Chuyện kỳ lạ quanh hai cây “đại thụ” ở Hữu Khánh

(PLO) - Theo các cụ cao niên làng Hữu Khánh kể lại, hai cây thị cổ thụ trong làng không những là cây to nhất, lâu năm nhất của xã Tân Phương mà còn là cây to nhất, cổ thụ nhất của huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ). Tuy nhiên, hai cây thị này đến nay không còn lõi bên trong nữa, chỉ sống nhờ vào một phần thân và lớp vỏ bên ngoài…
Với người dân thôn Hữu Khánh, hai “đại lão mộc” là một phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm
Với người dân thôn Hữu Khánh, hai “đại lão mộc” là một phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Biểu tượng của người già trong vùng

Nhắc đến “đại lão mộc” trong làng, cụ Hứa Công Cẩn (SN 1924) là hội viên Hội Người cao tuổi thôn Hữu Khánh cho biết: “Hai cây thị này từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ tôi đã thấy cây to như thế rồi và giờ vẫn thế. Lũ trẻ trong làng vẫn thường lấy quả và hạt thị ăn”.

Còn cụ Nguyễn Thị Trường (SN 1940) - Huy hiệu 50 tuổi Đảng, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phương tâm sự: “Khi còn ít tuổi, chúng tôi thường đến chơi ở hai cây thị này. Khi ấy, chúng tôi cũng thường hỏi các cụ là cây thị có từ bao giờ thì các cụ cũng chỉ áng chừng vào khoảng cái tuổi của tôi bây giờ, tức là cũng đã ngoài bảy mươi tuổi với lời dặn, cây thị này tuổi đời đã rất lâu rồi. Còn tôi năm nay đã 76 tuổi thì vẫn thấy hai cây thị như thế”.

Theo tìm hiểu, hai cây thị cổ thụ làng Hữu Khánh được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam xếp loại là Cây di sản Việt Nam theo Quyết định số 455/QĐ-HMTg ngày 14/9/2012 với tuổi thọ khoảng 600 năm. Đối với cây thị thứ nhất có thân cao 4,3m; toàn cây cao 16,3m; đường kính tán: 18,2m; chu vi thân cây tại vị trí cách mặt đất 1m là 8,08m và được gọi là “cây thị trong”. Còn cây thị thứ hai có thân cây cao 3,2m; toàn cây cao 15,5m; đường kính tán 15,3m; chu vi thân cây tại vị trí cách mặt đất 1m là 4,8m và được gọi là “cây thị ngoài”. Hiện cây phát triển yếu, lá vàng.

Cụ Trường kể lại: Trước đây, làng Hữu Khánh chỉ vẻn vẹn có 9 nhà thôi mà toàn là nhà ngói cổ. Riêng khu vực hai cây thị là một vùng rậm rạp chứ không có người ở xung quanh khu vực hai cây thị này. Khi đó đã có 2 cây thị này rồi và người ta đoán là 2 cây thị là tự mọc chứ không có câu chuyện nào kể lại là đặt vấn đề trồng 2 cây thị này. Cho đến thời kỳ chống thực dân Pháp thì trong làng mới mở mang thêm một số nhà, và có một số nhà ở xung quanh cây thị này.

Hồi đó người ta rào dậu cái làng này, xung quanh làng có lũy tre bao bọc rất kín và bên ngoài người ta làm một cái cổng, gọi là cái Cổng Đông, bên trong cổng người ta làm một cái điếm gác luân phiên để bảo vệ làng. Và quy định một thời gian cụ thể là đi đâu, đến giờ đó là phải về làng. Ngoài giờ đó là người ta đóng cổng làng lại và không về được nữa. Thời gian đó, làng Hữu Khánh như một cái đảo, ngoài cái cổng đi vào làng thì không thể vào bằng bất cứ con đường hay lối vào nào khác cả. Xung quanh là mặt nước phẳng lèo, trắng như một cái hồ chứ không phải được như bây giờ.

Trong những năm kháng chiến, công tác bảo vệ làng rất tốt, không ai có thể vào được trong làng. Cho nên làng Hữu Khánh là nơi mà dân quân du kích ra vào và ở trong này để luyện tập. Khi đó, trong làng có hai cây thị, mỗi cây thị có một người gác, người ta dùng cái sừng trâu (còn gọi là tù và) để báo hiệu khi có giặc đến. Dân quân du kích cử người gác địch ở hai cây thị này rất là tốt. Có lúc địch vào làng, dân quân du kích nằm trên cây thị để ẩn náu, trốn tránh kẻ thù. Mặc cho giặc đi lại bên dưới hai cây thị này.

