Chuyện tình của lực sĩ khuyết tật phá kỷ lục cử tạ thế giới

(PLO) - Đôi chân bẩm sinh teo tóp không thể đi lại được, anh Lê Văn Công (SN 1984, quê Hà Tĩnh) đã có nghị lực phi thường, trở thành lực sĩ khuyết tật phá kỷ lục thế giới môn cử tạ. Đường đến ngày vinh quang của anh cũng gập ghềnh cùng chuyện tình nhiều nụ cười và nước mắt.
Vợ chồng lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công
Vợ chồng lực sĩ khuyết tật Lê Văn Công
Ước mơ trên đôi chân bại liệt 
Thân hình anh Công ngắn ngủn, cơ bắp cuồn cuộn đè trên đôi chân bé quắt, teo tóp. Anh mở đầu câu chuyện bằng nụ cười niềm nở, pha trò: “Mình khóc nhiều lắm nhưng chẳng ai biết vì chiều cao mình hạn chế quá, mấy khi người ta nhìn xuống”.
Anh sinh ra tại một làng quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ anh khi mang thai bị sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị trong thời gian dài. Các bác sĩ đã tiên lượng việc chữa trị bằng thuốc kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và khuyên bỏ nhưng người mẹ quyết vẫn giữ lại đứa con. 
Ngày Công lọt lòng khóc toáng cả bệnh viện, gia đình khấp khởi vui mừng. Nhưng nụ cười bỗng tắt khi bé trai nhỏ xíu, hai chân ngắn ngủn, teo lại khác thường. 
Cậu bé đến tuổi chập chững tập đi cứ bị nhào ra trước, nằm sõng soài. Sẹo mới chồng sẹo cũ, ước mơ được đứng trên đôi chân vẫn không thành hiện thực. Những đứa trẻ trong làng đã biết chỉ trỏ, lảng tránh chơi với một cậu bé không biết chạy nhảy. Công phải di chuyển nhờ đôi chân của cha mẹ. 
Để đến trường, những ngày nắng cha anh oằn lưng địu con vượt bốn cây số đất đá lởm chởm, ngày mưa thì lầy lội khó đi. “Đường đến trường đã khổ, nhưng sợ hơn là những cái nhìn thương hại. Mình đi đến đâu người ta cũng nhìn chằm chằm, chỉ trỏ bàn tán. Chẳng biết người ta nói xấu hay thương hại, nhưng mình vẫn thấy mặc cảm, không dám ngẩng đầu lên nhìn thẳng”, anh nhớ lại.
Lên cấp 2, trường gần nhà, Công xin cha mẹ được tự đi trên đôi chân dị tật.
Đôi chân yếu ớt phải khó nhọc lắm mới đưa được cả cơ thể đi theo, băng qua đoạn đường lởm chởm đá. Bàn chân tóe máu, sưng húp nhưng Công vẫn nhất quyết không để cha mẹ đưa đi. 
Anh đi học từ rất sớm vì sợ đến giờ cao điểm các bạn cùng đường sẽ trêu chọc khi thấy những bước đi khổ sở của mình. Cái cụm từ “thằng què” nhiều khi khiến anh cảm thấy bực tức, oán hận, song lại trở thành động lực để anh chứng minh bản thân không hề kém cỏi và bị thương hại.  
Ngày nhận giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm TP.HCM, anh sung sướng đến rơi nước mắt, trong đầu vạch định biết bao kế hoạch tương lai. Nhưng thất vọng khi nhà trường thông báo không nhận sinh viên khuyết tật và chuyển anh qua học trường nghề, chuyên ngành công nghệ điện tử. Chàng trai ứa nước mắt, từ bỏ ước mơ giảng đường bao năm ấp ủ.  
Năm học đầu tiên, anh xin làm thêm trong một xưởng gỗ tư nhân gần khu trọ. Người chủ thương tình nhận cậu sinh viên khuyết tật và cho ở nhờ để tiện đi lại. Sau tốt nghiệp, anh bắt đầu hành trình xin việc gian nan, rải hồ sơ khắp nơi, đều nhận được những cái lắc đầu.
 Anh nhớ lại: “Họ bảo “đôi chân tật nguyền thế kia thì không thể làm được việc gì”. Cũng có nơi thấy thương hại nhận vào làm, nhưng chỉ trả 600 nghìn đồng/tháng và cho ăn ở tại công ty. 
Làm được một thời gian thấy nản, mình lại xin nghỉ”. Trong lúc đang thất nghiệp, anh nhận được điện thoại của thầy giáo cũ gọi về làm đúng chuyên ngành. Công việc từ đó ổn định.
Cuộc đời anh bước sang một trang mới khi những ngày luyện tập cử tạ để nâng cao sức khỏe, anh lọt vào “mắt xanh” của một vị huấn luyện viên. Người này ngỏ ý mời anh về đội tập luyện phục vụ cho các kỳ Paragame trong nước và quốc tế. 
