có một cái tên: Thương!. Thương nằm một chỗ đôi mắt lúc nào cũng chăm chăm nhìn chị mình và các bạn học, cái miệng mấp máy theo từng chữ cái. Bất ngờ một ngày, Thương nằng nặc đòi mẹ bế đi học.

“Vì đôi chân Thương quặt quẹo, dễ bị gãy, còn đôi tay quá yếu, không bám được nên nói “bế”, chứ thực ra “bưng” em đi học. Cũng vì thế việc đưa em đến trường chỉ có vợ chồng tôi mới làm được”, chị Huệ nói.

Tai họa vẫn chưa dừng lại, anh Bảy bị tai biến dẫn đến bán thân bất toại. Mọi việc nhà dồn lên vai chị Huệ. Có lúc quẫn chí chị đã cho Thương nghỉ học. Nhưng, ngày nào Thương cũng khóc, khóc đến lạc giọng. Anh Bảy khỏe lại và vợ chồng tiếp tục “bưng” con đi. Cũng có lần giữa đường bị lốc xoáy, cây đổ vào chị  Huệ và Thương, làm cho đôi tay yếu ớt của em bị gãy lìa phải vào bệnh viện bó bột. Nhưng rồi, tình thương yêu của gia đình và nghị lực phi thường của đứa con cũng đã vượt lên bao gian khó...

Còn có em Trần Quốc Doanh cũng có số phận như Thương. Với nỗ lực của mình, Doanh được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Nam cho sang Nga du học thời gian ngắn. Khi quay về, Doanh vẫn đang tiếp tục viết tiếp ước mơ của mình. Nói về Doanh, Thương, ông Phấn chia sẻ: “Dẫu biết cuộc sống của các em vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên này, chúng tôi luôn tin rằng “sỏi đá cũng thành cơm”…  

Huyện Đại Lộc hiện có 3.028 đối tượng bị phơi nhiễm và nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó có 1.689 đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bị nhiễm và nhiều nạn nhân là thế hệ thứ 2, 3. Đại Hồng thuộc xã có con số người nhiễm nhiều nhất huyện. 

Đọc thêm