Chuyện tình éo le của người đàn ông bán vé số

(PLO) - Ban đầu, ông Tâm chỉ ngỏ lời nhờ người đàn mù  sinh cho  mình một đứa con để có chỗ nương tựa lúc tuổi già. Nào ngờ, mối duyên trời đã bó buộc họ với nhau trong cảnh sống éo le, cùng cực.
Đưa vợ vào chỗ mát nghỉ ngơi, ông Tâm mới rảo quanh bán vé số
Đưa vợ vào chỗ mát nghỉ ngơi, ông Tâm mới rảo quanh bán vé số
Gia đình lang thang
Giữa trưa nắng gắt, dáng ông Hồ Thanh Tâm (48 tuổi, quê Đắk Lắk) nhỏ thó gắng sức hết kéo lại đẩy chiếc xe chở người vợ vừa bị mù, vừa liệt toàn thân nằm phía trên. 
Đi cạnh ông là đứa con trai mới tám tuổi gày gò mặc bộ đồ lớp học tình thương, đội chiếc mũ lưỡi trai xỉn màu. Đứa trẻ đeo giúp cha chiếc túi màu đen cũ rích đựng vé số. 
Cả đoạn đường cậu bé cứ nhìn ngơ ngác hai bên vỉa hè, rồi ngước lên nhìn ba hỏi “chỗ ni mình vô bán không ba?”. Người đàn ông kiếm chỗ bóng râm để dừng xe, tháo dây quàng trên người, lấy chiếc túi đựng vé số từ con trai, bước vào một nhà hàng đi khắp lượt mời mua.
Phải đến đầu giờ chiều, khi bán hết số lượng vé số đã nhận, ông Tâm mới dám nghỉ để cho vợ con ăn cơm trưa. Ròng rã đi nhiều cây số, cả cha con đã mệt lả, ngồi thụp dưới đất mở hộp cơm từ thiện xin ở nhà thờ ra ăn. 
Người đàn ông xúc riêng một chén cơm và ít đồ ăn, rồi đút cho vợ ăn trước. Vợ con ăn xong, ông mới ngồi ăn sau một mình. Ông bảo ăn xong nghỉ ngơi chừng 30 phút lại phải kéo vợ con đến đại lý giao tiền, nhận thêm vé đi bán buổi chiều tối. Phải tới tận đêm khuya họ mới được nghỉ ngơi. 
Thắc mắc chỗ ngủ, người đàn ông cười ái ngại chỉ tay về hướng chiếc xe kéo: “Trên xe ấy chứa hết đồ đạc sinh hoạt cả nhà. Vợ tôi nằm trên xe cả ngày. Hai cha con tiện đâu trải chiếc chiếu ra nằm ngủ ở đó. Thường tôi xin vào sân nhà thờ chọn một góc khuất nằm ngủ cho an toàn mà sạch sẽ. Hôm nào bí bách quá, phải nằm ngoài vỉa hè”. 
Cứ như vậy, suốt gần 10 năm qua ông Tâm kéo xe chở vợ, dắt con trai đi bán vé số mưu sinh, lấy sân nhà thờ và vỉa hè làm chỗ tá túc. 
Bữa trưa của cha con ông Tâm: Cơm từ thiện, “mâm” vỉa hè
 Bữa trưa của cha con ông Tâm: Cơm từ thiện, “mâm” vỉa hè
Tình yêu “sét đánh” với người đàn bà mù
Trong thời gian nghỉ trưa ít ỏi, người đàn ông trải lòng về mối nhân duyên với người vợ mù lòa. Ông kể, thời còn trai tráng làm thuê cho một cơ sở kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk. 
Một lần theo xe tải xuống Phú Yên thăm dò địa bàn tìm kiếm khách hàng bỏ mối cà phê, tình cờ ông gặp bà Hồ Thị Rạng (nay 50 tuổi) trong một quán cơm ven đường. Khi ấy bà Rạng cầm chiếc nón rách, chống gậy mò mẫm vào ăn xin. 
Ông Tâm ngồi ăn cơm, nhưng tâm trí và đôi mắt vẫn dõi theo người phụ nữ mù, đơn giản vì lòng thương xót. Tò mò, ông hỏi chủ quán cơm đôi ba câu, được biết bà Rạng không có chồng, nhưng đã có hai con trai. Nhưng không phải bà là hạng dễ dãi hư hỏng, mà nghĩ “người mù lòa sẽ chẳng có người đàn ông nào dám dòm ngó lấy làm vợ nên “xin” con để sau này về già còn có chỗ nhờ cậy, có cháu chắt cho vui cửa vui nhà”. 
Những lần sau xuống Phú Yên giao hàng, ông Tâm đều ghé vào quán cơm này ăn, vẫn gặp bà Rạng ăn xin. Vài ba lần tiếp xúc, thấy người phụ nữ nói chuyện thật thà dễ nghe, ông càng thương hơn. Rồi ông ngỏ lời muốn “cho” bà thêm đứa con, để mình cũng được làm cha. 
Bà suy tính hồi lâu rồi gật đầu đồng ý. Ngày biết tin bà Rạng mang thai, ông vui mừng đến độ cười nói khoe khắp mọi người trong chỗ làm, xin chủ cho nghỉ việc ngay, bắt chuyến xe xuống nhà người phụ nữ mù. 
