Chuyện về những “phù thủy mũ trắng”

(PLVN) - Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực thì có 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch. Việt Nam ngoài danh lam thắng cảnh còn được du khách nước ngoài đánh giá cao về ẩm thực. 
Các đầu bếp tiêu biểu trên khắp cả nước vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh ngày 18/11/2020.
Các đầu bếp tiêu biểu trên khắp cả nước vừa được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh ngày 18/11/2020.

Và những người góp phần làm nên điều đó, không ai khác là người đầu bếp – những phù thủy mũ trắng. Họ với kinh nghiệm và bàn tay điêu luyện như đũa phép của mình, đã biến những nguyên liệu tưởng như bình thường nhất thành món ăn chứa đựng trong đó cả hồn Việt…

Món phở của người đầu bếp xuất sắc nhất châu Á

Năm 2017, Nguyễn Công Chung - Tổng Bếp trưởng Khách sạn Sheraton Hanoi nhận giải “Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á năm 2017” thuộc giải thưởng BMW Hotelier Awards. Nguyễn Công Chung cũng là người Việt Nam duy nhất đảm đương vị trí Tổng Bếp trưởng trong chuỗi 1.200 khách sạn toàn thế giới của Tập đoàn Starwood, cũng là người Việt đầu tiên làm Tổng bếp trưởng trong một khách sạn quốc tế 5 sao tại Việt Nam.

Hành trình đến với nghề bếp của Nguyễn Công Chung rất dài, nhưng suốt chặng đường đó là ngọn lửa của niềm đam mê với nghề, niềm ao ước đưa ẩm thực Việt ra thế giới không bao giờ nguội tắt.

Nói đến phở mà nhất là phở Hà Nội, người ta thường nghĩ đến những gánh hàng vỉa hè, những quán nhỏ góc phố - nơi mà cái hồn của phở được giữ gìn một cách tự nhiên và tinh túy nhất. Vào khách sạn quốc tế 5 sao sáng choang, sang trọng để ăn phở, ít người Việt nào nghĩ tới. Ấy vậy mà danh tiếng về món phở ngon của khách sạn Sheraton Hà Nội đã vang xa. Ở Sheraton, ba bữa trong ngày đều có phở, 365 ngày trong năm cũng đều có phở và rất hút khách. 

Người làm nên dấu ấn này chính là Tổng Bếp trưởng Nguyễn Công Chung, người luôn trân trọng những hương vị Việt. Năm 2007, khi đang là bếp phó, nhóm bếp của anh được giao lo bữa ăn cho đoàn khách đặc biệt Tổng thống Mỹ George Bush nhân chuyến thăm Việt Nam.

Khi họp, các đầu bếp dưới sự chỉ huy của Tổng Bếp trưởng người nước ngoài thống nhất lên thực đơn toàn các món châu Âu. Khi đoàn ăn xong, ông Bush có chia sẻ đại ý rằng “ở Mỹ đã được ăn những món tương tự”. Có nghĩa, vị Tổng thống này đến Việt Nam mà vẫn không biết được món ăn Việt.

Từ đó, anh rút ra được bài học, khi tiếp khách quốc tế, ngoài thực đơn phù hợp khẩu vị hàng ngày của họ, cần phải đan xen những món đặc trưng Việt Nam để giới thiệu ẩm thực Việt thật tinh tế, chất lượng.

Vì thế, mỗi khi có cơ hội phục vụ các đoàn khách nguyên thủ quốc tế, anh Chung đã xen vào thực đơn các món như: phở, bún cuộn tôm, bánh cuốn… và đều được khách khen ngợi. “Có vị nguyên thủ khi đến thăm Việt Nam gần một tuần lễ, sáng nào ông cũng yêu cầu một bát phở khiến cả tổ bếp rất vui”, anh kể.

Đầu bếp Nguyễn Công Chung.
Đầu bếp Nguyễn Công Chung. 

Hơn 20 năm trong nghề đầu bếp, anh Chung đã từng tham gia nhiều tuần lễ văn hóa, tuần lễ ẩm thực Việt Nam tại hàng chục quốc gia trên thế giới quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt thông qua ẩm thực.  Niềm khát khao đưa ẩm thực Việt nổi lên bản đồ ẩm thực thế giới đã giúp Nguyễn Công Chung bước lên sân khấu nhận giải “Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á năm 2017” thuộc giải thưởng BMW Hotelier Awards năm 2017.

Với giải thưởng này, anh Chung ghi một dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực ẩm thực khi là người Việt Nam đầu tiên được đánh giá và công nhận ở giải thưởng quốc tế uy tín, trở thành cầu nối đưa ẩm thực Việt Nam đến với thế giới.

Công việc giấu mặt nhưng thành công vang dội

Nghề nấu bếp như một môn nghệ thuật, ngừng sáng tạo đồng nghĩa với nhàm chán, thất bại. Nếu ăn ngon, thực khách sẽ quay lại, nhưng cùng lắm chỉ ăn món đó đến lần thứ ba, sang lần thứ tư là phải đổi món. Cũng vì thế ngoài vô vàn những tiêu chí về nguyên liệu, gia vị… người đầu bếp luôn luôn phải đổi mới chính bản thân mình. 

