Cô bé không tay chân muốn được đi học

(PLO) - Bằng chiếc bút kẹp ở cánh tay giả, Linh Chi nắn nót viết “Con muốn đi học”. Hàng chữ ngay ngắn của cô bé khiến những người đứng xung quanh không ngăn nổi dòng nước mắt vì đó chỉ là khởi đầu của một hành trình còn rất dài và nhiều gian nan phía trước…

Nỗi khát khao của “Nick Vujicik Việt Nam”

Không khác với hình ảnh cô bé xuất hiện trên truyền hình trong buổi giao lưu trực tiếp với Nick Vujicik mấy tháng về trước, giờ Linh Chi đang trước mặt tôi như một búp bê xinh xắn, có đôi bím tóc lí lắc với bộ váy áo đồng phục trong vòng tay của mẹ.

Nguyễn Linh Chi là con gái của anh Nguyễn Đình Nam và chị Trịnh Ngọc Thủy, trú tại tổ 67, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Chi cùng em trai Nguyễn Đình Dũng và bố Nguyễn Đình Nam đều bị di chứng do ảnh hưởng chất độc da cam từ ông nội của em là Đại tá Nguyễn Đình Sanh – nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái. 
Ông Sanh nhập ngũ từ lúc mới 15 tuổi, đi khắp các chiến trường ác liệt nhất, và nỗi đau chiến tranh đến giờ vẫn chưa nguôi dưới mái nhà này. Cháu Linh Chi bị dị tật bẩm sinh không chân, không tay, anh Nam và cháu Dũng bị dị ứng máu.
Linh Chi viết ước mơ của mình bằng cánh tay giả
 Linh Chi viết ước mơ của mình bằng cánh tay giả
8 năm kể từ khi ra đời đến nay, vượt qua muôn vàn khó khăn và dư luận trái chiều của xã hội, Nguyễn Linh Chi và gia đình đã luôn cố gắng để em được hòa nhập với cộng đồng và có thể làm được nhiều việc cho bản thân. Dù không có tay chân, Linh Chi đã tập đi trên hai ống inox, em còn có thể cầm đồ vật, rót nước uống, mời khách. 
Anh Nam kể, lần ấy đi công tác ở Mù Cang Chải về, anh đã không cầm nổi nước mắt khi nhìn thấy con gái mình có thể di chuyển những bước đầu tiên trong nhà, trên “đôi chân” bằng inox mà ông nội làm để tập đi cho cháu.
“Một ngày, thấy con mê mải nhìn cảnh trường lớp trên tivi, tôi hỏi con: “Linh Chi có thích đi học không?”. Chi trả lời: “Con lớn rồi, không đi học mẫu giáo với các em nữa, bố mẹ cho con đi học” – chị Thủy kể. 
Thế nhưng, hồi xin cho con đi học, chị không dám đem con đi khai giảng lớp 1 vì các bạn cháu tò mò cứ chạy theo đụng vào người cháu một cái. Giờ, Chi đang học lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái. 

"Con muốn đi học"

Mặc dù không có tay nhưng mẩu xương ở mỏm tay của Linh Chi vẫn tiếp tục mọc, cứ vài tháng lại mọc chồi ra, và khi đó Linh Chi lại phải phẫu thuật cắt bỏ phần xương mới mọc. Gần đây nhất, hồi tháng 6 vừa rồi, lần đầu tiên Chi đã phải cắt bỏ đoạn xương thừa. Theo lời bác sĩ, em và gia đình phải chung sống với tình trạng này ít nhất là đến 18 tuổi, khi cơ thể em chững lại. 
Chị Thủy giúp con viết chữ
 Chị Thủy giúp con viết chữ
“Lần trước cắt xương xong, Chi đau đớn lắm. Nhưng giờ cũng không thể không cắt vì xương mọc dài ra, dần dần nhọn như cái bút chì” – chị Thủy kể. Tuy nhiên, việc cắt xương cho Chi không chỉ khiến mẹ con chị lo lắng về sự đau đớn. 
Chị Thủy cho biết, lần trước do may mắn được sự giúp đỡ của Bệnh viện Đa khoa Phúc Lâm (Văn Giang- Hưng Yên) nên mọi chi phí cắt xương (khoảng vài chục triệu cho một ca phẫu thuật) đều được miễn phí. “Nhưng bệnh viện chắc họ chỉ giúp một lần thôi, chứ ai người ta miễn phí cho mãi” – chị Thủy lo lắng.
Kể từ khi biết đến sự tồn tại và nghị lực phi thường của Linh Chi, nhất là sau buổi giao lưu trực tiếp với Nick Vujicic, đã có nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm giúp đỡ cho em, trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - nơi bố Linh Chi công tác. 

Hành trình phía trước của Linh Chi cùng gia đình em còn rất dài. Nhưng với nỗ lực vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, em cùng gia đình, với sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội đang cùng mạnh mẽ vươn về phía trước. Khi tự tay viết lên trang giấy ước mơ của mình: “Con muốn đi học!”, Linh Chi đã gửi gắm qua những con chữ mơ ước tưởng chừng đơn giản nhưng vô cùng lớn lao của mình. 

Đọc thêm