Chuyện “ông Tổ trưởng” lạ đời

(PLO) - Trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận là điển hình 7 năm liền đạt cấp quận. Tuy nhiên, ít ai biết rằng từ mấy năm trước, khu phố nghèo trong con hẻm cụt này từng “nóng” lên với rất nhiều tệ nạn xã hội. 
Ông Hồ Đề đang thông báo cho từng hộ dân trong khu phố tiêm chủng cho trẻ em
Ông Hồ Đề đang thông báo cho từng hộ dân trong khu phố tiêm chủng cho trẻ em
Nhờ quyết tâm làm “sạch” địa bàn của ông Tổ trưởng tổ dân phố và bà con nơi đây, nhiều cách làm hay đặt ra đã giúp khu phố dần đẩy lùi được các tệ nạn. 
Thấy ma túy, đá gà, cờ bạc là… phản ứng nhanh
Trước đây, trong mỗi cuộc họp tổ dân phố chỉ có lèo tèo vài ba người đến dự nên thường họp xong cũng không đem lại hiệu quả gì, trong khi đó nhiều tệ nạn đáng báo động đã len lỏi khắp các ngõ ngách trong khu dân cư, đặc biệt là trong hẻm cụt ở đường Trần Kế Xương, Phú Nhuận. Để mọi người đồng lòng đẩy lùi được tệ nạn, đầu tiên, ông Tổ trưởng tổ dân phố in thư mời gửi cho từng hộ và dặn khi đi họp, nhớ nộp lại thư mời này cho Ban điều hành để điểm danh. 
Tại buổi họp, Tổ trưởng, Tổ phó gợi ý, đưa ra những câu hỏi “mở” để mọi người cùng thảo luận, kể cả tranh cãi, phản biện, ghi chép những kiến nghị của bà con đề đạt lên trên phường. Nhờ đó, cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ với bà con giải quyết dứt điểm một số tệ nạn.
Có thời gian, ở tổ dân phố 112, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận tồn tại nạn đá gà bắt độ theo kiểu “du kích” nên rất khó bắt quả tang. Rồi nạn tiêm chích ma túy ở trong hẻm cụt, mà hẻm cụt thì góc khuất nhiều, con nghiện tụ tập thành từng nhóm chích choác, quăng kim tiêm bừa bãi nên ai nấy đều ngán ngại. Với sự vào cuộc tích cực của tổ dân phố 112 và công an phường, các tệ nạn dần đã được hốt sạch. 
“Tôi vận động nhân dân là mỗi hẻm như vậy đều có người trực, thấy xì ke ma túy là báo ngay Tổ trưởng, Tổ trưởng liên hệ báo liền cho cảnh sát khu vực là tụi nó trở tay không kịp. Làm vậy vài lần, không còn chích choác” - ông Hồ Đề, Tổ trưởng tổ dân phố 112 vui vẻ kể. 
Cũng bằng cách làm này, tổ dân phố cũng đã dẹp yên nạn đòi nợ thuê theo kiểu “xã hội đen” tại nhà bà Thu ở đường Trần Kế Xương và cảnh gây rối trật tự công cộng vào đêm khuya ở một số nơi trong khu phố. 
Chuyện ông Tây “kỳ cục”
Có một câu chuyện vui mà mỗi khi ông Hồ Đề kể lại, mọi người vẫn không nhịn được cười. Đó là khoảng giữa năm 2011, nhiều bà con báo cho Ban điều hành tổ dân phố biết có một ông Tây mới đến nhà không số rất “kỳ cục”. Ông ta từ chối, bất hợp tác với mọi người, từ bà Tổ phó tổ dân phố đến anh cảnh sát khu vực. 
Sự việc tưởng chừng bế tắc thì ông Hồ Đề chợt nghĩ: “Ông Tây này là người Anh, mà người Anh luôn tôn trọng pháp luật và cảnh sát, không lý nào lại hành xử như vậy”. Ông Hồ Đề mời anh cảnh sát khu vực cùng Ban điều hành đến gõ cửa nhà ông Tây một lần nữa. 