Ông thưa chuyện với gia đình bà Rạng xin đồng ý cho hai người đi đăng ký kết hôn để được làm vợ chồng danh chính ngôn thuận, người làng khỏi bàn tán. 
Kể từ đó, ông Tâm dọn về sống chung với mẹ con bà Rạng ở Phú Yên. Hàng ngày người chồng siêng năng đi làm thợ hồ, còn người vợ vẫn bám víu vào việc ăn xin. Tiền kiếm được cũng chỉ đủ ăn, vì còn phải lo cho đứa con chung và hai đứa con trước của bà Rạng. 
Cuộc sống đã khó khăn, khổ cực, nhưng tai ương lại bất ngờ ập xuống khiến gia đình họ rơi vào cảnh cùng quẫn. 
“Vợ tôi mù nên việc đi lại rất khó khăn. Không may một lần mò mẫm đi ngoài đường đã bị mấy thanh niên say rượu phóng nhanh tông vào. Bà ấy bị chấn thương sọ não, gãy xương, nặng lắm, nhưng nằm viện được thời gian không có tiền lo nữa đành đưa về. Từ đó đến nay bà ấy chỉ nằm một chỗ, mọi việc từ cái ăn cái mặc đến vệ sinh cá nhân, tôi đều lo giúp”.
“Không kéo xe theo, biết bỏ mẹ con nó nằm đâu?”
“Cuộc sống lúc đó khổ không lời nào kể xiết. Con cái thì nheo nhóc, đứa nhỏ mới vài tháng tuổi, không có sữa uống, khóc ngặt cả ngày lẫn đêm. Tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm vợ con, không kiếm được đồng tiền nào, phải trông chờ vào anh em hai bên nội ngoại mỗi người cho một ít. ”, ông Tâm kể.
Trong lúc tuyệt vọng không biết những ngày sau sẽ sống ra sao, ông Tâm được người làng mách bảo vào Sài Gòn đi bán vé số, chịu khổ cực thì cũng sống được. Người đàn ông gói ghém vài bộ quần áo của hai vợ chồng rồi bắt xe vào Sài Gòn. 
Tiền mang theo ít, lại không có ai thân thích, họ dắt díu nhau đến nhà thờ Tân Châu (quận Tân Bình) xin nương nhờ. May sao người cha xứ tốt bụng đã thương tình cưu mang, còn hỗ trợ làm cho bà Rạng một chiếc xe lăn dài, lớn để bà và đứa con mới hơn một tuổi nằm. Hàng ngày người đàn ông kéo vợ con rong ruổi khắp nơi bán vé số kiếm tiền. 
Ông Tâm buồn bã phân trần: “Mình kéo vợ con đi bán vé số, nhiều người lại nghĩ đó là lừa đảo, lợi dụng lòng thương của người ta để bán được vé số và xin tiền, nhưng sự thực lòng tôi không muốn vậy. 
Hai đứa lớn nhờ cậy bên ngoại lo từ cái ăn cái mặc đã khổ lắm rồi. Giờ thêm bà ấy bị liệt, lúc nào cũng phải có người kè kè ở bên, làm gì có ai trông. Nhà cửa, phòng trọ đều không có. Không kéo xe đi theo thì biết bỏ mẹ con nó nằm ở đâu?”.
Tá túc ở nhà thờ được ba năm, ông Tâm đành ngậm ngùi kéo xe đem vợ con ra ngoài thuê phòng trọ. Cha xứ thì không ý kiến gì, nhưng một số người dân phản ánh “đây là nơi tôn nghiêm, cho gia đình ông sống vật vờ như vậy không đẹp mắt”. Song ở trọ đến tháng thứ hai thì ông Tâm không thể gắng gượng lo nổi tiền phòng trọ nên đành đem vợ con ra ngoài sống bơ vơ, bạ đâu ở đó. 
May sao, một lần kéo xe chở vợ con qua đoạn cầu Lê Văn Sỹ, người đàn ông được người dân quanh đó mách bảo, tìm tới một nhà thờ khác, lại được một vị cha xứ tốt bụng cưu mang. 
“Buổi trưa nhà thờ cho nhà tôi ăn, còn ban đêm thì được vào trong sân nhà thờ trải chiếu nằm ngủ”, ông cho hay. 
Đứa con trai chung của vợ chồng ông từ lúc mới hơn một tuổi đã phải chịu sương gió, khổ cực cùng cha mẹ. Chạy từng bữa ăn, lo tiền thuốc men cho vợ đã chật vật, nên dù muốn, ông cũng không biết làm cách nào để cho đứa con trai được đi học. Em đã biết đọc biết viết do vài người dân tốt bụng dạy cho. Cũng có thời gian ông Tâm dắt con tới học ở lớp tình thương. Song cũng chỉ được vài tháng đứa trẻ lại nằng nặc đòi nghỉ, đi theo ba mẹ bán vé số. 
Dẫu cuộc sống trước mắt còn đầy rẫy khó khăn, ông Tâm vẫn tỏ ra hết sức lạc quan. Ông nói: “Khổ cũng đã khổ từ nhỏ tới giờ rồi, nên có than thân trách phận mình cũng khá hơn được đâu. Giờ cứ sống thế, qua được ngày nào hay ngày đó. Nhiều lúc suy nghĩ cùng buồn lắm, nhưng mình phải có trách nhiệm lo cho vợ con”./.

Đọc thêm