“Chuyến tàu hai năm” và những câu chuyện ấm áp tình người

(PLO) - Khi phố phường tràn ngập sắc hoa, không khí Tết đã len lỏi vào từng nhà thì họ lại xách va ly, lên những “chuyến tàu hai năm”, phục vụ hành khách với những kỷ niệm vui, buồn ấm áp tình người…

“Chuyến tàu hai năm” và những câu chuyện ấm áp tình người
Trong cái lạnh se sắt của tiết trời miền Bắc những ngày cuối đông, tôi tìm đến Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội. Tại đây, tôi được gặp những con người bình dị mà rất đỗi thân thương với hàng triệu con người trên những chuyến tàu xuôi ngược khắp cả nước từ ga Hà Nội.
“Bỏ” gia đình “theo”… những chuyến tàu Tết
Mới gần 50 tuổi nhưng chị Trần Thị Nga đã có thâm niên 26 năm trong ngành đường sắt. Từ một nhân viên phục vụ trên tàu, nhờ sợ nỗ lực, cố gắng, chị Nga được Xí nghiệp cất nhắc lên vị trí Tổ trưởng tổ cung ứng, phục vụ các xuất ăn cho hành khách trên tuyến Thống Nhất Bắc - Nam. 
Hướng ánh mắt về phía những toa tàu đang đợi giờ khởi hành, chị Nga tâm sự: “Đến bây giờ tôi cũng không nhớ mình đã đón giao thừa dọc đường bao nhiêu lần, chỉ biết rằng ăn Tết trên tàu nhiều hơn ở nhà”.
Tiếp lời, chị Nga kể: “Lần đầu tiên tôi đón giao thừa trên tàu là năm thứ nhất về làm dâu. Mình làm việc theo cả đoàn tàu nên không thể đổi ca cho ai được, đành phải xách va ly, “bỏ” gia đình để đi làm. Lúc chồng chở ra xí nghiệp, nhìn cảnh người người, nhà nhà đi mua sắm đào, quất… chuẩn bị cho Tết ngoài phố, mình thấy buồn lắm. Bởi việc sắm sửa Tết, trang hoàng lại nhà cửa đón năm mới đầu tiên ở gia đình chồng đã thất bại, đành “phó mặc” cho chồng và bố mẹ chồng... Cũng may tôi được gia đình chồng ủng hộ hết lòng nên mới theo nghề được đến tận bây giờ”.
Có khi nào các con chị phản đối, muốn chị đổi nghề không, tôi hỏi. Mỉm cười chị bảo: “Trẻ con, đứa nào cũng thích được mẹ đưa đi mua sắm quần áo mới để diện Tết hay đi chơi…  Vậy mà tôi đã không làm được điều đó cho con, để cháu phải thui thủi một mình ở nhà cùng bố và ông bà nội. 
Thế nên, khi tôi trở về nhà (có lần đã qua Tết, lần chưa qua), vừa xách hành lý vào sân, con bé lớn tiếng nói: “con a xít mẹ”, “sao mẹ không về ăn Tết cùng con”, “con không muốn làm con của mẹ nữa đâu” rồi khóc chạy vào nhà. Nghe con trách mình cũng thấy tủi thân. Nhưng nhờ sự giải thích của ông bà, bố, bác gái, bé cũng hiểu và thông cảm với tôi”.
Cũng “bỏ” nhà “theo” những chuyến tàu Tết là anh Trần Đức Xuyên (quê Nam Định, Trưởng tàu, phụ trách tàu tuyến Hà Nội – Lào Cai). Mới ngoài 30 tuổi nhưng, anh Xuyên đã có thâm niên 14 năm trong ngành đường sắt. Với anh, việc theo những “chuyến tàu hai năm” dường như đã thành thông lệ mỗi khi Tết đến xuân về.
“Lần đầu tiên đón giao thừa rồi ăn Tết ngay trên tàu mình thấy hồi hộp và nhớ nhà lắm. Bởi nếu ở nhà, tôi sẽ được cùng các thành viên trong gia đình tắm nước lá mùi do chính tay mẹ nấu để rũ bỏ những phiền muộn, xui xẻo năm cũ, đón những may mắn, tốt lành trong năm mới. Sau đó, tôi sẽ thay cha thắp hương tổ tiên khi thời khắc giao thừa đã sang…”, anh Xuyên chia sẻ. Anh Xuyên cũng không bao giờ quên được khoảnh khắc nhận được tin vui vợ sinh con trai thứ hai khi đang ở trên tàu vào đêm 29 Tết…