Và cũng chính từ những sự trăn trở này từ những bậc tổ tiên xa xưa của nghề bếp Việt cho tới những đầu bếp ngày nay mà món ăn Việt đã thực sự cất cánh để có con số 85% du khách đến Việt Nam quan tâm đến ẩm thực Việt. Hà Nội đứng thứ 2 trong số 18 thành phố có ẩm thực hấp dẫn thế giới. TP. Hồ Chí Minh trong nhóm 23 thành phố có thức ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới.

Phở là món ăn nổi tiếng vượt qua biên giới Việt Nam, lan rộng và nổi tiếng khắp nơi trên thế giới. Trang CNN bình chọn phở đứng thứ 28/50 món ăn ngon nhất toàn cầu. Nhật Bản đã lấy ngày 4/4 là “Ngày của Phở” để tôn vinh món ăn độc đáo này. Bún chả nằm trong danh sách 10 món ăn đường phố tuyệt nhất thế giới năm 2014 của trang National Geographic và top 10 món ăn ngon nhất mùa hè do CNN bình chọn… 

Những người góp phần làm nên thành công đó, không ai khác là người đầu bếp – những phù thủy mũ trắng. Họ với kinh nghiệm và bàn tay điêu luyện như đũa phép của mình, đã biến những nguyên liệu tưởng như bình thường nhất thành món ăn chứa đựng trong đó cả hồn Việt. 

Ngày 18/11/2020 Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vinh danh các doanh nghiệp và cá nhân tiêu biểu của Du lịch Việt Nam năm 2019, 284 tập thể, cá nhân tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển của ngành Du lịch được tôn vinh, trong đó có 16 đầu bếp.

Cùng với các đồng nghiệp khác như hướng dẫn viên du lịch, nhân viên khách sạn…, các đầu bếp tuy công việc luôn ẩn giấu sự hiện diện nhưng với đam mê và nhiệt huyết của mình đã đem lại những quả ngọt cho du lịch Việt Nam.

Hiện nay, lực lượng đầu bếp chuyên nghiệp của Việt Nam có trên 50.000 người. Đây chính là lực lượng chủ lực trong bảo tồn và phát triển ẩm thực truyền thống, đồng thời cũng là người kết hợp được ẩm thực truyền thống với ẩm thực quốc tế.

Cũng vì lẽ đó mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang ấp ủ dự án xây dựng khu bảo tồn ẩm thực truyền thống và tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt Nam với nguyện vọng tôn vinh tổ nghề đầu bếp Việt - người có công sáng tạo và phổ biến nghề cho cộng đồng dân cư. Dự kiến, khu bảo tồn này đặt ở khu danh thắng Tây Thiên, Vĩnh Phúc có cả khu vực tôn vinh tổ nghề với các công trình như đền thờ, tứ trụ, nghi môn, bình phong…

Hiện nay, vấn đề ai là tổ nghề bếp Việt vẫn đang được các nhà khoa học, sử học cân nhắc. “Theo các nhà sử học, trong truyền thuyết của Việt Nam, hoàng tử Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày là câu chuyện sớm nhất gắn với hai món ăn đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Bánh chưng, bánh dày đã qua quá trình mấy ngàn năm vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn đến ngày nay.

Nó không chỉ là những món ăn thông thường mà còn trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Vì vậy, hoàng tử Lang Liêu xứng đáng là ông tổ của nghề đầu bếp Việt Nam. Công đức của vợ Lang Liêu, người đồng hành với chồng trong quá trình sáng tạo bánh chưng, bánh dày cũng cần được tôn vinh”, văn bản của Hiệp hội Du lịch Việt Nam về vấn đề này nêu. 

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sử học thì việc lựa chọn này cần được cân nhắc kỹ vì ẩm thực rất đa dạng, phong phú nên có thể không chỉ tôn vinh một cá nhân. Điều quan trọng hơn cả vẫn là các kế hoạch phát triển món ăn, hoàn thiện các sản phẩm du lịch ẩm thực. 

Quay lại với câu chuyện của đầu bếp Nguyễn Công Chung, anh phân tích: “Hầu hết những món ăn Việt mang ra nước ngoài đều được đánh giá rất cao về độ thanh, nguyên liệu tươi, gia vị độc đáo, quy trình nấu nướng không lâu. Trong khi đồ ăn của một số quốc gia lân cận lại quá nhiều dầu mỡ và chủ yếu là hầm.

Thế nhưng, món ăn Việt khó đảm bảo hương vị khi ra nước ngoài là bởi khó khăn về nguyên liệu, đặc biệt là cây rau gia vị. Nếu như thiếu những gia vị đó thì rõ ràng món ăn đã hoàn toàn thay đổi”.  Theo quan điểm của Tổng bếp trưởng Nguyễn Công Chung thì cần phải có cả một chiến lược quảng bá ẩm thực Việt ở nước ngoài, bài bản. 

Được biết, Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa sẽ chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam sẽ có nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc mang thương hiệu quốc gia với chất lượng dịch vụ vượt trội, được đầu tư công phu, tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm hài lòng du khách trong và ngoài nước. 

Hy vọng rằng, các đầu bếp Việt, ẩm thực Việt đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần không nhỏ vào thành công của những con số này.

Đọc thêm