Có bầu 8 tháng vẫn nghĩ mình béo bụng

(PLO) - Giữa thời đại công dân toàn cầu nhưng ở nước ta vẫn có những câu chuyện bi hài ngoài sức tưởng tượng về chuyện yêu và quan hệ tình dục của người trẻ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Không biết nên cười hay nên khóc
Ngày 16/9 vừa rồi, một cô gái 21 tuổi đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân thì nghĩ mình đau bụng do tiêu hóa, còn thăm khám của bác sĩ cho thấy cô gái đau bụng… đẻ. Mà đúng thế thật, bởi chỉ 10 phút sau khi cô gái nhập viện, một bé trai 2,5kg đã chào đời khỏe mạnh, phù hợp với kết quả siêu âm trước đó của các bác sĩ có thai nhi sống trong tử cung khoảng 34 tuần. 
Như vậy là cô gái đã có 8 tháng trời mang thai mà không hề hay biết. Theo lời của cô gái, cô có chồng sắp cưới, chưa có kế hoạch sinh con nên hoàn toàn không nghĩ là mình mang bầu. Gần đây bụng to bất thường thì cứ nghĩ là do “trước đây bị xuất huyết tiêu hóa, truyền máu của một người béo nào đó nên chắc giờ mập ra”(!).
Những người làm trang web kienthucgioitinh.org kể lại một câu chuyện: “Có một bạn gái 15 tuổi gửi mail cho chúng tôi hỏi rằng “em và anh ấy là bạn quen nhau qua điện thoại, anh ấy nói anh ấy là bác sĩ sản và nói rằng khám vùng kín cho em vì nghi ngờ em bị viêm nhiễm. Anh ấy đã để “cái ấy” vào “cô bé” của em, điều đó làm “cô bé” của em rất đau, và anh ấy nói rằng đây là cách anh ấy khám vùng kín cho em, em bị đau là do đang bị bệnh viêm vùng kín. Thưa bác sĩ, anh ấy nói vậy có đúng không?”.
Ông Nguyễn Đình Bách - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ-Bộ Y tế) chia sẻ, mỗi ngày Tổng đài Vì chất lượng cuộc sống của Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại xin tư vấn về sức khỏe tình dục và sinh sản. Có rất nhiều trẻ vị thành niên gọi đến trình bày về những cách tránh thai “rất lạ” để xin ý kiến tư vấn. 
Chẳng hạn, có một bạn gái 19 tuổi gọi đến xin tư vấn vì “mỗi lần quan hệ tình dục, em thường nhét túi nilon vào tận sâu trong “em bé” để tránh thai, hết “trận chiến” mới dùng tay “khều ra”. Một vài lần em còn nhét bông băng thay túi nilon. Như vậy liệu em có bị mang thai không?”…
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Sao lại có nhiều “số 0” như thế?
Trong số những cuộc gọi đến Tổng đài Vì chất lượng cuộc sống của Tổng cục DS-KHHGĐ thì có hơn 60% là các bạn trẻ sắp hoặc đã có gia đình thắc mắc về sức khỏe sinh sản, tình dục, mãn dục nam, xuất tinh sớm… Qua đó, những người làm công tác dân số lo ngại khi thấy vẫn có một “lỗ hổng” kiến thức rất lớn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở trẻ vị thành niên và thanh niên ngày nay. Hay nói cách khác, có quá nhiều “số 0” về sức khỏe sinh sản nhưng lại biết yêu và quan hệ tình dục. 
Thế nên hậu quả mới là: “Nếu những năm trước tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm 5-7% trong tổng số các ca nạo phá thai thì những năm gần đây đã tăng lên nhanh chóng, mức tỉ lệ nạo phá thai đã lên tới 10%, nguyên nhân chủ yếu khiến tỉ lệ này tăng vọt lên lại là do giới trẻ đang thiếu kiến thức giới tính trầm trọng” – theo kết quả khảo sát của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam.
Còn khảo sát mới nhất của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số (CCIHP) trên gần 250 học sinh của 2 trường THCS tại Hà Nội cho thấy gần 70% học sinh khẳng định cha mẹ chưa từng có bất kỳ cuộc nói chuyện nào với mình về giới tính, sức khỏe sinh sản; 14% các em không nhận xét về điều này do “chưa từng nói chuyện với cha mẹ về giới tính”; 18% khẳng định “cha mẹ không lắng nghe em chia sẻ”; 29% các em cho rằng “bố mẹ lắng nghe và hiểu điều em đang nói nhưng không trao đổi gì thêm”, 7,3% cho biết “bố mẹ em đưa ra những lời răn đe, cảnh báo khiến em cảm thấy thất vọng”. 
Không chỉ các bạn trẻ ở vùng nông thôn mà ngay cả các bạn trẻ sống trong môi trường thành thị, gia đình trí thức cũng rất thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản. Bà Trương Thị Kim Hoa - Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể, qua giảng dạy, nói chuyện với học sinh THPT về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bà nhận được rất nhiều câu hỏi ngây ngô từ cả bạn nam lẫn bạn nữ về các biện pháp phòng tránh thai thế nào cho an toàn, uống thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục có ảnh hưởng gì không, hoặc có nên hay không nên sống thử? 
Theo bà Hoa, lý do cũng một phần vì các bậc phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho các em về kiến thức, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Đọc thêm