Chuyên gia sẽ dành 1 tháng khảo sát môi trường Hà Nội

(PLO) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hôm qua chủ trì thảo luận về Nâng cao năng lực quan trắc môi trường TP Hà Nội với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu thế giới về xử lý môi trường đến từ Cộng hòa Liên bang Đức.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP Hà Nội, TP đang phải đối mặt với những thách thức khác về môi trường, như chỉ tiêu Benzen trong không khí tăng do phương tiện cá nhân tăng cao dẫn đến gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng); tình trạng ô nhiễm nước mặt với các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét…;

Các bãi chôn lấp rác thải rắn tập trung sắp lấp đầy, dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải của TP là 14.150 tấn/ngày đêm, đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm; tình trạng ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng không hợp lý phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật; suy giảm đa dạng sinh học…, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, phát triển.

Để kiểm soát môi trường, hiện TP có 2 cụm quan trắc nước mặt trên lưu vực sông Nhuệ và sông Đáy, do Tổng cục Môi trường mới đầu tư và vận hành, đang chuẩn bị bàn giao cho Sở TN&MT; 6 trạm quan trắc không khí cố định (4 trạm do Trung ương quản lý, 2 trạm do Tổng cục Môi trường quản lý), nhưng thực tế chỉ có 2 trạm do Trung ương quản lý còn hoạt động tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên và tại số 8 Pháo Đài Láng, quận Đống Đa…

Hà Nội đã đầu tư xe quan trắc không khí lưu động và trạm quan trắc nước thải tự động tại các khu xử lý chất thải rắn tập trung của TP (khu Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và khu Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây); đang tiến hành thủ tục tiếp nhận 20 trạm quan trắc không khí tự động cố định do Chính phủ Pháp tài trợ. Dự kiến, từ năm 2017 đến năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các trạm quan trắc khí nước thải tự động tại các khu, cụm công nghiệp...

Các chuyên gia cho rằng cần xây dựng hệ thống quan trắc, quản lý dữ liệu thống nhất và ứng dụng công nghệ thông tin vận hành và nối từ Trung tâm TP đến Trung ương (Bộ TN&MT), tới cơ sở (thậm chí đến người dân, qua mạng điện thoại, internet) để quản lý, kiểm soát môi trường (nước, không khí…), qua đó huy động cả cộng đồng xã hội cùng tham gia kiểm soát môi trường, phát hiện vi phạm môi trường, kiến nghị xử lý và có trách nhiệm ứng xử thân thiện và có trách nhiệm với môi trường.

Các chuyên gia cam kết sẽ dành 1 tháng khảo sát môi trường trên địa bàn TP và tổng hợp các nội dung yêu cầu báo cáo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị nhóm chuyên gia Đức thống kê thiết bị tiên tiến nhất của các nước phát triển G7 phục vụ cho hệ thống, lắp đặt các trạm nhỏ gọn phù hợp với đặc điểm của TP như: Nhiều xe máy, ô tô quá hạn sử dụng; quan trắc khí thải các nhà máy trên địa bàn TP và các tỉnh lân cận. “Như ở hồ Tây, sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ... TP rất cần những trạm quan trắc tự động cố định, vì đây là những nơi tác động lớn đến cuộc sống rất nhiều người dân”, ông Chung nhấn mạnh. 

Đọc thêm