Lên phương án bảo vệ hai cây thị di sản

Từ năm 1985 đến trước khi vinh danh là Cây di sản Việt Nam, cụ Nguyễn Thị Trường cùng nhiều người cao tuổi khác ở làng Hữu Khánh còn thấy nhiều người đào ao, nuôi cá, xới xáo ở khu vực hai cây thị. Đồng thời còn có người dân đến chặt cành, lấy lá, kết hợp với việc làm đường bê tông… khiến hai cây thị lá vàng úa như sắp chết. Lúc này, các cụ cao niên làng Hữu Khánh mới nhận thức được rằng: hai cây thị là hai cây cổ thụ, là biểu tượng cho những người già trong làng.

Cụ Nguyễn Thị Trường (SN 1940) - Huy hiệu 50 tuổi Đảng, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phương kể về hai Cây thị di sản Việt Nam
Cụ Nguyễn Thị Trường (SN 1940) - Huy hiệu 50 tuổi Đảng, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Phương kể về hai Cây thị di sản Việt Nam

Ngay lập tức, Hội Người cao tuổi thôn Hữu Khánh tổ chức cuộc họp xin ý kiến của Ban Công tác mặt trận, Chi bộ thôn và đi đến từng gia đình, doanh nghiệp trên địa bàn vận động, xin ủng hộ tiền để xây hàng rào xung quanh bảo vệ hai cây thị, qua đó đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ rất cao.

Để cứu cây, mỗi gia đình đều tự nguyện đóng góp 50 nghìn đồng, một số người dân còn tình nguyện lên làm cỏ tầm gửi và tìm cách để bảo vệ cây thị. Khi có tiền ủng hộ, Hội Người cao tuổi thôn mới mua gạch xây tường bao, đổ đất xung quanh để bảo vệ hai cây thị này. Nếu trước đó, hai cây thị lá vàng úa như sắp chết; quả thì ít và héo quắt lại thì nay đã xanh tốt trở lại, quả nhiều và lá sum suê.

Qua những việc làm cụ thể và ý nghĩa của người dân địa phương, UBND xã Tân Phương và UBND huyện Thanh Thủy mới quan tâm, về khảo sát tìm hiểu và cho lập hồ sơ để công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Những huyền tích lạ

Theo các cao niên trong vùng kể lại, từ xưa hai cây thị này có liên quan đến việc thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh (con rể Vua Hùng - PV). Bởi Tản Viên Sơn Thánh đi đánh trận đến ngày 11 tháng Giêng thì ông về dừng chân ở khu vực hai cây thị này để mở tiệc khao quân và ông còn cho quân trèo lên 2 cây thị để tập luyện rồi kéo co, nấu cơm thi… Hai cây thị này giúp binh lính của ông được nghỉ ngơi, tổ chức vui chơi, đánh cờ người. Còn đình làng sau đó mới được dựng lên để thờ Ngài.

“Hai cây thị này, từ ngày lập hồ sơ để được công nhận là Cây di sản Việt Nam thì dân làng đặt 2 cái cây hương để cúng linh hồn Tản Viên Sơn Thánh và nghĩa quân của Ngài. Liệt sĩ đã hy sinh thì về đây để nghỉ mát” - cụ Trường tâm sự.

Ông Đỗ Văn Trại (SN 1948) là người được dân làng Hữu Khánh tín nhiệm giữ nhiệm vụ trông giữ ở đình làng cho biết: “Hai cây thị này giờ không còn cái lõi nữa, mà chỉ sống nhờ vào một tý cái vỏ bên ngoài của cây mà thôi. Trước chúng tôi đã đổ đất để cây mọc xanh tốt rồi, nhưng mưa bão xuống, tôi sợ cái vỏ nó toác ra thì Cây di sản của làng cũng không còn nữa. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm giúp dân làng Hữu Khánh làm mấy cây trống bằng xi măng cốt thép để giữ các cành cây khỏi đổ”.

Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương trao đổi với phóng viên
Ông Trần Dần, Chủ tịch UBND xã Tân Phương trao đổi với phóng viên

Trao đổi về hai cây thị làng Hữu Khánh, ông Trần Dần - Chủ tịch UBND xã Tân Phương cho biết: Sau khi được vinh danh, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền về ý nghĩa và giá trị của Cây di sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn và bảo vệ cây. Hiện nay, khu vực hai cây thị này đã xây dựng thành khuôn viên, có ghế đá để ngồi và vòng bảo vệ bao bọc xung quanh. Còn ý kiến người dân trong phương án bảo vệ cây di sản thì trong thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét, lên phương án và có hành động cụ thể để bảo vệ hai Cây di sản Việt Nam.

Hữu Khánh là một làng cổ nằm trên địa bàn xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong làng có ngôi đình xây dựng khá khang trang, thờ Tản Viên Sơn Thánh, năm 1992 được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Gần khu vực đình có 2 cây thị cổ thụ, niên đại khoảng 600 năm tuổi. Ngày 14/11/2012, hai cây thị cổ thụ này đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Đọc thêm