Mối duyên tình cờ với thể thao khuyết tật giúp anh có động lực vượt lên chính mình, miệt mài tập luyện, quyết tâm thể hiện bản thân trên đấu trường. Hết các đợt thi tuyển, anh lại trở về là một người thợ điện tử.
“Gian nan” hỏi vợ
Anh cười: “Thế cũng chưa gian nan bằng việc mình cưới được vợ”. Anh gặp vợ là chị Chu Thị Tám (25 tuổi, quê Nghệ An) khi chị mới 15 tuổi, thân hình đầy đặn, mái tóc dài mượt chấm gót. Lần đầu gặp nhau, thiếu nữ rụt rè đỏ mặt gọi anh chàng cơ bắp lực lưỡng bằng “chú”, xưng “cháu’”. Chàng trai tếu táo, thường chọc ghẹo mông lung: “Cháu lớn nhanh… Chú chờ”. 
Một thời gian quen biết, hai “chú - cháu” bỗng gần gũi nhau hơn. Dù cố gắng kìm nén tình cảm vì mặc cảm, nhưng trái tim Công vẫn thổn thức. Sợ sẽ tuột mất người con gái mình yêu, anh đánh liều, dồn hết can đảm đổi cách xưng hô qua “anh - em”. 
Người thân cô gái biết chuyện ra sức phản đối. Cuộc tình vừa chớm nở đã mắc phải những rào cản khó vượt qua. Tám bị gia đình bắt về quê để không còn gặp mặt anh. Cú sốc tình cảm đầu đời quá lớn khiến anh hụt hẫng, mất hết tinh thần. 
Suốt sáu tháng, hai người không hề liên lạc dù một cuộc điện thoại hay tin nhắn hỏi thăm. Nỗi nhớ nhiều khi lụi đi, chàng trai chấp nhận thực tại, tự nhủ lòng từ sau có yêu thì yêu người “xứng đôi vừa lứa” để đỡ khổ. 
Bỗng một ngày giáp Tết năm 2008, anh nhận được điện thoại từ Tám, giọng run run: “Ba mẹ đồng ý cho anh về ra mắt…”. Chàng trai sau một hồi mới tin vào tai mình, lắp bắp: “Anh sẽ về luôn”. 
Ngay tối hôm đó, anh bắt chuyến xe cuối cùng về quê. Nhét vội hai bộ quần áo vào cốp xe ba bánh, anh chỉ kịp nói với cha mẹ một câu “Con đi hỏi vợ” rồi chạy xe từ Hà Tĩnh ra Nghệ An. 
Quãng đường xa, xe cộ Tết nhất đông nghịt nên phải mất hơn sáu tiếng anh mới tới nhà người yêu. Anh em nội ngoại, bà con lối xóm kéo về để xem mắt chàng rể tương lai nhưng khi nhìn thấy chiếc xe ba bánh, lại nhìn sang anh Công ngắn ngủn lê từng bước, họ lại xì xào bàn tán. 
Cha mẹ chị Tám vừa thương vừa lo, còn mấy người anh thì cương quyết không đồng ý. Họ nói thẳng: “Người thế này thì làm sao lo cho em gái”. 
Công run run, bỏ qua lòng tự ái, thành thật: “Chúng em sẽ cố gắng sống tốt”. Biết không thể cấm cản tình yêu của các con, cha mẹ chị Tám cũng đành gật đầu đồng ý. Chàng trai vui mừng khôn xiết, lên xe “phóng” một mạch về nhà thông báo với cha mẹ chuẩn bị đám cưới. Mọi người trong làng biết tin anh Công lấy vợ í ới gọi nhau đi xem mặt cô dâu cho kỳ được. 
Cuộc sống vợ chồng trẻ ban đầu gặp nhiều khó khăn, anh bất ngờ bị đứt dây chằng vai, những dự định chinh phục Paragame năm ấy vụt mất khỏi tay vận động viên được kỳ vọng nhất của đoàn Việt Nam. 
Công vừa miệt mài chữa trị, chạy vật lý trị liệu bền bỉ hơn hai năm, vừa phải duy trì công việc để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. May nhờ người vợ luôn bên cạnh động viên, thêm niềm vui được làm cha, khiến anh có thêm sức mạnh. 
Sau những năm tháng chữa trị vết thương, miệt mài tập luyện, cuối cùng Lê Văn Công đã phá kỷ lục thế giới hạng cân 49kg, mức tạ 181,5kg tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á lần thứ 2 năm 2014 - Asian Para Games II. 
Đứng trên bục vinh quang cao nhất, anh đã khóc vì hạnh phúc và tự hào. Nhớ lại quãng đường đã đi qua, anh xúc động: “Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ vào cha mẹ đã yêu thương, tin tưởng và vợ đã bên cạnh cho tôi niềm tin”./.

Đọc thêm