Chuyện kỳ lạ về ngôi chùa của những pho tượng đất không chìm dưới nước

(PLO) - Tương truyền những đứa trẻ chăn trâu giữa đồng nước nổi quanh năm đã nặn ra những pho tượng bằng đất, phát nguyện nếu thả xuống nước, tượng nào nổi sẽ đem về thờ tự. Khi điều kì diệu xảy ra, người đứng đầu làng cho rằng phi lý đã tận tay kiểm chứng. Nhưng các bức tượng đất vẫn nổi trên mặt nước, từ đó ông chấp thuận ý nguyện lập chùa. Ngôi chùa có tên Phật Nổi (còn gọi Chùa Phước Lâm).
Tượng phật bằng đất duy nhất còn lại tại chùa
Tượng phật bằng đất duy nhất còn lại tại chùa
Tám pho tượng đất luôn nổi trên mặt nước
Cách đây hơn 200 năm, chùa Phật Nổi được thành lập, toạ lạc ở ấp Ràng (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP HCM). Từ năm 1963, chính quyền cũ dồn dân lập ấp chiến lược, chùa Phật Nổi là cái tên được đưa vào “tầm ngắm” đầu tiên vì là cơ sở nuôi giấu cán bộ Cách Mạng nên chùa bị chính quyền cũ bắt chuyển về ấp Trung Hòa (xã Trung Lập Hạ) như hiện nay.
Kể về sự hình thành ngôi chùa, sư trụ trì Thiện Mẫn cho biết chùa gắn liền với những pho tượng bằng đất. Nhà tu hành bộc bạch, đến bây giờ người ta mới gọi những bức tượng đất là tượng phật chứ trước kia vẫn quen gọi tượng hình người.
Ngày trước tại ấp Ràng có vùng đồng dất Sét mênh mông nước quanh năm. Các vị tổ sư đều là mục đồng thấy vậy bèn dùng tre và trúc kết thành chiếc bè thả trên đồng nước để tiện việc chăn trâu. Từ chiếc bè nhỏ, một ngôi nhà nổi được dựng lên giữa đồng nước.
“Thường ngày, các vị mục đồng ngồi trên nhà nổi chăn trâu, xong lại lặn xuống nước vớt đất lên nặn thành các bức tượng hình người phơi khô. Những tượng này được sắp xếp xung quanh bè tre”, sư trụ trì kể.
Những tượng phật được tạc từ gỗ mít xuống cấp
 Những tượng phật được tạc từ gỗ mít xuống cấp  
Rồi ngày nọ, các vị mục đồng phát nguyện rằng những tượng đất phơi khô này nếu thả xuống nước, tượng nào nổi sẽ mang về nhà thờ, tượng nào chìm coi như trở về với đất mẹ. Nguyện xong, các mục đồng thả tất cả tượng đất xuống nước.
Thông thường, tượng đất nếu thả xuống nước sẽ chìm nhưng thật kì lạ, có 8 tượng lại nổi. Dù dùng tay ấn xuống sâu nhưng thả tay, tượng đất lại nổi lên. Vớt lên cũng không thấy thấm nước.
Lời nguyện được thực hiện, các mục đồng mang 8 tượng đất nổi lên bờ, lập chòi nhỏ bên gốc cây để thờ. Thường ngày chăn trâu, hễ đào được củ sắn, củ khoai họ đều mang đến gốc cây thắp nhang cúng xong mới dám ăn. Nhưng lạ rằng, khi mang những con cá bắt được đến cúng, tổ sư Phan Sử (Thiện Sử - Như Thành, trụ trì đầu tiên của chùa) là một trong số mục đồng nặn tượng bấy giờ đột ngột lên cơn sốt nặng. Suốt đêm, cậu bé chăn trâu nói những câu không ai hiểu được. Tìm mãi không ra bệnh, mọi người bèn liên tưởng đến lí do tâm linh liền tra hỏi những mục đồng còn lại mới hay sự việc.
Người dân trong làng liền họp bàn cách “tạ tội” với những pho tượng. Họ quyết định lập chùa để thờ những tượng đất này đường hoàng. Nhưng khó khăn rằng, vị hương chức đứng đầu làng không đồng ý vì không tin tượng đất lại có thể nổi.
