Chuyện lạ: PGS có bằng C tiếng Anh nhưng không đọc được tên phần mềm máy tính

(PLO) - Với tuyên bố “số lượng đào tạo tiến sĩ hàng năm của Học viện Hàn lâm Khoa học Xã hội 350 chỉ tiêu còn rất ít so với nhu cầu thực tế”, nỗi lo về đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng thay vì chất lượng càng tăng mạnh hơn. 
Chuyện khó tin nhưng có thật.
Chuyện khó tin nhưng có thật.

Không công bố vì… nhạy cảm

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. Trên mạng xã hội, có người làm phép tính cơ học và đưa ra kết quả: Trung bình một tháng được gần 20 tiến sĩ, chính xác hơn là 1,76 ngày một tiến sĩ. Nếu tính ngày làm việc, chỉ 1 ngày một tiếng, 15 phút, cơ sở này cho “ra lò” một tiến sĩ. 

Nhiều người còn nêu một số đề tài được cho là chưa xứng tầm nghiên cứu tiến sĩ: “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã”; “Đề xuất các cán bộ lãnh đạo cấp huyện trở lên phải luôn luôn được nâng cao tư duy biện chứng”. “Địa vị pháp lý của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, “”Hứng thú rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên cao đẳng sư phạm””, “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”, “Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề”...

GS Vũ Dũng - Viện trưởng Tâm lý học cho biết: Nếu như lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ dễ dàng hơn trong việc kết nối và công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế thì ở lĩnh vực khoa học xã hội có rất nhiều nhạy cảm cần cân nhắc. “Tôi vừa chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu rất tốt nhưng chúng tôi không thể đăng trên Tạp chí quốc tế, vì cân nhắc tới vấn đề nhạy cảm”, ông Vũ Dũng trao đổi.

Và cũng theo lý giải của ông Dũng, thì hiện nay các đề tài làm nghiên cứu đang hướng tới sự áp dụng với thực tiễn. Thế nên, không phải những đề tài kiểu như “ nịnh” và “ứng xử với dân” không phải là vô bổ… Đành rằng, đó cũng là một xu hướng của thế giới, thế nhưng, với cách làm dễ dãi và đặc tính của xã hội chúng ta thì không ai có thể dám nhìn thẳng và công bố tính ứng dụng của các công trình nghiên cứu sinh.

Lý giải về sự dễ dãi ở ta, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Thứ nhất là tư duy của người Việt Nam từ xưa đến nay đều coi trọng việc học và đó là cách duy nhất để làm quan. Thứ hai là yếu tố thị trường, nếu đảm bảo cung cầu dễ dàng thì nó tồn tại nhất là khi pháp luật không có quy định cụ thể. Thứ ba là vì cách cất nhắc cán bộ. Do chúng ta không dám nhìn thẳng, không đánh giá thẳng vào năng lực của từng người nên mới phải đưa ra tiêu chí mang tính hình thức. Ví dụ: bằng cấp cao hơn thì ưu tiên hơn... Khi đã đưa ra những tiêu chí này thì những danh hiệu, những chức danh đi theo tiêu chí đó cũng trở nên giả tạo. 

Tôi cho rằng xã hội hay kỹ thuật thì cách tiếp cận bằng cấp ngang nhau. Có nhiều người kêu rằng một số đề tài khoa học xã hội hiện nay không có ý nghĩa. Điều này là đúng, nhưng do mọi người không thông thạo các đề tài kỹ thuật, kinh tế, công nghệ. Các đề tài này cũng như thế thôi, là vấn nạn chung của nước ta.  Có lẽ chỉ khoa học cơ bản ít hơn vì nó nằm ở không gian hoàn toàn khác, không sát “mặt đất”. Vì nó có tiêu chí đánh giá về mặt khoa học rõ ràng. Còn tất cả thứ khoa học gắn với “mặt đất” thì đều vướng phải vấn đề: đề tài không ra làm sao cả.

Các nước rất tôn trọng trình độ thật của con người thông qua các công trình thực của người đó. Nhưng ở Việt Nam, chúng ta  vẫn cứ líu ríu mấy chuyện không dám nhìn thẳng vào sự thật khi đánh giá người này kém, người kia giỏi. Trong khi Việt Nam quy định sau khi bảo vệ 3 năm, tiến sĩ sẽ được quay lại hướng dẫn nghiên cứu sinh thì các nước không ấn định về mặt thời gian, họ chỉ quan tâm người đó có nổi tiếng hay không.

Vì thực tế, có nhiều người còn nổi tiếng trước khi làm tiến sĩ. Họ đánh giá con người đó có thực sự được các nhà khoa học trọng vọng không, có thực sự  có tài không. Còn chúng ta không dám làm việc đó, chúng ta đành đưa ra các tiêu chí hình thức. Chúng ta không dám nhìn vào nội dung xem người đó có bao nhiêu công trình khoa học được công bố ở nước ngoài, trong nước, bao nhiêu công trình được trích dẫn ở các đề tài khoa học khác. Chúng ta không dám đưa ra những tiêu chí mang tính nội dung, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Nghiên cứu sinh “vừa học vừa… làm”

Chị Nguyễn Thị Thúy, nghiên cứu sinh tại Australia cho biết: “Khi mới nhận học bổng làm tiến sĩ, tôi còn băn khoăn vì sao phải mất tới 5 năm để làm tiến sĩ, nhưng khi thực sự bắt tay vào mới thấy 4 năm chưa đủ để nghiên cứu một đề tài khoa học cho Luận án tiến sĩ. Quá trình này đòi hỏi tính nghiêm túc, khả năng nghiên cứu, tinh thần tự học hỏi rất cao và tất nhiên không thể thiếu sự hỗ trợ của thầy hướng dẫn và hội đồng giám khảo qua từng giai đoạn”. 

