Chuyện xúc động phía sau bức tranh cổ động nổi tiếng Việt Nam

(PLVN) - Tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn tranh cổ động (1969 - 2011)” ngày 10/5, TS. Vũ Mạnh Hà – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã trân trọng đón nhận bức tranh cổ động mang tên “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc” từ họa sĩ Trần Từ Thành trao tặng để bảo tàng lưu giữ và bảo quản lâu dài. Với những người biết về bức tranh cổ động này và hoàn cảnh ra đời của bức tranh đều rất cảm động vì nghĩa cử này của người họa sĩ.
Họa sĩ Trần Từ Thành tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn tranh cổ động (1969 - 2011)” ngày 10/5
Họa sĩ Trần Từ Thành tại buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh – Góc nhìn tranh cổ động (1969 - 2011)” ngày 10/5

Gần 40 năm nay, du khách đến thăm Hà Nội, khi đi qua ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng đều dừng lại ngắm nhìn một bức tranh được treo trên nóc Nhà Thông tin TP (Trung tâm Thông tin triển lãm Hà Nội), số 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm.

Bức tranh vẽ Bác Hồ ôm em bé bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S biểu tượng của bản đồ Việt Nam. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là vầng sao sáng dẫn đường ở vị trí Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Tác giả bức tranh là họa sĩ Trần Từ Thành, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

“Thấm thía ý nghĩa của hòa bình”

Đó là cụm từ mà họa sĩ Trần Từ Thành rưng rưng nhắc tới khi ông nói về hoàn cảnh ra đời của bức tranh. “Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, gia đình tôi đã chịu đựng quá nhiều mất mát. Năm 1968, Mỹ thả bom B52 đã giết hại cùng lúc cả bố mẹ và anh chị tôi.

Vì thế, tôi rất thấm thía sự tàn khốc của chiến tranh và khát khao mãnh liệt về hòa bình. Tôi tự nhủ mình sẽ vẽ một bức tranh về hòa bình và đề tài thể hiện không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh – con người mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc”, họa sĩ cho biết. 

Sau ngày đất nước thống nhất, Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Mỹ thuật Việt Nam mở cuộc thi sáng tác tranh và tượng chào mừng đất nước thống nhất. Họa sĩ Thành nghĩ đây chính là dịp để bày tỏ ao ước bấy lâu về chủ đề đất nước hòa bình của mình. Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng ông quyết định chọn hình thức tranh cổ động, dễ hiểu, phổ biến trong cuộc sống.

“Ý nghĩa bức tranh được ấp ủ bao năm nay có dịp thể hiện, nhưng loay hoay cả tháng trong phòng vẽ tôi vẫn chưa nghĩ ra được thể hiện như thế nào về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế rồi, một đêm tôi nghe được bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu từ tiếng đài phát thanh của nhà hàng xóm với câu thơ: “Lòng ta chung cụ Hồ/Lòng ta chung Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Những dòng thơ đã mang đến cảm hứng cho tôi và tôi liền lấy đó làm chất liệu cho bức tranh của mình thể hiện hình tượng của Bác, tư tưởng của Bác luôn mong muốn đất nước thống nhất”, họa sĩ nhớ lại. 

Tranh cổ động: “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc”
Tranh cổ động: “Độc lập – Thống nhất – Hòa bình – Hạnh phúc”

Khi bắt tay vào vẽ, họa sĩ đã chọn đặc tả Bác Hồ với em bé thiếu nhi vì với ông, tình yêu thương, những lời dạy của Bác dành cho thiếu nhi luôn là di sản vô giá của dân tộc và thế hệ trẻ Việt Nam. 

Sau một tuần, từ những nét vẽ đầu tiên, bản thảo đầu tiên đã hoàn thành.

Ngày 20/4/1976, bức tranh của ông và tác phẩm của các họa sĩ khắp ba miền được trưng bày tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, Hà Nội và ông đoạt giải cao. 

Nghĩa cử cao đẹp

Theo lời kể của họa sĩ Thành, cũng trong năm 1976, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung sau khi thống nhất đất nước, Xưởng tranh cổ động TW đã cho in hàng vạn bản, phát hành trên cả nước. Để phục vụ cho việc này, bức tranh đã ba lần thay tên, từ tên “1976” ban đầu, sau đó là “Độc lập – Hòa bình” và cuối cùng  là “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc”.  

Lúc đó, đi khắp đường phố Hà Nội đâu đâu cũng dán bức tranh cổ động của họa sĩ Trần Từ Thành và năm năm sau, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội đã quyết định phóng to bức tranh lên kích cỡ 4m2 để treo lên nóc nhà thông tin TP. Bức tranh vẫn còn đó cho đến ngày hôm nay. 

Năm 1990, khi đi thăm Bảo tàng Lênin ở Mátxcơva (Liên Xô cũ), họa sĩ Thành đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy bức tranh của mình được treo trang trọng trong Phòng Phong trào Cộng sản Quốc tế. “Khi biết tôi chính là tác giả bức tranh, nữ thuyết minh bảo tàng người Nga đã ôm tôi khóc vì cảm động, tôi cũng rưng rưng nước mắt tự hào khi thấy bức tranh của mình được trân trọng ở nước bạn”. Hiện Bảo tàng La Habana ở Cuba và nhiều bảo tàng khác ở nước ngoài cũng đang lưu giữ bức tranh này với nhiều phiên bản, kích cỡ khác nhau.

Được biết, đã có nhà sưu tầm người Thái Lan, Singapore... sang tận nơi tìm gặp họa sĩ Trần Từ Thành để mua bức tranh với giá cao, nhưng ông từ chối.  “Tâm huyết, ước mong, khát vọng về hòa bình đã thể hiện trên bức tranh này và đó là kỷ vật vô giá đối với tôi. Cũng từ bức tranh này mà khát vọng về hòa bình luôn là chủ đề của tôi trong những bức tranh sáng tác về sau và hiện nay.

Tôi quyết định tặng lại bức tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để thế hệ trẻ hiểu sâu hơn về Bác và tình yêu thương, kỳ vọng của Bác với thế hệ trẻ Việt Nam, như trong di chúc của Người đã dặn lại chúng ta phải chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ”, họa sĩ cho biết. 

Những ký ức của các hoạ sĩ vẽ tranh cổ động về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được chia sẻ trong triển lãm chuyên đề “Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động” (1969 - 2011), khai mạc sáng 10/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Triển lãm tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019), tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và hướng tới kỉ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/05/1890 - 19/05/2019).

Gần 60 bức tranh, chủ yếu là tác phẩm gốc, trưng bày giới thiệu về sưu tập tranh cổ động được sáng tác và phát hành sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.

Đọc thêm