Anh Trần Đức Xuyên chia sẻ với PV.
Anh Trần Đức Xuyên chia sẻ với PV. 
Bao nhiêu năm trôi qua, không chỉ chị Nga, anh Xuyên mà rất nhiều cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội vẫn miệt mài với công việc phục vụ hành khách bằng tình yêu nghề sâu sắc. Với họ niềm vui chính là được đưa những hành khách thân yêu về chung vui bên gia đình, người thân.
Và những câu chuyện ấm áp tình người
Anh Phan Tiến Dũng (51 tuổi, Trường tàu Thống Nhất chạy chuyến bắc Nam) cho biết: Những chuyến tàu tết hầu như ai cũng trong tâm trạng buồn vì không được đón giao thừa bên gia đình, người thân và anh cũng không phải ngoại lệ. 
Anh Dũng vẫn nhớ như in chuyến tàu Tết đầu tiên anh làm việc đi từ Sài Gòn ra Hà Nội vào đêm 30 Tết: “Lúc ra tàu mình thấy anh em cùng đội ai cũng buồn bởi đây là chuyến tàu chạy Tết đầu tiên. Không ai nói với ai một câu, chỉ biết lên tàu là lao vào nhiệm vụ của mình thôi. Mình buồn nhưng khách càng buồn hơn vì đây là những hành khách cuối cùng của năm vì nhiều lí do mà phải đi chuyến tàu này. Thế nên sau khi hội ý với đội phục vụ ăn uống trên tàu, mọi người quyết định mời hành khách cùng đón tết giao thừa. Lúc đi phát lì xì cho hành khách lấy may đầu năm, nhìn gương mặt buồn bã, mệt mỏi nở nụ cười, mình thấy vui lây”.
Được biết, từ ngày quyết định chạy thêm chuyến tàu Tết, Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội luôn chuẩn bị quà cho tất cả hành khách trên mọi chuyến tàu. Và khi đến giao thừa, trưởng tàu chúc Tết các hành khách qua hệ thống phát thanh trên tàu, sau đó đi phát quà cho hành khách rồi mời họ sang toa phục vụ đón giao thừa cùng anh em trên tàu.
Anh Chử Quang Mạnh (Phó tàu phụ trách an toàn trên tuyến Lào Cai) chia sẻ: “Có năm tàu chạy từ Lào Cai về đến Việt Trì – Phú Thọ thì đến giao thừa. Qua khung cửa kính của tàu, chúng tôi nhìn thấy người dân hai bên đường bắn pháo bông trong niềm vui hân hoan khiến tất cả mọi người hò reo Tết đã về, năm mới đã sang… Và, trong số những hành khách trên chuyến tàu ấy có một nhóm khách từ Campuchia về. Những vị khách này nhìn thấy pháo bông của dân đốt, ai cũng rưng rưng nhớ nhà vì xa quê đã mấy năm trời”.
Hay đó là kỷ niệm không bao giờ quên của chị Nga trên chuyến tàu Tết từ Sài Gòn ra Hà Nội. Trên chuyến ấy có một cậu thanh niên chỉ mua vé đi mà không kèm xuất ăn. Khi tàu về đến miền Trung, bị tắc đường, cả đoàn tàu bị mắc kẹt lại một ngày, cậu thanh niên mới ngập ngừng đến bên chị Nga. 
“Nhìn vẻ ấp úng, lúng túng của cậu ấy, tôi hiểu ngay. Chẳng đợi cậu ấy mở lời, tôi hỏi luôn “em hết tiền à”, sau đó tôi mời cậu ấy một xuất cơm. Hôm sau, khi tàu chạy về đến ga Phủ Lý, trước khi tàu dừng, tôi dúi vội vào tay cậu ấy một ít tiền đủ để bạn có thể đi xe về nhà với lời dặn “cho bạn vay, khi nào gặp mình thì trả sau cũng được”, chị Nga kể.
Có thể nói đây chỉ là một vài câu chuyện cảm động nhưng ấm áp tình người trên những “chuyến tàu hai năm”. Năm mới đã đến, tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, những cán bộ công nhân viên của Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội lại hối hả với những chuyến tàu “xuyên năm” như một điều tất yếu trong cuộc sống./.

Đọc thêm