Để chứng minh, hương chức mang 8 bức tượng đất đặt trên chiếc cầu bắc ngang bàu nước Đất Sét sau đó rút dây cho rơi xuống nước. Và điều kỳ lạ lại xảy ra, cả 8 bức tượng đều nổi. Hương chức tức giận bắt người lội xuống nước nhấn chìm một lúc lâu, nhưng sau đó tất cả vẫn nổi lên.
Sự kỳ lạ này buộc hương chức phải đồng ý cho người dân dựng chùa, từ đó sư Thiện Sử được tôn làm trụ trì đầu tiên. Vị trụ trì này vốn là mục đồng nên người dân quyên tiền đi tầm sư học đạo. Cũng từ đó, chùa có tên là Phật Nổi, đơn giản vì nơi đây thờ 8 bức tượng luôn nổi trên nước. Đến nay còn lại 2 bức, một được trưng bày ở chùa Phổ Quang, một đã bị mất đầu đang được thờ ở chùa.
Ngôi chùa đặc biệt các nhà sư kiêm chiến sĩ cách mạng
Trong kí ức của người dân địa phương, hiếm ngôi chùa nào các nhà sư đều là chiến sĩ cách mạng như ở chùa Phật Nổi. Ông Huỳnh Đạo (SN 1935, ngụ ấp Ràng) cho biết, chùa là căn cứ cách mạng từ thời chống Pháp. Sư trụ trì và các đệ tử đều là người cách mạng nên giặc Pháp thường đến đốt phá, bắt sư. Vì vậy mà chùa phải thay trụ trì liên tục.  
Vào năm 1963, phong trào đấu tranh phật giáo lên cao. Chính quyền cũ đã cho máy bay ném bom đánh sập chùa, sau đó sai lính đến dọn dẹp, cưỡng chế chùa dời về trong mảnh đất rộng 1000m2 tại ấp Trung Hòa và đặt tên mới là chùa Phước Lâm.
“Tôi nghe sư phụ kể lại, chính quyền cũ không cho đem theo bất cứ tượng phật nào theo cả. Họ nói đã có sẵn tượng ở chùa mới nhưng sư phụ không đồng ý, lén giấu nhiều tượng phật sau đó chuyển về chùa vào ban đêm. Hiện chùa có nhiều tượng phật cổ xưa bằng gỗ mít và một tượng bằng đất sét bị mất đầu”, sư trụ trì cho biết.
Tuy nhiên do kinh phí nhà chùa còn hạn hẹp nên chưa tu bổ được. Bởi vậy những tượng phật này ngày càng hư hỏng nặng. Riêng bức tượng bằng đất quá độc đáo nên không thể tu sửa được.
Sư trụ trì Thiện Mẫn kể lại sự tích lập chùa
Sư trụ trì Thiện Mẫn kể lại sự tích lập chùa 
Một trong những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu chính là sư trụ trì Thiện Mẫn. Ông là đệ tử đời thứ 41 phái Thiền tông Lâm tế chánh tông theo sư phụ học đạo từ nhỏ. Giai đoạn từ năm 1984 - 1988, thiền sư nhập ngũ sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Đến năm 2006, sư phụ viên tịch nhường lại chức trụ trì cho thiền sư Thiện Mẫn. Vị trụ trì cho biết không thu nhận đệ tử, hiện đang sống 1 mình với sự giúp đỡ của phật tử gần chùa.
Thiền sư Thiện Mẫn giãi bày: “Tôi muốn chuyển chùa về lại ấp Ràng vì đó là nơi phát tích nhưng không có điều kiện. Ngay cả chùa mới vẫn chưa hoàn thiện được. Dân chúng ở đây nghèo lắm, nhà chùa không nỡ nhận tiền cúng dường của họ”. 
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng hàng tháng, thiền sư vẫn tổ chức nấu cơm chay phát miễn phí cho người dân xung quanh 4 ngày. Ngoài ra, nhà chùa còn lập quỹ lấy kinh phí giúp đỡ người nghèo, những hoàn cảnh bệnh tật. Hằng ngày vị thiền sư lại rong ruổi các ngã đường đặt bình trà đá miễn phí để mọi người đi lại được giải khát. Người dân xung quanh cảm kích tấm lòng hiếu nghĩa nhà sư nên thường xuyên đến chùa lau chùi giúp bàn ghế, dọn dẹp khuôn viên./.

Đọc thêm