Chuyện ít biết về công thần kiệt xuất Đào Duy Từ

(PLO) - Ra mắt chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, bằng tài năng xuất chúng của mình, quan họ Đào đã góp công to lớn cho chúa Nguyễn trong việc dựng nghiệp đất Đàng Trong. Người tài giỏi, thì ở thời nào cũng đắc dụng đó thôi. 
 Đào Duy Từ cho đắp lũy Thầy
Đào Duy Từ cho đắp lũy Thầy

Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, sau khi kế nghiệp chúa Tiên Nguyễn Hoàng, những mộng lập một cõi giang sơn riêng “Hoành sơn nhất đái” vào Nam. Dẫu tài giỏi, chí lớn mưu cao, thì cũng phải có quần thần đủ năng lực mới thi thố với vua Lê, chúa Trịnh được. May sao, chúa tôi gặp nhau như cá gặp nước. 

Chúa hiền gặp tôi giỏi

Với Khám lý Trần Đức Hòa, dẫu được chúa trọng dụng, nhưng Đào Duy Từ lại là con rể ông. Vị quan họ Trần mong tìm cơ hội thích hợp để tiến cử người hiền với chúa Sãi mà chưa gặp dịp. Thế rồi, trời cũng chiều lòng.  

Dạo ấy, nhằm năm Đinh Tỵ (1627), quân hai bên Trịnh - Nguyễn đối địch nhau lần đầu tiên nơi Nhật Lệ. Tướng Nguyễn Hữu Dật buộc quân Trịnh phải rút về bởi sợ chính biến cung đình. Nhân lúc chúa đang vui, nhận thấy đây là thời điểm tốt, nên như Nam Hải dị nhân liệt truyện ghi “Đức Hòa vào yết kiến, dâng bài ca Ngọa Long cương, tâu rằng:

“Bài ca đó là của thầy đồ dạy học nhà tôi tên là Đào Duy Từ làm ra”. Đức Hy Tôn (tức chúa Sãi - người dẫn chú) xem lấy làm lạ, lập tức cho đòi vào yết kiến”. Vậy là cơ hội cá gặp nước, rồng gặp mây đã tới. Nhưng anh hùng gặp gỡ, tương phùng lại chẳng giống như kẻ tầm thường đâu. Cứ xem cuộc diện kiến chúa Sãi-Đào Duy Từ hẳn rõ. 

Sử nhà Nguyễn khi ghi lại cuộc gặp gỡ này, đã kể lại khá chi tiết, như để cho hậu thế biết được cung cách của anh hùng đối đãi với anh hùng, mà cũng như là anh hùng đang thử tài nhau vậy. Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay “Vài ngày sau Duy Từ đến yết kiến, chúa mặc áo trắng, đi hài xanh, ra cửa nách để đợi.

Duy Từ trông thấy, dừng bước, đứng yên, không vào, chúa biết ý, lập tức mũ áo chỉnh tề rồi mới triệu vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Chúa cùng nói chuyện, bằng lòng lắm. Phán rằng: “Sao khanh đến muộn thế!”. Lại phong làm Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hàu, quản quân cơ trong ngoài, tham lý quốc chính”. 

Đấy, người giỏi khác kẻ phàm ở lễ nghĩa của kẻ sĩ như thế. Thấy chúa ăn mặc ra dáng của người đang chuẩn bị đi chơi hơn là tiếp đãi nhân tài, thì lấy làm tự trọng mà không vào. Còn chúa thì biết ý mà y phục trang trọng để đãi đằng cho phải đạo trọng đãi hiền tài. Mới gặp gỡ là vậy, nhưng chúa hiền, tôi giỏi đã tương đắc. Chức cao lộc hậu được trao cho họ Đào ngay sau đó, hẳn chính là ở sự trọng tài của chúa Sãi vậy. Thế nên Việt sử mông học mới có đôi dòng như dưới đây:

Phò vua Hi Tôn,

Đứng đầu chức quan võ.