“Ở trường đại học, nơi tôi làm Luận án tiến sĩ có tới 50% nghiên cứu sinh đã rút lui sau trong quá trình làm luận án. Chỉ 30% trong số các nghiên cứu sinh còn lại có thể hoàn thành trong thời hạn 4 hoặc 5 năm. Đấy là với những trường hợp dành toàn bộ thời gian làm nghiên cứu. Còn những người vừa đi làm, vừa học thì thời gian trung bình phải mất 7-8 năm. Thậm chí tôi biết có trường hợp hoàn thành Luận án tiến sĩ mất 11 năm”, chị Thúy kể.  Chị Nguyễn Thị Thúy cho rằng, điều cốt yếu trong quá trình làm nghiên cứu sinh là đề tài nghiên cứu có thực sự chất lượng hay không?  “Có những người theo đuổi đề tài tới hơn chục năm, có người tạm dừng và chỉ quay lại khi thấy mình đã đủ năng lực và tìm được những dữ liệu phù hợp cho đề tài”. 

Trao đổi với báo chí về đào tạo tiến sĩ hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chất lượng đào tạo tiến sĩ của ta hiện nay thấp vì đang xuất hiện xu hướng làm tiến sĩ không phải để làm khoa học hay giảng dạy mà để có chức vụ, dễ thăng tiến. 

So sánh giữa quá trình làm nghiên cứu sinh trong nước và nước ngoài, các chuyên gia cho rằng, cái dở nhất trong đào tạo tiến sĩ trong nước hiện nay là đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm. Nghiên cứu sinh vẫn làm việc ở cơ quan hoặc công tác ở địa phương, chỉ định kỳ gặp gỡ thầy hướng dẫn. Việc nghiên cứu sinh không làm việc trong môi trường học thuật, cả quá trình đào tạo chỉ hoàn thành một luận án thì giá trị khoa học của những luận án đó khó cao. 

Theo một số nghiên cứu sinh, chi phí để có một tấm bằng tiến sĩ ở Việt Nam tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế có khi hơn 1 tỷ đồng, ngành kém hot hơn cũng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng theo một số nguồn tin giấu tên, chi phí tiến sĩ ngành kinh tế giờ đã giảm nhiều, hay nói vui là “bị phá giá” do bị cạnh tranh nhiều bởi có nhiều trường đại học được quyền chiêu sinh nghiên cứu sinh (NCS). Nếu tính theo mức học phí qui định thì tổng chi phí cho một nghiên cứu sinh chỉ khoảng 50 triệu đồng,  bằng 1/10- 1/20 so với chi phí thực tế.

Căn cứ  thông báo về “Mức thu học phí đối với NCS và học viên cao học năm học 2015 -2016” do Học viện Khoa học Xã hội ban hành ngày 4/12/2015, học phí dành cho NCS  là 1.525.000 đồng/ tháng/ học viên. Như vậy, học phí 1 năm là 15.250.000 đồng/ học viên, tổng cộng 3 năm nghiên cứu là 45.750.000 đồng. Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng, để có được một tấm bằng tiến sĩ, đâu chỉ có học phí.Tiến sĩ khối kỹ thuật thì chi phí ít hơn bên kinh tế nhưng để bảo vệ được phải làm thí nghiệm cũng “vỡ mặt”, nên nhiều người bỏ giữa chừng.

Theo một chuyên gia công tác lâu năm trong lĩnh vực đào tạo tại một trường Đại học (ĐH) ở Hà Nội, quy trình, quy chế của Bộ GD-ĐT hiện hành xem qua có vẻ chặt chẽ và hợp lý. Nhưng nếu chiếu từ phổ thông lên đến ĐH thì học tiến sĩ dễ nhất. Học sinh thi ĐH phải có giám thị nọ, giám thị kia, giáo viên nào chấm không ai biết. Nhưng với tiến sĩ, mỗi học  phần, ai chấm, NCS đều biết. Còn khi bảo vệ luận án, về nguyên tắc NCS nộp luận án về cho văn phòng của trường, còn ai chấm, ai phản biện chỉ trường biết. Nhưng chính những người “giữ chìa khóa” đó lại là người mở khóa.

GS Nguyễn Minh Thuyết đưa ra quan điểm: các luận án không chỉ nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể mà phải nâng tầm hiểu biết, tầm nhìn, phương pháp nghiên cứu, tư duy cho người được đào tạo để sau này họ tiếp tục giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn. Nếu đi vào những đề tài quá nhỏ thì luận án làm xong là kết thúc, không còn triển vọng mở rộng nữa. Đánh giá về tính ứng dụng của các đề tài tiến sĩ hiện nay, GS Nguyễn Minh Thuyết nói: “Chúng ta vẫn chưa hướng được các đề tài nghiên cứu khoa học vào những vấn đề thiết thực và kết quả nghiên cứu vẫn còn xa mới đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn”.

Mặt khác, “nồi cơm” của các trường đang chuyển từ đào tạo tại chức sang đào tạo sau ĐH, trong đó có tiến sĩ. Thế nên, không ít thực tế hài hước được chia sẻ thế này: Ở trường tôi, 1 Phó giáo sư có bằng C tiếng Anh nhưng không đọc được tên các phần mềm cài đặt trực tiếp trên màn hình máy tính; và 1 TS Văn học Trung đại nhưng tiếng Trung và Hán Nôm không biết và tiếng Anh cũng không biết (đọc File là Phi le) đấy có ai tin không? Khó tin nhưng có thật đấy (!)./.

Đọc thêm