Chuyện gặp may trong vận rủi của Thiên Sách Vương

(PLO) -Thiên Sách Vương là một vị vua ít được nhắc đến trong lịch sử nước ta bởi vai trò và vị trí khá mờ nhạt, bên cạnh đó thông tin về ông cũng không nhiều, tuy nhiên đã là vua thì ít nhiều cũng có những câu chuyện đáng để nhắc đến.
Dương Tam Kha soán đoạt ngôi vua (Hình minh họa)
Dương Tam Kha soán đoạt ngôi vua (Hình minh họa)

Thiên Sách Vương tên thật là Ngô Xương Ngập (có sách chép là Xương Cập), là con trai cả của Tiền Ngô Vương Ngô Quyền, thân mẫu là Hoàng hậu Dương Thị Như Ngọc, không rõ Thiên Sách Vương sinh năm nào.

Bị cậu ruột cướp ngôi

Tháng giêng năm Giáp Thìn (944), vua cha qua đời, lẽ ra Ngô Xương Ngập lên kế vị nhưng bị người cậu ruột là Dương Tam Kha cướp ngôi. 

Chính sử viết rằng Tiền Ngô Vương thấy bệnh tình nặng khó mà qua khỏi, đã gọi em vợ là Dương Tam Kha đến ủy thác phù giúp Ngô Xương Ngập nối nghiệp nhưng Dương Tam Kha đã cướp ngôi của cháu, tự lập làm vua: “Tiền Ngô Vương bệnh nặng, có di chúc giao cho Tam Kha giúp rập cho con. Khi Vương mất, Tam Kha cướp ngôi” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Hành động cướp ngôi ấy bị sử sách phê phán gay gắt: “Đuổi con vua mà tự lên làm vua là tội công, nuôi con vua làm con mình mà cho thực ấp là ơn riêng. Đuổi Xương Ngập mà tự lên làm vua là bề tôi nghịch cướp ngôi, đối với nghĩa thì cố nhiên giết chết cũng chưa đáng tội” (Đại Việt sử ký); “Dương Tam Kha là bà con ngoại thích, chịu ký thác con côi, song bỏ chúa mà tự lập, tránh sao khỏi cái tội cướp ngôi mà bị tru di” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Sợ họa sát thân, Ngô Xương Ngập bỏ trốn về làng Trà Hương ở Nam Sách Giang (nay thuộc làng Thuỵ Trà, xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) ẩn náu. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết: 

Tam Kha là đứa gian hồi,

Lấy bè thích lý chịu lời thác cô.

Cành dương đè lấn chồi ngôi,

Bình Vương tiếm hiệu, quốc đô tranh quyền.

Ngô Vương vốn có con hiền,

Trưởng là Xương Ngập nối truyền thế gia.

Trà Hương lánh dấu yên hà,

Hộ trì lại gặp tôi là Phạm Công.

Ngô Xương Ngập được người trung nghĩa cưu mang, giúp đỡ (Hình minh họa)
Ngô Xương Ngập được người trung nghĩa cưu mang, giúp đỡ (Hình minh họa)

Nhiều lần thoát nạn

Chuyện kể rằng trước khi chạy trốn khỏi kinh đô Cổ Loa, Ngô Xương Ngập vào cung khóc với mẹ hỏi kế bảo toàn tính mạng. Dương Thái hậu khóc mà nói rằng: - Hiện cậu con thế lực lớn lắm, ta cũng không thể làm gì được, chi bằng con đến đất Nam Sách giang nhờ Phạm Lệnh Công, tạm nương nhờ ở đó chờ cơ hội, nên đi ngay kẻo ở đây lâu sợ rằng sẽ bị hại.

Phạm Lệnh Công tên thật là Phạm Chiêm, quê ở Trà Hương thuộc Nam Sách Giang là một người có thế lực và có uy tín trong vùng. Ông vốn là đại thần cũ của vua Ngô với chức Đông Giáp tướng quân. Khi thấy Thái tử Ngô Xương Ngập đến nương nhờ, xin giúp đỡ, Phạm Chiêm cùng các con hết lòng che chở: - Dẫu chết ta cũng không sợ, vì sự an nguy của Thái tử thì một mạng già này đâu có tiếc, các người hãy cùng ta giúp rập ngài, chờ đến ngày sẽ khôi phục triều Ngô. 

