Chuyện khó tin về đại gia đình sống trong ngôi nhà "không biên giới"

(PLO) - Hiện nay, không còn nhiều gia đình ngũ đại đồng đường duy trì bữa cơm chung hàng ngày, lại càng ít có chuyện tiền bạc quy về một mối để tiêu chung cả nhà. Nhưng cả hai chuyện hiếm này đã và đang có ở gia đình ông Nguyễn Văn Giáo (SN 1938, ở thôn Từ Hồ, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). 
Chuyện khó tin về đại gia đình sống trong ngôi nhà "không biên giới"
Gia đình của “những cái chung”
Ấn tượng đầu tiên về “những cái chung” của gia đình ông Nguyễn Văn Giáo là mảnh đất hơn 2 nghìn mét vuông xanh rợp bóng cây, trên đó tọa lạc 5 ngôi nhà xây theo kiểu biệt thự ngói đỏ tường xanh nằm thẳng một hàng. Thấy PV ngỡ ngàng nhìn “khu nhà không biên giới” của mình, ông Giáo cười khà khà: “Rồi cô sẽ thấy nhiều điều chung nữa ở đây”.
Thực ra truyền thống ở gần, ăn chung của đại gia đình không phải chỉ đến thời vợ chồng ông Giáo và bà Đỗ Thị Nhẫn (SN 1936) mới có. Đây chính là truyền thống gia đình đã được bố mẹ ông Giáo gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp trong suốt cuộc đời. Đến lượt mình, với 5 đứa con trai, ông Giáo cũng vẫn duy trì nếp nhà như vậy. Nghề mộc cha ông để lại chính là nguồn kinh tế chính của đại gia đình này. 
Hiện gia đình có Công ty sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, nội thất; cửa hàng kinh doanh quần áo đồ dùng thể thao; cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, tất cả đều mang tên Thành Đạt. Năm người con trai và năm cô con dâu, trừ người anh cả Nguyễn Văn Dung công tác ở Cục Tuyên huấn thì tất cả đều làm việc tại hệ thống công ty, cửa hàng của gia đình. Mọi công việc ở công ty, cửa hàng, việc bếp núc nội trợ trong gia đình đều được ông bà Giáo phân công dựa trên sở trường, sở đoản của mỗi người.
Hàng sáng, 24 con người của đại gia đình bắt đầu một ngày làm việc bằng bữa ăn sáng chung, sau đó mỗi người tản đi mỗi hướng làm việc, học tập. Buổi trưa, buổi chiều lại tụ tập về nhà trong bữa cơm chung. Đây cũng là lúc mọi người trong nhà trao đổi, chuyện trò với nhau về nhiều vấn đề hàng ngày. Hôm PV có mặt, trong bữa cơm chung buổi trưa, đại gia đình ông Giáo đang bàn chuyện đặt tên cho đứa chắt mới ra đời tối hôm trước. Cũng vì thế mà bữa cơm vắng mặt gần chục thành viên vì “được phân công đi hỗ trợ người đẻ” – theo lời ông Giáo.
Năm ngôi nhà san sát trong sân chung.
Năm ngôi nhà san sát trong sân chung. 
Ngoài những điều chung trên thì đại gia đình ông Giáo đã và đang tồn tại một “cái chung” mà hiếm gia đình nào ở Việt Nam có và duy trì được. Đó là tiền bạc quy về một mối để… tiêu chung. “Tôi thống nhất với các con, anh cả sẽ là người nhận các đầu mối báo cáo nhu cầu và phân chia nguồn kinh phí từ công ty tới các thành viên gia đình. Ví dụ, gia đình nào có con đi học thêm tháng cần bao nhiêu tiền thì báo cáo, gia đình nào có nhu cầu lễ tết nhà ngoại hoặc đi họp lớp, gặp gỡ bạn bè cũng báo cáo để anh cả xuất tiền... 
Còn các nhu cầu thiết yếu khác như gạo, thực phẩm và nhiều thứ lặt vặt nhu yếu phẩm khác thì cứ thế mà mua đều đặn hàng ngày, hàng tháng để dùng chung rồi” – ông Giáo cho biết và ông cũng nhấn mạnh thêm rằng chính nhờ cách quản lý gia đình như vậy nên đại gia đình 24 người năm thế hệ chung sống cùng nhau mấy chục năm mà chưa một người con, cháu nào phải phàn nàn về chuyện chia chác tài sản, rất ít khi trong nhà xảy ra mâu thuẫn.
Giữ hòa khí gia đình bằng bó đũa
24 con người là 24 cá tính, 24 nhu cầu, làm thế nào có thể “cầm cương” quy gia đình về một mối với lắm “cái chung” độc đáo, hiếm có như vậy? Ông Giáo cho biết, khi các con đến tuổi trưởng thành bắt đầu lập gia đình riêng, ông đã họp gia đình lại và phân tích nếu muốn có một gia đình đùm bọc lẫn nhau cả về mặt kinh tế lẫn tình cảm thì nhất thiết phải sống tập thể đoàn kết. 
Và để duy trì cuộc sống tập thể và bầu không khí đoàn kết này, ông Giáo cũng đưa ra những “kỷ luật sắt” như: bố mẹ phải tùy con tùy tính mà răn dạy và giao việc, nhưng phải luôn đảm bảo công bằng; mỗi gia đình nhỏ phải có một người đứng đầu tự bảo ban nhau và chịu trách nhiệm trước bố mẹ; anh cả phải là người tuyệt đối gương mẫu, chu đáo và bao dung trước các em, các cháu (kèm theo quy định này ông Giáo cũng yêu cầu anh cả sắm cho vợ con mình cái gì thì cũng phải sắm cho vợ con các em trai như vậy); trước khi quyết định việc gì đại gia đình cũng phải bàn bạc, xin ý kiến của từng người; con dâu, cháu dâu mới về cũng đều coi như con đẻ của mình và đều có bổn phận như nhau… 
Đại gia đình sống với nhau tránh sao khỏi có lúc sóng gió, gia đình ông Giáo cũng không ngoại lệ. Cách đây 7 năm, nghe phong thanh một cô con dâu có ý xin được ở riêng, trong bữa ăn tối, ông Giáo đã khôn khéo nhắc nhở con bằng việc vận dụng truyện ngụ ngôn “Câu chuyện bó đũa”. Ông cầm cả bó đũa và lấy hết sức mạnh để bẻ nhưng không gãy cái nào, sau đó đặt bỏ bó đũa xuống và bẻ gẫy từng chiếc dễ dàng. Người con dâu hiểu ý của bố và từ bỏ luôn ý định ra riêng.
“Nhà tôi có 5 thế hệ, mỗi người mỗi tính và quan điểm sống của mỗi thế hệ khác nhau nên không tránh khỏi xảy ra chuyện này chuyện nọ. Nhưng tôi phải luôn xác định với các con là ông bà, cha mẹ như cái gốc, con cháu như cái cành. Gốc có vững, cành lá mới xanh. Thế mới duy trì được hòa khí gia đình, nếp nhà” - ông Giáo tâm sự. 
Làm mẹ, ai chẳng xót con nên lắm khi thấy chồng khép con, cháu vào “kỷ luật sắt” như vậy, bà Đỗ Thị Nhẫn cũng chạnh lòng. Nhưng trước sau bà vẫn tuyệt đối ủng hộ chồng vì bà hiểu trong cuộc sống gia đình vàng bạc châu báu dù có nhiều đến đâu cũng không quý bằng sự đoàn kết, thương yêu./.

Đọc thêm