Chuyện tình đẹp của hai nghệ nhân hát trống quân

(PLO) - “Mình về, ta chẳng cho về/ Ta túm vạt áo, ta đề bài thơ/ Mình về ta vẫn trông theo/ Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi”. Chính những câu hát mặn mà, đằm thắm giai điệu giã bạn ấy đã đọng lại trong tâm hồn hai ông bà để từ đó họ tìm đến với nhau xây dựng gia đình hạnh phúc đã 60 năm. 
Chuyện tình đẹp của hai nghệ nhân hát trống quân
Từ tình yêu với nghệ thuật trống quân… 
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kinh Bắc với nhiều loại hình dân ca đậm đà bản sắc dân tộc, lại được thừa hưởng truyền thống của gia đình nên từ nhỏ, ông Phạm Công Ngát (ở thôn Bùi Xá, Ninh Xá, huyện Thuận Thành) đã theo cha đến các chiếu chèo, các cuộc hát giao duyên quan họ, đặc biệt là các dịp hội hát trống quân hàng năm. Âm nhạc dân ca đã trở thành cuộc sống của ông từ lúc nào chẳng rõ. 
Theo ông Ngát, thể loại hát trống quân ra đời từ thời Trần, cách nay đã 8 thế kỷ. Trước khi vào hát, người hát phải tuân thủ các nguyên tắc “chào - mừng - hỏi - chúc”. Khác với hát trống quân các nơi khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ, hát trống quân Bùi Xá đơn giản, nhịp điệu nhanh, ngắt quãng nhiều, ít luyến láy, lời văn là theo thể thơ lục bát 6/8 nhưng lúc hát lại theo tiết tấu nhịp. Dụng cụ duy nhất của hát trống quân là trống để giữ nhịp. 
Trống gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng sợi dây thép, chính giữa sợi dây đặt một cái trống, mặt rỗng úp xuống thanh ngang, mặt đáy sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống mà kêu thành tiếng với độ âm hơn và láy lại nhịp theo lời người hát.
Sau này Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong lúc hành quân thần tốc ra Thăng Long cũng sử dụng lối hát này để động viên tinh thần binh sỹ, góp phần làm nên đại thắng quân Thanh lịch sử. Người dân Bùi Xá xưa nay rất tự hào vì lối hát trống quân nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long và đã được Vua Trùng Quang nhà Trần mời vào cung biểu diễn. Xưa kia Bùi Xá thường mở hội hát trống quân vào tháng tám hàng năm. Khi đó quy tụ các liền anh, liền chị khắp các vùng lân cận như Hải Dương, Hưng Yên… Người xem nô nức tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp. Các cuộc hát tranh tài kéo dài thâu đêm suốt sáng, cuốn hút người nghe.
Mặc dù lối hát trống quân có lịch sử lâu đời, tuy nhiên do biến cố lịch sử dân tộc đã bị lắng xuống một thời gian rất dài. Đến những năm 90 thập kỷ trước, ông Ngát khi đó là cán bộ hưu trí, đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hát trống quân thôn Bùi Xá. Ông là nghệ nhân trực tiếp truyền dạy lại kỹ thuật hát trống quân cổ cho lớp trẻ và đã biên soạn được 18 tác phẩm là những bài hát trống quân. 
Câu lạc bộ lúc đầu chưa đầy 10 thành viên, đến nay đã có gần 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên vào dịp cuối tuần. Do sức khỏe, ông Ngát không còn phụ trách câu lạc bộ nữa nhưng vẫn thường xuyên cố vấn truyền thụ lại nghề.
Tuyển tập những bài hát dân ca của ông Ngát.
Tuyển tập những bài hát dân ca của ông Ngát. 
Đến tình yêu răng long, đầu bạc 
Bà Vũ Thị Kiểm (83 tuổi) đã se duyên cùng ông Phạm Công Ngát chính từ các cuộc hát trống quân xưa. Đó là những năm tháng khi địa phương bắt đầu manh nha khôi phục lại các loại hình dân ca cổ. Trong một lần hai bên nam nữ hát đối nhau, ông bà đã cùng say mê các làn điệu, tâm tư tình cảm thắm thiết qua lời hát của nhau. 
Tình cảm lưu luyến lúc sắp chia tay được ông thể hiện qua lời hát: “Bây giờ giã bạn bạn ơi/ Giã chén uống nước giã cơi đựng trầu/ Giã con dao bé bổ cau/ Bây giờ ta giã lòng nhau ta về”. Những vật dụng tưởng nhỏ bé như cơi đựng trầu, con dao bổ cau lại trở nên gần gũi lạ thường bởi chính lòng người không nỡ giã bạn. 
Và bà - tức người hát đối bên nữ, hát đối lại: “Mình về, ta chẳng cho về/ Ta túm vạt áo, ta đề bài thơ/ Mình về ta vẫn trông theo/ Trông nước, nước chảy, trông bèo, bèo trôi”. Chính những câu hát mặn mà, đằm thắm giai điệu giã bạn ấy đã đọng lại trong tâm hồn hai ông bà để từ đó họ tìm đến với nhau xây dựng gia đình hạnh phúc. 
“Trong hình thức hát trống quân thì hát ví làm say đắm lòng người nhất. Nhời (lời) hát ví đúc kết từ chính cuộc sống nên rất dễ đi vào lòng người, đồng thời như lời răn dạy người đời biết sống sao cho tốt đẹp, vợ chồng luôn yêu thương nhau. Dù  có với nhau 6 mặt con, đến bây giờ đã có hàng chục cháu, chắt, cuộc sống có những lúc vất vả, khó nhọc nhưng vợ chồng chúng tôi luôn yêu thương nhau, chưa bao giờ nói nhau một câu nặng lời đến tận bây giờ một phần vì thấm thía những lời ca, tiếng hát xưa đấy” - ký ức thuở xưa chứa đựng trong từng lời kể của bà Kiểm về tình yêu, cuộc sống vợ chồng của mình. 
Tháng 12/2012, hát trống quân thôn Bùi Xá được Viện Âm nhạc Việt Nam về quay và dựng thành bộ phim khoa học để lưu giữ, bảo tồn nền văn hoá dân gian Việt Nam. Hai vợ chồng ông Ngát, bà Kiểm là những người nức lòng hơn cả trước tin vui này, bởi ông bà luôn tâm niệm, lời hát trống quân ngày xưa người ta đúc kết từ cuộc đời, từ cách con người ứng xử yêu thương nhau. Có nhiều người từ hát trống quân, hát ví đã nên duyên vợ chồng và sống với nhau hanh phúc. Đó chính là quà tặng vô giá từ cha ông. 

Đọc thêm