Sử chép rằng sau khi cướp ngôi, Dương Tam Kha xưng là Dương Bình Vương, “lấy con thứ hai của Ngô Vương là Xương Văn làm con mình. Các con thứ của Ngô Vương là Nam Hưng, Càn Hưng còn bé, đều theo Dương quốc mẫu.

Được ít lâu, Tam Kha sai chỉ huy sứ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đem quân đến nhà Lệnh Công đòi bắt Xương Ngập, ba lần đều không thực hiện được mệnh lệnh. Lệnh Công sợ, bèn giấu Xương Ngập trong động núi. Tam Kha biết, lại đòi bắt như trước, rốt cuộc vẫn không bắt được” (Đại Việt sử ký toàn thư). 

Mấy lần thoát nạn của Ngô Xương Ngập đều nhờ Phạm Chiêm, vì thế đời Hậu Lê, sử thần Ngô Sĩ Liên ca ngợi rằng:

“Dụng tâm của Phạm Lệnh Công thật là trung. Tam Kha là kẻ gian thần mà đuổi con đích của vua để cướp ngôi, lấy Xương Văn làm con mình, chẳng qua là lời lẽ che đậy giả dối, ai mà biết được? Vả lại, lúc ấy người trong nước ai cũng xem Tam Kha là vua, mà Lệnh Công dám che giấu cho Xương Ngập, muốn cho dòng dõi họ Ngô không tuyệt tự, việc của Trình Anh, Chữ Cửu lại thấy ở đây. Ai bảo một nước rộng lớn mà không có trung thần nghĩa sĩ”.

Nhiều vận may, tiếc...tài hèn

Có câu “Trong rủi có may”, tuy bị mất ngôi vua nhưng Ngô Xương Ngập đã may mắn gặp được vị trung thần là Phạm Lệnh Công nên mới mấy lần thoát nạn; giả sử nếu gặp phải kẻ tiểu nhân bỉ ổi tham vàng ham chức thì chắc chắn Ngô Xương Ngập không thể thoát khỏi tay của Bình Vương Dương Tam Kha. Đó là cái may đầu tiên.

Cái may thứ hai của Ngô Xương Ngập là trong cơn hoạn nạn đó ông lại tìm được một người vợ hiền tài sắc đức hạnh. Bấy giờ, để bảo vệ cho Ngô Xương Ngập, Phạm Lệnh Công sai hai con trai trực tiếp chỉ huy gia nhân ngày đêm bảo vệ Thái tử, lại sai con gái là Phạm Thị Uy Duyên lo việc thêu thùa may mặc y phục, chăm sóc việc ăn uống cho Ngô Xương Ngập.

Chuyện kể rằng được cha trao cho trách nhiệm chăm sóc Thái tử, lúc đầu Phạm Thị Uy Duyên có phần e ngại, nhưng nghĩ đến bổn phận trung quân, lại thương người gặp bước gian nan nên nàng cúi đầu chấp thuận.

Nhà vua được người đẹp động viên, chăm sóc(Hình minh họa)
Nhà vua được người đẹp động viên, chăm sóc(Hình minh họa)

Về phần Ngô Xương Ngập, cũng nhờ có người đẹp ở bên lo lắng, động viên mà tâm trạng được an ủi, nhất là những lúc phải trốn tránh trước sự truy lùng của đội quân do Dương Tam Kha phái đến tìm bắt.

Mỗi lần quân triều đình đến, tâm trạng của Ngô Xương Ngập bất an, hốt hoảng nhưng Phạm Thị Uy Duyên đều ở bên trấn an, động viên. Có lần nàng nói: - Thái tử xuất thân cao qúy, được mệnh trời phù hộ, lòng người dõi theo trông ngóng, nay tuy gặp vận gian nan nhưng âu cũng là trời thử lòng người, có chí ắt có ngày thành tựu.

Xin đừng quá lo lắng, tiến vương mấy lần cho quân muốn tìm bắt mà không được, đủ thấy Thái tử mệnh lớn lắm, thiếp nguyện đời này ở bên ngài để cùng chia sẻ vui buồn.