Ông Hồ Đề đứng ngoài cổng tự giới thiệu bằng câu tiếng Anh: “Chúng tôi là Công an phường 7, đến thăm và giúp đỡ bạn, xin vui lòng mở cổng, rất cám ơn”. Chưa nói hết câu thì ông Tây đã mở cửa sổ phòng nhìn ra, thấy mọi người đứng ngoài cổng liền ra mở và chào hỏi bằng tiếng Anh: “Kính chào ngài sĩ quan cảnh sát”. 
Thì ra ông Tây này không hiểu, không nghe và không nói được tiếng Việt. Hơn nữa, ông hiểu nhầm rằng với giấy tờ được cấp, ông có thể ở bất cứ nơi nào mà không cần đăng ký tạm trú. Khi hiểu Luật Cư trú của Việt Nam, ông Tây rối rít cảm ơn và xin lỗi, ông nói bằng ngôn ngữ của mình: “Ngày mai tôi gắn biển số nhà lên, đến công an phường đăng ký tạm trú, họp tổ dân phố đều đặn và đóng các khoản phí như mọi người”. 
Mọi người cùng nói chuyện thân tình, vui vẻ. Nhiều bà con gần đó tò mò hỏi: “Có chuyện gì mà vui vậy ông Tổ trưởng?”. Ông Hồ Đề trả lời: “Ông Tây mới đến tổ ta/Tưởng là kỳ cục hóa ra tuyệt vời”. 
Ngoài ra, có một chuyện đáng mừng là tổ dân phố đã tự vận động bà con quyên góp tiền làm đường dân sinh. Kể lại quá trình đi vận động từng nhà, ông Hồ Đề hồ hởi cho biết: “Tổ dân phố này là phố nghèo trong hẻm cụt. Trong lúc phường có 5, 7 hẻm, mưa là nước ngập phần nhiều lên tận đầu gối. Bà con bàn góp mỗi nhà 3 triệu đồng. Nghèo mà góp 3 triệu đồng là lớn lắm! Nhưng mà cũng không đủ. 
Cuối cùng, tôi phải đi vận động những tổ bên cạnh. Nghe tổ mình làm đường, người ta ủng hộ thêm 10 triệu đồng nữa. Vậy mà vẫn chưa đủ số tiền để làm đường hẻm. Cuối cùng, Ban điều hành phải đi vận động thêm những người có nhà quay lưng với đường hẻm, họ sẵn sàng ủng hộ thêm được 10 triệu 500 ngàn đồng. Làm được con hẻm này không tốn tiền nhà nước”. 
Nói về những việc làm của ông Tổ trưởng tổ dân phố, Chủ tịch UBND phường 7, quận Phú Nhuận Phan Lê Băng Tuyền cho rằng: “Công tác vận động của ông Hồ Đề làm rất tốt. Đa số các hộ dân khi vận động đều e ngại, đặc biệt là làm đường hẻm, thường người ta chờ đợi Nhà nước làm, mà kinh phí Nhà nước thì rất ít, thấp và làm từng con hẻm thì rất lâu. Ông Hồ Đề đã chủ động vận động kinh phí 100% nhân dân đóng góp, làm được đường hẻm 101 Trần Kế Xương, khu vực gần nhà ông”.
Để làm được những việc có ích cho khu phố, nghe chừng như đơn giản nhưng nếu không có một ông tổ trưởng tổ dân phố nhiệt tình với khu phố như ông Hồ Đề, bày ra đủ các cách dẹp yên tệ nạn, tập hợp được sự giúp sức của mọi người dân trong khu phố thì có lẽ cái danh hiệu “7 năm liền khu phố đạt điển hình cấp quận trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” không biết bao giờ mới chạm đến được. Và quan trọng hơn là ông đã góp sức giữ được môi trường an ninh và yên bình thực sự cho người dân sống trong khu vực này.

Đọc thêm