Bàn định việc quốc gia,

Tham mưu về quân sự.

Được trọng dụng, chính là lúc Lộc Khê hầu Đào Duy Từ đem hết tài trí của mình mà thi thố với đời, đền ơn tri ngộ của chúa Nguyễn. 

Đào Duy Từ ra sức phò chúa
Đào Duy Từ ra sức phò chúa

Công nghiệp với Đàng Trong

Ra làm quan cho chúa Nguyễn trong buổi dòng Gia Miêu ngoại trang đang gây dựng cơ nghiệp riêng một cõi để phân ly với vua Lê, chúa Trịnh, họ Đào dốc hết tâm sức mà cống hiến, được Việt sử mông học ghi nhận lại là: 

Lập phép chọn tráng đinh,

Dựng các khoa thi cử.

Đặt câu hỏi trả lời,

Để giao cho sứ bộ.

Cửa Nhật Lệ đắp thành,

Lũy Trường Dục còn đó.

Để giữ vững biên phòng,

Xưa nay thực hiếm có. 

Nói về quân sự, giữa buổi hai bên đối địch liên tục (1627-1672), Đào Duy Từ đã giúp cho chúa Nguyễn đủ sức mà cự chiến với Đàng Ngoài. Để ngăn bước tiến của quân vua Lê, chúa Trịnh, như Nam Hải dị nhân liệt truyện ghi “ông tâu xin phái dân binh đắp lũy Trường Dục, tự chân núi Trường Dục đến bãi Hạc Hải, để phòng thủ bờ cõi”.

Năm sau Tân Mùi (1631), lại đắp tiếp lũy khác từ cửa Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu để ngăn Nam-Bắc. Lũy này tục gọi là lũy Thầy, còn được truyền tụng trong ca dao:

Lũy Thầy ai đắp mà cao,

Sông Gianh ai bới, ai đào mà sâu.

Nào chỉ đắp lũy trên bộ, đối với đường thủy, Việt Nam nhân thần giám cho biết “lại ở các cửa bể, như là cửa Nhật Lệ, cửa Minh Linh, thì có chôn các chông bằng sắt, để giữ thuyền ngoài bể không vào được”. Không chỉ thế, ông đặt ra phép duyệt tuyển để kén kẻ tráng đinh, lập phép khảo thí để thu dụng nhân tài. Nhờ vậy, quân sự chúa Nguyễn vững vàng lắm. 

Gây dấu ấn nẻo binh bị, mặt ngoại giao ông cũng tỏ ra là tay cừ khôi, mưu kế thâm sâu lắm. Để dứt hẳn mối quan hệ với chúa Trịnh luôn nhăm nhe Nam tiến, Đại Nam chính biên liệt truyện cho hay “Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh”. Chẳng những thế, ông còn bày ra diệu kế bang giao “dư bất thụ sắc” (ta không nhận sắc) làm cho vua Lê, chúa Trịnh dẫu hậm hực mà chẳng tài nào trách phạt cho được. 

Như lời kể trong Việt Nam nhân vật chí vựng biên, ấy là dịp năm Kỷ Tỵ (1629), Thanh Đô vương Trịnh Tráng muốn kiếm cớ đánh chúa Nguyễn, bèn sai sứ đem sắc tấn phong cho chúa Sãi làm Thái phó quốc công. Chúa Sãi lấy làm khó nghĩ, triệu quần thần đến bàn.

Duy Từ phân tích tình hình, cho rằng chúa Trịnh mượn lệnh vua Lê mà nhử mình. Nếu nhận sắc mà không đến thì khi quân. Nếu không nhận thì họ dùng binh trách phạt trong khi binh bị chưa chu toàn. Hãy cứ tạm nhận để chủ động phòng bị rồi tìm kế trả sắc. Chúa nghe theo.