Biết con gái có tình cảm sâu đậm với Ngô Xương Ngập, Phạm Lệnh Công vui mừng tán thành, vun vén cho họ, gả con gái cho Thái tử và chọn ngày lành tháng tốt tổ chức hôn lễ. Có lẽ Ngô Xương Ngập không ngờ mình được may mắn đến vậy, khi tới Trà Hương chỉ với mục đích lánh nạn, ai hay ở đây ngài đã được giúp đỡ, trọng vọng, lại trở thành con rể của người thế lực và uy tín nhất vùng, có được một mỹ nữ đoan trang hiền thục ở bên.

Cái may chưa hết bởi mong ước lớn nhất của Ngô Xương Ngập thành hiện thực vào tháng giêng năm Tân Hợi (951). Cuối năm Canh Tuất (950) “Tam Kha sai Xương Văn và hai Chỉ huy sứ họ Dương, họ Đỗ đem quân đi đánh hai thôn Đường, Nguyễn ở Thái Bình. Đến Từ Liêm, Xương Văn ung dung bảo hai sứ rằng:

"Đức của Tiên vương ta thấm khắp lòng dân, phàm chính lệnh ban ra không ai không vui lòng nghe theo, không may lìa bỏ quần thần, Bình Vương tự làm việc bất nghĩa, cướp ngôi của anh em ta, tội không gì to bằng. Nay lại sai bọn chúng ta đi đánh ấp không có tội, may mà đánh được thì thôi, nếu họ không phục thì làm thế nào?" Hai sứ đều nói: "Xin theo lệnh của ông".

Xương Văn nói: "Ta muốn đem quân quay lại đánh úp Bình Vương để khôi phục cơ nghiệp của Tiên Vương ta, có nên chăng?" Hai sứ đều trả lời là nên lắm. Bèn quay về đánh úp Tam Kha. Mọi người muốn giết đi, Xương Văn nói: "Bình Vương đối với ta có ơn, sao nỡ giết". Bèn giáng làm Chương Dương Công, nhân đó ban cho thực ấp (nay là Chương Dương độ)” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Lật đổ được cậu, Ngô Xương Văn lên ngôi lấy hiệu là Nam Tấn Vương, từ tháng giêng năm Tân Hợi (951) ông sai người đi đón anh trai về triều. Đi cùng với Ngô Xương Ngập còn có người vợ yêu, con trai của Phạm Lệnh Công là Phạm Man, Phạm Bạch Hổ cùng các con của họ cũng xin theo phò giúp nhà Ngô và được Xương Ngập ưng thuận. 

Trở về Cổ Loa, tấu xin ý chỉ của Thái hậu và được chấp thuận, Ngô Xương Ngập lên ngôi xưng là Thiên Sách Vương, cùng với Nam Tấn Vương trông coi việc nước, hai người cùng làm vua.

Ở ngôi chưa lâu, Ngô Xương Ngập dần dần ham mê quyền lực, đua tranh với vua em nên dẫn đến bất hòa. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, Nam Tấn Vương không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau”. Nhường anh, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn để cho anh tự quyết việc triều chính còn mình lùi vào hậu cung.

Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập làm vua đến năm Giáp Dần (954) thì mất, ở ngôi được 4 năm (951-954), tương truyền thi hài vua được an táng tại đất Nghĩa Chế (nay thuộc Phù Tiên, Hưng Yên); đến lúc này Nam Tấn Vương trở lại nắm quyền bính. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu: 

Bốn năm Thiên Sách vừa rồi,

Tấn Vương rày mới chuyên ngôi một mình.

Làm vua trong thời gian ngắn, không để lại công trạng gì nên sử sách không đánh giá cao Thiên Sách Vương. Trong sách Việt giám thông khảo tổng luận có lời nhận xét rằng:

“Thiên Sách Vương là con đích của Tiên chúa, trước bị gian thần cướp ngôi mà không biết trị tội, sau bị Nam Tấn vương bức bách, lại không biết nhường công, chuyên quyền làm oai làm phúc, làm mất tình nghĩa anh em,… là bậc vua tài hèn”.../.

Đọc thêm