Chuyện tình của cựu lính đảo qua những lá thư tay

(PLO) -Trung tá Đoàn Ngọc Bảy (SN 1972), Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, nói biển đảo khắc sâu những ký ức đẹp nhất cuộc đời anh. Anh Bảy từng là người lính đảo xa, dành tuổi trẻ nơi đầu sóng ngọn gió và tình yêu của anh cũng lớn lên từ nơi đó.
 

 

Anh Bảy chị Hiếu yêu nhau qua những bức thư tay
Anh Bảy chị Hiếu yêu nhau qua những bức thư tay

Năm tháng không quên

Năm 1989, chàng trai trẻ Đoàn Ngọc Bảy mang theo ước mơ trở thành người lính “Bộ đội cụ Hồ” vào sinh sống cùng anh trai ở đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Năm 1992, anh chính thức trở thành người lính, vác trên vai cây súng canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc. 

Những năm tháng ấy, anh cùng đồng đội đã gắn bó với đảo bằng cả tấm lòng nhiệt huyết và cống hiến sức trẻ của mình. Ban ngày cùng nhân dân vác đá làm đê chắn sóng, sửa chữa đường xá, ban đêm ngồi kể chuyện nhớ đất liền, nhớ quê hương. Bởi với anh biển đảo rất đỗi thiêng liêng, khó có thể diễn tả bằng lời.

Nhớ về những kỷ niệm sâu sắc nhất thời lính đảo, anh Bảy kể, năm 2006, có một trận bão lớn quét qua, mưa to, gió lớn, sóng đập dữ dội. Sau trận bão, trên đảo tan hoang nhà cửa, cây cối đổ nghiêng ngả, đặc biệt tàu thuyền của ngư dân neo đậu trú bão bị chìm, vỡ tan hoang. Nhận được lệnh là anh em lập tức lên đường tập trung vào khắc phục, sửa chữa hư hỏng do bão gây ra. 

Anh Bảy nói đời lính đã gian khổ nhưng lính đảo thì nỗi khổ không giống ai. Có những bữa ăn toàn gạo ố vàng vì nước biển. 

“Mỗi lần vận chuyển ra đảo, sóng biển đập vào làm ướt, ẩm gạo. Nhưng gạo đó không sử dụng ngay mà phải nhập vào gạo dự trữ nuôi quân. Sau 3 tháng, khi có đợt gạo mới bổ sung thì mới đem gạo đó ra ăn”, anh Bảy kể.

Lúc đó, gạo thường đã đổi màu ố vàng, ẩm mốc, và có thứ mùi rất “đặc biệt”. Ngày ngày 3 bữa với thứ gạo này riết rồi quen. Thậm chí còn là may mắn bởi lúc đó, người dân vì cách trở khó khăn, phải ăn khoai mì, sắn lát. 

Lá thư tay cho tình yêu vượt biển

Chuyện tình yêu của anh Bảy cũng nảy nở từ khi còn ở đảo. Nhưng đó lại là một cô gái đất liền. Chị tên Phạm Thị Hiếu (SN 1975), người Thái Bình. Năm 1992, khi anh Bảy trở thành lính đảo thì chị Hiếu cũng vừa tốt nghiệp THPT, đang chờ kết quả thi đại học.

“Cô bạn hỏi tôi có muốn làm quen với các bạn ngoài đảo thì gửi thông tin làm quen, tôi cũng kẹp mảnh giấy nhỏ ghi họ tên, địa chỉ rồi cài chung vào cùng với thư của bạn”, chị Hiếu kể.

Cứ tưởng là gửi cho vui thế mà không biết duyên số thế nào, mảnh giấy của chị Hiếu được đưa đến anh Bảy. Anh Bảy viết thư về, chị Hiếu hồi âm, hai người quen nhau qua thư như thế.

Đối với chị, ngay từ khi còn bé được bố cõng đi xem phim chiếu bóng, những bộ phim về đề tài chiến tranh, hình ảnh người lính với màu áo xanh luôn hiện lên chân thật, thật thà, vì tổ quốc hi sinh sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc đã khắc sâu trong chị.

Gia đình hai anh chị hạnh phúc
Gia đình hai anh chị hạnh phúc

Ngày nhận được thư đầu tiên của anh Bảy, chị cảm nhận được phía ngoài kia xa xôi là điều gì đó rất đặc biệt. Chị kể, một lá thư khi viết gửi đi thường thì một tuần mới ra tới đảo. Nếu thuận buồn xuôi gió, sóng yên biển lặng thì thư đi thư về tầm nửa tháng tới nơi. Còn khi biển động thì thường cả tháng trời mới nhận được thư.

Mỗi lá thư là những sự đợi chờ, trông ngóng. Và dù không có cảnh cùng nhau sánh bước, trò chuyện nhưng tình yêu của họ vẫn nảy nở, lớn dần từ những lá thư tay vượt sóng gió. 

Nhớ về những kỷ niệm đẹp thủa nào, chị Hiếu nói: “Ngày đó khi nhận được thư, mấy người cùng phòng thường giấu những lá thư anh Bảy và bắt khao, vậy là tôi mua kem ký rồi cùng bạn vừa ăn vừa đọc thư”.

Anh Bảy cũng kể, có một lần khi con tàu cập bến, anh nhận được thư của chị: “Em mong anh và đồng đội cầm chắc tay súng để bảo vệ biển đảo. Em rất tự hào về anh! Vì anh là một chiến sĩ của đảo”.

Đọc đến đó anh vui vô cùng, rồi qua mỗi cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần nhưng lại chưa lần gặp mặt. Phải 3 năm sau nhân chuyến tham dự lễ “Thanh niên tiên tiến điển hình Đông Nam Bộ” ở đất liền thành phố Phan Thiết, anh quyết định xin phép đơn vị thêm ít ngày lên đường vào Bình Phước gặp mặt chị lần đầu.

Cái kết ngọt ngào

Kể từ ngày hai người gặp nhau những cánh thư qua lại đã giúp họ càng hiểu và thông cảm về công việc của nhau. Vượt qua nhiều khó khăn, đến năm 1997, họ chính thức kết hôn. 

“Khi nghe tin tôi báo về gia đình sẽ kết hôn, gia đình quá bất ngờ và vui mừng, nghe câu chuyện kể của chúng tôi, mọi người cũng không dám tin vào sự thật”, anh Bảy nhớ lại.

Niềm vui vỡ òa đến với anh chị khi tháng 11 năm 2000 chị Hiếu sinh con gái đầu lòng. Chia sẻ về ý nghĩa cái tên người con gái đầu Đoàn Ngọc Thanh Thư, chị Hiếu bật mí: “Chúng tôi quen nhau, yêu nhau và nên duyên vợ chồng đều qua những lá thư vượt những con sóng xanh, chính vì vậy khi con gái đầu lòng được sinh ra, chúng tôi nghĩ đến cái tên Thanh Thư - lá thư xanh, thư của người lính mặc áo xanh, từ lúc quen đến lúc sinh vẫn còn thư từ với nhau, để ghi nhớ về mối tình giữa vợ chồng chúng tôi”.

Cuối năm 2008, anh Bảy về đất liền công tác. Những lúc rảnh rỗi, cả hai cô con gái thường được bố mẹ đọc cho nghe những lá thư ngày xưa bố mẹ từng viết, kể kỷ niệm ngày bố mẹ vẫn còn xa cách nhưng một lòng chung thuỷ để bây giờ gia đình hạnh phúc vẹn tròn.

Đọc thêm