Nhờ có thời gian hòa hoãn, lũy Trường Dục được đắp lên để ngăn bước tiến quân Trịnh, Duy Từ liền dâng kế làm mâm đồng hai đáy, để sắc bên trong. Trên mâm đặt vật phẩm rồi sai sứ đi tạ ơn.

Đến khi sứ chúa Nguyễn đã về, mâm đồng được mở mới biết rằng chúa Nguyễn “mậu nhi vô địch, mịch phi kiến tích. Ái lạc tâm thường, lực lại tương địch” (ẩn ngữ của 4 chữ “dư bất thụ sắc”). Đó, cái tài tình của nghệ thuật ngoại giao của Đào Duy Từ là thế đó. 

Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa
Đền thờ Đào Duy Từ tại xã Nguyên Bình, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

Chút riêng để lại cho đời

Theo ghi chép để lại trong Thành ngữ, điển tích danh nhân từ điển, ngoài những đóng góp to lớn với tầm nhìn chiến lược cho chúa Nguyễn ở nhiều mặt quân sự, ngoại giao… Đào Duy Từ còn để lại cho đời những di sản thành văn mang dấu ấn riêng của ông.

Ấy là bộ Hổ trướng khu cơ. Đây là bộ binh thư của Đào Duy Từ, được Phạm Việt Tuyền trong Văn học miền Nam cho hay rằng là bộ binh thư dạy những điều cốt yếu về binh pháp, bao gồm 3 quyển chia làm Thiên tập, Địa tập, Nhân tập. 

Riêng về mặt văn thơ, dù để lại cho đời không nhiều, nhưng “ngay từ thuở còn hàn vi, Đào Duy Từ đã tỏ rõ chí khí của mình qua văn thơ, và tự ví mình như Gia Cát Lượng bên Trung Hoa lúc còn ở ẩn nơi núi Ngọa Long, nên ông đã làm bài “Ngọa Long cương vãn” viết bằng quốc âm, theo thể văn lục bát”.

Theo Văn học Nam Hà (văn học Đường Trong thời phân tranh) thì Ngọa Long cương vãn dài 316 câu, gồm phần lung, phần chính thứ nhất, thứ hai và phần kết. Mở đầu là phần lung 4 câu nói về vai trò của kẻ sĩ, cũng là tâm sự của ông:

Ngựa xe chàu giản ban lô,

Thấy thiên võ cử đời xưa luận rằng:

An nguy trị loạn đạo hằng,

Biết thời sự ấy ở chưng sĩ hiền. 

Còn Tư Dung vãn được làm khi họ Đào đã thành danh, dài 386 câu, thỉnh thoảng có xen lẫn những bài ca, những khúc ngâm, hoặc bài thơ Đường luật. Nội dung ca ngợi cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ của cửa biển Tư Hiền, cuộc đời nhàn tản của kẻ ẩn sĩ trong lúc đợi thời cơ. 

Lại vốn con nhà dòng dõi ca xướng, nên Đào Duy Từ ngoài việc chính sự còn góp công to lớn đối với sự phát triển của nghệ thuật hát bội đất Đàng Trong. Từ điển nghệ thuật hát bội Việt Nam cho biết “tương truyền ông là người sáng tác vở tuồng Sơn Hậu”.

Khi nghiên cứu về hát bội nước Việt, trong sách Nghệ thuật hát bội Việt Nam cho ta biết được vai trò của Đào Duy Từ với loại hình nghệ thuật này là “Tiếp đến Đào Duy Từ cũng bỏ miền Bắc vào Bình Định thì nghệ thuật hát bội Bình Định phát triển”.

Rõ là dấu ấn của ông với hát bội được ghi nhận. Nước non Bình Định thì ghi “hát bội xuất phát tại Bình Định, do Đào Duy Từ biến chế lối hát chèo ở ngoài Bắc và lối hát địa phương bắt chước Chiêm Thành, mà tạo ra”. Nếu Đào Tấn là hậu tổ hát bội, thì Đào Duy Từ là tiền tổ vậy...

Đọc thêm